Tôi biết còn lâu tôi mới dám kể về Tây Nguyên cho Y Phôn nghe, vì anh mới là một phần thịt da thật sự của nó. Tuy nhiên trời đất lại chỉ cho tôi cái phần rìa mong manh bay bổng phấn son của nó, rằng: mùa khô kia là cái mùa thách thức cao nguyên, nhưng giúp xứ sở này rèn luyện, để cao nguyên hiện ra hết vẻ trai tráng của mình. Lướt đi trong gió núi bụi hồng trên chiếc xe máy, lồng ngực nhiều khi cứ như bị nén dẹp lại, ấy thế mà vẫn cứ thấy dạt dào. Mười lăm năm rồi chưa hết cơn thèm gió bụi. Mười lăm năm chưa biết sợ nắng tàn sát của mùa khô miền Thượng. Tôi đợi mùa phong sương trên Tây Nguyên như đợi những cô sơn nữ trưởng thành, đợi những cánh rừng khộp trút lá, đợi sông Da Dơng chảy lòi ghềnh thác, cát và cỏ biến Kon Tum thành sa mạc. Tôi nhận ra sự bền bỉ kỳ diệu của con người trong cuộc giành giật với trời xanh từng mùa để sống.
Những đám cháy rừng
Trên hành trình đó, những con đường với mỗi loài thảo mộc từng lúc từng khắc lại nhận ra sự thay sắc, thay hương, thay đổi hình hài của nó. Có lúc lại mênh mang nghĩ suy trước những dải đồi trọc rộng lớn hiện ra. Ký ức về những cánh rừng già, hoài niệm về những loài mãnh thú hoang xa biệt, con cá lăng trên dòng Đắk B’la, Sêrêpok, những giò phong lan thủy tiên tuyệt xinh cực hiếm ở rừng Lạc Dương, Lâm Đồng. Về những dòng sông mà ngay cả mùa khô cũng gập ghềnh, chảy xiết, lòng đầy đá, đầy vực, đầy hốc, chứ không êm dịu, hiền hòa như sông nước miền xuôi (ngoại trừ mùa lũ). Đây đó trên những đồi cao là những cây Kơnia màu xanh thẫm như những dấu chấm hỏi chừa lại, vì đồng bào không bao giờ chặt hạ thứ cây có thần linh mang hình dáng chiếc dù và chịu hạn cực xuất sắc này. Chỗ khác lại dạt dào khi nhìn những dải vườn rẫy với muôn ngàn trụ tiêu phun lên, chống lên trời những trụ cột tươi xanh tưới bằng nhọc nhằn của dân lành. Những “dự án” lèn lỏi khai thác gỗ cú chót cũng bày ra ở mùa này, với những tiếng cưa máy rền vang trong rừng xa và những đoàn xe đầy gỗ. Những đám khói khổng lồ bốc lên xa xa cũng là chỉ dấu đặc trưng về mùa của cháy rừng. Mùa của hủy diệt, của lửa. Ngược lại mùa đây là mùa của nước. Tây Nguyên có Vua Lửa và Vua Nước hẳn cũng trong dòng tư duy dân gian này. Những vị vua không ngôi, nhưng sự tôn kính thì thấm nhận thức sâu xa của cộng đồng.
Nhưng đi giữa mùa gió bụi trên cao, có lúc nổi hứng mà bảo: chính cái thứ cây dã quỳ kia đã dắt cái tổ hợp “nắng-gió-bụi” ấy về đổ xuống cao nguyên, khi mà hình ảnh màu vàng hết mình đặc trưng loài hoa dại này phủ xuống khắp núi đồi, len lỏi ở mọi con đường lớn nhỏ, không muốn vắng mặt ở chỗ đất trồng nào. Rồi đi qua miền Easoup, lại sững sờ khi vướng phải rừng cây họ dầu vào kỳ rụng lá hiện lên một bức tranh khổng lồ ngợi ca về những chiếc lá vàng, cùng những cây cành trơ trụi của thiên nhiên. Những cánh rừng thi ca và hội họa ấy, hiện ra nhiều lắm ở vùng Đức Cơ, Chưprông (Gia Lai), Buôn Đôn (Đắk Lắk), Ya Hoa (Lâm Đồng), Ngọc Hồi, Đắk Hà (Kon Tum)… Tôi ước một giấc ngủ say trên thảm lá vàng kia, hay một ngày nào đó sẽ mang theo người ta yêu thương nhất lang thang giữa rừng cây gầy guộc nọ. Tôi cũng từng nao lòng khi băng qua những con đường đầy bụi cây trúc mọc nối tiếp hai bên còn bền bỉ xanh, trong khi những loài cỏ cây khác khô cháy sạch vì nắng hạn. Dĩ nhiên tôi cũng từng phát điên lên khi đi giữa mù sương chất ngất ùa về bất ngờ của một ngày trên cánh rừng cao su ở Đắk Song (Đắk Nông), hay vùng Chư Sê (Gia Lai)…
*
Cái dải đất mênh mông, nhưng cứ qua mỗi vùng, mỗi bon, mỗi Plei… cũng một dòng sông đấy, nhưng mỗi đoạn gọi bằng một tên khác. Rồi nữa, núi nhiều thế, nhưng ngọn nào cũng có tên riêng. Điều này mới vỡ ra là vì sao người Tây Nguyên hễ cúng, hay cầu ước an lành, điều tốt, là cứ gọi tên núi, tên sông ra… Cư, Rú, hay Đa, Ia, Ea, Đắk, Kon… là núi/rừng và nước/suối/khe/khởi nguồn sức sống. Vì làng, bon, buôn… nào cũng đều cần có nước mới tồn tại, nên tên làng, tên xứ sở, quê quán, thường được gắn với nguồn nước ấy, đó là: Đà Lạt, Đà Tẻh, hay Đắk Mil, Đắk Nông, Đắk Lắk, Plei Ku, Kon Tum, Kon Plong… Yàng nằm trên đấy, linh hồn con người nằm nơi đấy, số phận rơi đúng chỗ đấy, chỗ mà người ta gọi là rừng, suối, sông. “Rừng cạn cây, sông đổi dòng, thì họ không biết gọi cái gì để đánh cho vang tiếng chiêng, gọi cái gì khi cúng!”, một nhà lâm học tại một hội thảo khoa học bàn về việc nên hay không triển khai chương trình khai thác Bauxit ở Đắk Nông khi lo biến mất “không gian xã hội” đặc trưng của Tây Nguyên đã nhắn gửi tâm tình như thế.
