Sử dụng hệ miễn dịch để giết các tế bào ung thư: sự khám phá này đưa ra phương hướng mới điều trị cho nhiều chứng bệnh.
Giải Nobel Y học 2018 đã tưởng thưởng cho một khám phá cách mạng hiện nay để chăm lo chứng ung thư: miễn nhiễm liệu pháp.
Mỗi giải Nobel: James P. Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật) đều chế ra một loại thuốc giúp giải tỏa phanh hãm của hệ miễn dịch để nó có thể tấn công các tế bào ung thư. “Điều này giúp đề ra một nguyên tắc mới để chữa trị ung thư” – Viện Karolinska ở Stockholm giải thích.
Phát hiện của 2 giải Nobel là gì?
Từ lâu, các nhà ung thư học luôn tìm cách chống lại ung thư bằng cách tấn công trực tiếp vào các tế bào khối u: đó là loại bỏ chúng hay tiêu hủy chúng bằng phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị.
James P. Allison và Tasuku Honjo, mỗi người đã tìm ra phương cách tác động vào hệ miễn dịch để cho các bạch cầu T vốn bình thường bảo vệ cơ thể chống lại những sự tấn công từ bên ngoài (vi khuẩn, virus…) cũng tấn công luôn các tế bào ung thư.
James P. Allison đã triển khai một kháng thể đơn dòng có thể chặn đứng hoạt động của một phân tử tên là CTLA-4 hiện diện ở bề mặt bạch cầu có tác dụng như một cái phanh hãm.
Ông là người đầu tiên chỉ ra điều đó nơi loài chuột trong một bài báo đăng trong tạp chí Science năm 1996, rằng loại thuốc đó có thể dẫn đến việc giảm bớt, trong một số trường hợp là biến mất hoàn toàn khối u và các di căn.
Còn Tasuku Honjo lại tìm ra một cái phanh hãm khác của hệ miễm dịch, PD1, và đã phát triển một chất để chặn cái phanh này.
“Đây là một mô thức cách mạng: người ta giúp đỡ các bệnh nhân để chữa trị ung thư với chính các bạch cầu của người ấy” – bác sĩ Aurélien Marabelle ở Trung tâm Gustave-Roussy, một trung tâm của Pháp đỉnh cao trong việc sử dụng và nghiên cứu về miễn nhiễm liệu pháp, giải thích.
Đã có nhiều miễn nhiễm liệu pháp trên thị trường và nhiều thử nghiệm lâm sàng khẳng định tiềm năng của các loại thuốc đó chống lại các dạng ung thư đã tiến triển khó điều trị.
- Xem thêm: Nobel Y học 2018 vinh danh hai người nghiên cứu giải pháp trị ung thư dựa vào hệ miễn dịch
Tuy nhiên phương cách này trước tiên đã được tiếp nhận một cách không mấy hào hứng bởi cộng đồng ung thư học bởi vì nhiều cố gắng trước đây để sử dụng hệ miễn dịch trong thập niên 1970 và 1980 đã thất bại.
Nhưng các thử nghiệm lâm sàng trên người cuối cùng đã chứng minh, trước tiên ở quy mô nhỏ, tiềm năng của đường hướng này.
Giờ đây liệu pháp miễn nhiễm nằm trong những cách điều trị ung thư hứa hẹn nhất, và kỹ nghệ dược phẩm đã đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực này.
Liệu pháp miễn nhiễm hữu hiệu với dạng ung thư nào?
Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy các kết quả đáng thú vị với khoảng 30 dạng ung thư. Giờ đây, các liệu pháp này đã được bảo hiểm Pháp chi trả, nhất là với ung thư phổi sau điều trị lần đầu hay lần thứ nhì hóa trị bị thất bại; với ung thư da di căn; với ung thư thận điều trị lần thứ nhì; và gần đây với các loại ung thư tai mũi họng.
