Một nghiên cứu chung do Google dẫn đầu cho biết thị trường dịch vụ tài chính kỹ thuật số ở Đông Nam Á đã đến thời điểm thay đổi đột phá.
Theo một khảo sát gần đây, trong số 400 triệu người trưởng thành ở Đông Nam Á, chỉ có 104 triệu người sử dụng đầy đủ dịch vụ ngân hàng và có thể tiếp cận đầy đủ vào các dịch vụ tài chính, trong khi 198 triệu người thậm chí không sở hữu tài khoản ngân hàng.
Dù khu vực này có một số công ty tài chính lớn nhất thế giới, nhưng những vấn đề rất cơ bản – như chi phí cơ sở hạ tầng, thiếu các điểm đăng ký công cộng và thông tin tín dụng đáng tin cậy, cùng với các quy định tài chính nghiêm ngặt – đã gây khó khăn cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm thâm nhập thị trường Đông Nam Á một cách có ý nghĩa.
Nhưng điều đó đang thay đổi, nhờ các công ty công nghệ tài chính.
Sự phát triển của các công ty fintech với nhiều hình thức và quy mô khác nhau trên khắp châu Á trong 5 năm qua đã được thúc đẩy không chỉ bởi sự tiến bộ trong công nghệ và tốc độ thâm nhập internet trong khu vực, mà còn vì ngày càng nhiều người trở nên hiểu biết về tài chính, và do đó đòi hỏi dịch vụ tài chính tốt hơn.
Thanh toán kỹ thuật số ở châu Á, bao gồm chuyển khoản vào tài khoản và ví điện tử, đã đến thời điểm thay đổi đột phá tại châu Á, một nghiên cứu chung của Google, Temasek và Bain & Co cho thấy.
Tăng trưởng ở mức hai chữ số, thanh toán kỹ thuật số dự kiến sẽ vượt 1 nghìn tỉ USD vào năm 2025 và chiếm gần một trong hai USD được chi tiêu trong thị trường khu vực. Thị trường ví điện tử dự kiến sẽ còn tăng nhanh hơn nữa, từ 22 tỉ USD năm 2019, lên tới 114 tỉ đôla, tăng nhảy vọt hơn năm lần đến năm 2025.
Không chỉ có các đối tượng truyền thống trong ngành tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty chuyển tiền quan tâm đến fintech mà cả những công ty “siêu ứng dụng”, dịch vụ chia sẻ chuyến đi, công ty fintech thuần túy, công ty thương mại điện tử và các nền tảng truyền thông xã hội cũng hướng sự quan tâm đến lĩnh vực này.
- Xem thêm: Tương lai của dịch vụ tài chính
Những đơn vị độc lập chỉ cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến – chẳng hạn như, Momo, ứng dụng thanh toán của Việt Nam, Stashaway, nền tảng quản lý tài sản thông minh và Akulaku, công ty cho vay kỹ thuật số Indonesia – đều giải quyết các vấn đề cụ thể như khả năng tiếp cận, tính tiện lợi và minh bạch, để cung cấp dịch vụ cho những người bình thường không thể có được dạng tiếp cận đó.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết họ phải đối mặt với chi phí sở hữu khách hàng cao và vẫn còn phải xem liệu các công ty này có thể tạo ra giá trị vòng đời khách hàng cao hơn để có thể phát triển bền vững về mặt tài chính hay không.
Các công ty như Lazada, Gojek, Grab và Sea Group có một lợi thế so với các công ty fintech thuần túy vì họ đã có sẵn lượng khách hàng, và do đó, có ít rào cản hơn và ít tốn kém hơn khi gia nhập thị trường. Họ thường hợp tác với các công ty tài chính truyền thống để cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm và cho vay, cùng với mảng thanh toán số.
Với dân số lớn chưa tham gia các dịch vụ tài chính chính thức, tiềm năng tăng trưởng của các công ty fintech vẫn còn rất nhiều ở Đông Nam Á.