Một phiên chợ buổi sớm ở một vùng quê thuộc tỉnh Đắk Nông
Mỗi một mùa gió bụi về trên cao nguyên, là một lần da thịt tôi đen thêm, xấu hơn, nhưng tôi vẫn cứ phóng xe một mình trôi qua những làng, bon sơn cước. Tôi thấy cuộc sống bình yên hơn khi nhìn những người mẹ, người chị, người em gái nhỏ gùi chiếc gùi đựng mấy thứ thảo mộc từ rừng về làng. Cũng như thấy yêu quý vô cùng những cô gái Giẻ Triêng nơi cực bắc Tây Nguyên sắp đến tuổi trưởng thành tháng ngày kiên trì gùi những gùi củi khô về chất dưới gầm nhà sàn để làm “của hồi môn” cho chính mình chờ ngày bắt chồng. Cộng đồng nhập cư của tôi qua Âu – Mỹ cũng bị vào hàng khôn ranh, thì tôi cũng ảnh hưởng cái hơi thở của cộng đồng ấy khi hiện diện ở Tây Nguyên này. Một nhà dân tộc học nào đấy người Pháp mách cho ai có tấm lòng với Tây Nguyên, rằng: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì hãy yêu để mà có thể hiểu!”.
Biết thì ai cũng biết, nhưng “hành” theo sự “hiểu”, cái đẹp mới là quan trọng; nhưng lại hiếm. Vậy thì tôi cũng mới chỉ là kẻ “thưởng thức” miền sơn nguyên, nương nhờ ở đậu đất họ, vay mượn từ trù phú đến cảm xúc, thưởng lãm phong sương, hít lấy làn hương của non ngàn, hơn là ôm lấy nó vào lòng, như một ân nhân, như một người tình, một món nợ lộng lẫy. Tôi chưa làm cho họ khôn lanh như tôi, hay họ không muốn thế. Họ có cách chọn tính hợp lý của họ, hay tôi áp đặt nhận thức, kiểu cách của tôi lên họ. Tôi thúc giục họ chạy đua với tôi, dù họ không biết chơi môn marathon. Vì thế nên bao năm rồi, tôi vẫn thế, vẫn nhìn và sống với Tây Nguyên như một du khách, một tay rong chơi, không bao giờ “hiểu” miền Thượng này. Đó là sự dại dột lớn nhất khi anh sống trên một xứ sở hãy còn những diệu kỳ chưa rơi rụng hết mà anh nhận thức sai lạc hay cố tình không hiểu những điều giản dị của nó. Đội nắng mà đi, đi như điên như cuồng trong hoang vu, tôi nhận ra Tây Nguyên đang chật chội.
Thi thoảng bắt gặp những chiếc xe chở gỗ từ rừng đi ra
Vậy tốt hơn hết, tôi cứ làm khách gió bụi, khách của miền sơn cước. Làm khách, thì sống bằng lý trí, hành xử nửa vời được. Không giúp được gì cho họ, thì ít nhất tôi cũng đang thực hiện được một hành xử tối thiểu là không chặt đổ một cành cây rừng đầu nguồn, bắn hạ một con thú, lấp đi một dòng suối, hay xẻ tan một ngọn núi. Vậy thì, chỉ mỗi cái xe máy băng băng trên đường thôi, và viết về cái đẹp, cái đẹp của trời và đất, bỏ qua thế tục, nỗi khổ cùng những buồn đau khó để kể thật của tha nhân.
Đi cho hết mùa của gió bụi, của hủy diệt đi, sẽ đến mùa của tốt tươi, sáng tạo, vì thế nào nước cũng về, khi trời đất đã chia đều vòng quay mưa – nắng trên thân thể cao nguyên này.
Bài và ảnh Nguyễn Hàng Tình