SoftBank đã định giá WeWork ở mức 47 tỉ USD trong tháng 1-2019.
Quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank đã gạt bỏ những quan ngại về mô hình đầu tư của họ trong bối cảnh diễn ra sự sụp đổ trong những vụ định giá công ty công nghệ đã buộc WeWork phải hủy bỏ kế hoạch IPO.
“Rajeev Misra, Giám đốc điều hành của Softbank Investment Advisers, người đứng đầu quỹ đầu tư Vision Fund, nói với Nikkei Asian Review rằng việc đầu tư mạnh tay cho các công ty công nghệ về lâu dài sẽ không thay đổi nếu những công ty này thành công và phủ nhận rằng Quỹ Vision Fund 100 tỉ USD đã tạo ra một bong bóng công nghệ mà hiện giờ có thể đang xì hơi”.
“Cho dù bạn mua [ở mức] 10% nhiều hơn hoặc ít hơn định giá, thì có vấn đề gì nếu chúng tôi kiếm được lợi nhuận gấp ba lần? Rajeev Misra nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi. “Nếu bạn nghĩ rằng 1 USD của bạn sẽ trở thành 3 USD, cho dù bạn trả 1,1 USD hay 1 USD [thì vẫn không quan trọng lắm]”, ông nói.
WeWork đã chính thức rút đơn xin IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trong tuần này sau khi không thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư ngay cả khi mức định giá giảm mạnh còn 15 tỉ USD. SoftBank đã định giá nhà cung cấp không gian làm việc chung ở mức 47 tỉ USD vào tháng 1 năm nay. Mức định giá hòa vốn của SoftBank cho trường hợp WeWork ước tính khoảng 24 tỉ USD.
WeWork, hiện đang khát tiền mặt, và được cho là đang đàm phán lại khoản đầu tư rót thêm 1,5 tỉ USD từ SoftBank với khả năng nâng số tiền này lên 2,5 tỉ USD hoặc hơn nữa.
Tuần trước, đồng sáng lập Adam Neumann đã từ bỏ vai trò Giám đốc điều hành của WeWork sau khi bị “soi kỹ” về vai trò lãnh đạo và quản trị công ty.
Sự thất bại này đã đặt ra nghi ngờ về khả năng tồn tại của mô hình đầu tư do SoftBank dẫn đầu, chủ yếu dựa vào việc gia nhập thị trường chứng khoán của các công ty startup công nghệ thua lỗ. Uber, công ty chia sẻ chuyến đi của Mỹ lên sàn vào tháng 5 và đang giao dịch ở mức hơn một phần ba dưới giá IPO.
Cổ phiếu của đối thủ cạnh tranh của Uber là Lyft, được hỗ trợ bởi công ty tài chính và thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten, đang giao dịch ở mức gần như một nửa giá IPO vào tháng 3.
Nhưng Rajeev Misra, một cựu giám ngân hàng đầu tư và quản lý quỹ đầu tư tư nhân – người gia nhập SoftBank năm 2014, đã gọi Vision Fund là “các nhà đầu tư kiên nhẫn”.
Một số khoản đầu tư của Vision Fund đã hoạt động tốt trong những lần chào bán cổ phiếu ra công chúng gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học 10x Genomics đang giao dịch với mức giá cao hơn khoảng 1/5 so với khi lên sàn vào tháng 9.
“Khi một công ty được phát hành cổ phiếu, chúng tôi sẽ đánh giá lại xem chúng tôi có nên giữ cổ phiếu hay không, Misra nói. Và với những cổ phiếu chúng tôi quyết định giữ, chúng tôi có thể giữ trong một thời gian, miễn là chúng tôi tin rằng chúng có tiềm năng mang lại lợi nhuận tốt cho công ty.”
Giám đốc điều hành Rajeev Misra cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng của hệ thống sinh thái Vision Fund với hơn 80 công ty mà quỹ thứ hai sẽ đầu tư.
“Tiềm năng từ lợi nhuận thêm mà chúng tôi có thể thu được bằng cách đưa các công ty đó làm việc với nhau là rất lớn”, ông nói. Một ví dụ về kiểu liên kết như vậy là hợp tác giữa công ty Fair, một dịch vụ cho thuê xe hơi, với Uber.
Trong khi đó, các công ty được SoftBank hậu thuẫn vẫn tiếp tục rầm rộ chi tiêu: tuần này, công ty startup Khách sạn Oyo của Ấn Độ, được hỗ trợ bởi Vision Fund, đã vung ra 100 triệu USD hợp tác với SoftBank để mua lại 80% cổ phần của nhà điều hành chung cư cho thuê Nhật Bản là MDI.
Rajeev Misra cho biết Vision Fund 2 sẽ tiếp tục chiến lược của SoftBank, tập trung vào các công ty công nghệ AI đột phá.
“Chúng tôi đầu tư vào các doanh nghiệp tài sản nhẹ, không phải tài sản nặng. Vì vậy, chúng tôi không đầu tư vào các công ty mua bất động sản hoặc mua ôtô. Nó phải là tài sản nhẹ, nó phải là phần mềm nền tảng, trở nên thông minh hơn mỗi ngày với nhiều dữ liệu được đưa vào”, ông nói.
Có rất nhiều ngành công nghiệp sẽ phát triển đột phá, vì vậy, tất nhiên chúng tôi sẽ tìm thấy những ngành tiềm năng khác để đầu tư. Chăm sóc sức khỏe, tài chính, giải trí, giải trí truyền thông, đây là những ngành công nghiệp vẫn có tiềm năng lớn phát triển đột phá thông qua công nghệ”.
Quỹ Vision Fund 2, được công bố vào tháng 7 và dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, đã đảm bảo khoản cam kết 108 tỉ USD từ Apple, Microsoft và các ngân hàng Nhật Bản, theo SoftBank Group. Quỹ Mubadala của Abu Dhabi, và PIF của Ả Rập Saudi – những đơn vị đã đầu tư hơn 50 tỉ USD vào quỹ đầu tiên – vẫn chưa xác nhận sự tham gia của họ vào quỹ thứ hai.
Quỹ ban đầu được biết đến với các vụ đặt cược bom tấn vào những công ty khởi nghiệp lớn như Uber và công ty phần mềm văn phòng Slack.
Nhưng hiện nay có ít cơ hội cho các khoản đầu tư lớn như vậy vào các công ty công nghệ tư nhân, có nghĩa là quỹ thứ hai có thể sẽ tập trung vào một số lượng lớn hơn những khoản đầu tư nhỏ hơn. Làm như vậy sẽ cần phải có nhiều nhân viên hơn nhưng cũng sẽ tránh được những rủi ro lớn khi đặt cược quá lớn.
Quỹ Vision Fund cũng đang thực hiện các bước có thể giúp tránh lặp lại các rắc rối như của WeWork, và các màn trình diễn đáng thất vọng của Uber và Slack.
“Chúng tôi đang phát triển một nhóm được gọi là “Sẵn sàng cho IPO”, sẽ giúp các công ty chuẩn bị chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng”, ông Misra nói. Nhóm đã làm việc với một số công ty mặc dù nó chưa được triển khai đầy đủ. Năm nay, quỹ cũng bắt đầu giúp các công ty trong danh mục đầu tư “tối ưu hóa bảng cân đối tài chính của họ”.
Cả hai bước cho thấy Vision Fund đang xây dựng khả năng của mình để đưa các công ty được đầu tư phát triển theo hướng tạo ra giá trị.