Mật ngọt chết ruồi?
Mô hình bán hàng đa cấp đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Định nghĩa gốc của MLM theo từ điển đầu tư quốc tế là một hình thức mà công ty bán hàng khuyến khích người phân phối tuyển dụng thêm những người phân phối mới. Phần trăm doanh số sẽ được chia cho người phân phối theo tỷ lệ thuận sản phẩm họ giúp công ty tiêu thụ. Điểm cộng của mô hình này là tiết kiệm được chi phí quảng cáo, thuê kho chứa, người tiếp thị có thể làm việc bán thời gian. Quan trọng hơn là số lượng sản phẩm từ “tân binh” của nhà phân phối nào, cũng được cộng vào doanh số đã tiêu thụ được của chính người đó. Đây chính là động lực thúc đẩy người phân phối nỗ lực mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Đặt chân đến Việt Nam, mô hình kinh doanh mới lạ này càng trở nên hấp dẫn. Theo thống kê của trang thông tin về bán hàng đa cấp thuộc Cục quản lý cạnh tranh, đến nay đã có 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có đăng ký giấy phép, trong đó kinh doanh thực phẩm chức năng chiếm ưu thế. Số “nhân viên tiếp thị” của mạng lưới đa cấp lên đến hơn một triệu người với doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin dưới hình thức những món lợi khổng lồ, nhiều công ty “ma” đã giả danh doanh nghiệp bán hàng đa cấp nước ngoài để “móc túi” người tiêu dùng. Bằng chứng là có đến 20 công ty, chiếm gần 30% “treo bảng” ngưng hoạt động, trong đó có công ty bị tịch thu giấy phép kinh doanh.
Nhiều cá nhân chia sẻ rằng những công ty “chui” này có những điều khoản bất hợp lý. Đặc biệt là áp lực phải bán được một số tiền nhất định để được lãnh lương. Chiêu “moi tiền” quen thuộc là “tân trang” hàng nội thành hàng ngoại và đánh vào nhu cầu tâm lý của người tiêu dùng. Thế là, một hình thức kinh doanh hợp pháp đã trở thành bất hợp pháp dưới sự bóp méo của những kẻ lừa đảo.
Chương trình huấn luyện trực tuyến E.Learning của một công ty bán hàng đa cấp