Hiệu quả rất khác nhau tùy theo khối u. Có đến 40% số bệnh nhân bị ung thư da vẫn còn sống và không tái phát 5 năm sau khi bắt đầu điều trị bằng liệu pháp này – một thời gian mà các bác sĩ ung thư học bắt đầu dám nói đến từ “khỏi bệnh”, cho đến nay chưa có cách điều trị thực sự hữu hiệu đối với chứng bệnh này.
Trong các bệnh phổi, có từ 20% và 40% “đáp ứng”: “Đó là các bệnh mà khối u và di căn giảm ít nhất 30%.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có các bệnh nhân mà bệnh ổn định trong thời gian đôi khi khá lâu và hưởng lợi từ liệu pháp này” – bác sĩ Marabelle nói rõ.
Trong các thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành, đôi khi có nhiều phép lạ có thể được quan sát: “Một bệnh nhân của chúng tôi mắc ung thư tụy vẫn đang giảm bệnh.
Người ấy đã được điều trị hai năm mà chúng tôi đã ngưng điều trị cách đây sáu tháng. Người ấy không tái phát và sống bình thường” – bác sĩ hào hứng cho biết.
Tất cả các thuốc điều trị đều có mặt tại Pháp?
Đó là một trong các điểm đen của thành công của liệu pháp miễn nhiễm: các loại thuốc đó rất đắt và sẽ có mặt trên thị trường rất chậm.
“Trong bệnh ung thư hạch bạch huyết hodgkin tái phát, có 70% bệnh nhân đáp ứng, và thuốc được phép đưa ra thị trường châu Âu. Nhưng tạm thời bộ Y tế Pháp chưa chịu bảo hiểm và đòi hỏi những nghỉên cứu bổ sung” – bác sĩ Aurélien Marabelle than phiền và tiếc nuối về sự bị kẹt của những thảo luận về việc điều trị ung thư bàng quang.
Tại Mỹ, các liệu pháp đó được bảo hiểm trong ung thư dạ dày, ung thư thực quản và ung thư gan, ung thư thận kết hợp (kháng PD1 và kháng CTLA-4 ).
Thuốc có tác dụng phụ không?
Liệu pháp miễn nhiễm thông thường được dung nạp tốt hơn hóa trị. Chẳng có buồn nôn, nôn, rụng tóc hay đau thần kinh.
Ngược lại, một khi được thả lỏng, hệ miễn dịch đôi khi sai lầm tấn công cả các tế bào lành với kết quả là dẫn đến các bệnh tự miễn: bệnh tuyến giáp hay thận, viêm ruột, tiểu đường, lupus ban đỏ… Khoảng 10% bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng, nhưng các tác dụng đó thường có thể đảo ngược.
Các hướng nghiên cứu hiện nay là gì?
“Sự cấp bách đầu tiên là phải tìm hiểu xem vì sao đến 70% số bệnh nhân lại không đáp ứng với cách điều trị này” – chuyên gia Laurence Zitvogel ở Trung tâm Gustave-Roussy nhấn mạnh. Bà đã chứng minh rằng sự rối loạn hệ vi sinh vật trong ruột có thể là nguyên nhân.
“Chúng kéo theo một sự loạn năng của hệ miễn dịch” – bà giải thích. Nhưng còn rất nhiều điều để khám phá: những rối loạn đó từ đâu mà có, chúng tác động thế nào trên hệ miễn nhiễm…
Một phương hướng cải thiện khác là tìm xem nơi các bệnh nhân đáp ứng những chỉ dấu để nhận ra họ trong tương lai để cho thuốc.
Các nhà nghiên cứu cũng phân tích nguyên nhân của những sự tái phát nơi các bệnh nhân mà thoạt đầu liệu pháp đã hoạt động.
Chính lúc ấy sự kết hợp các liệu pháp truyền thống và miễn nhiễm liệu pháp có thể trở nên lý thú: “Chúng tôi cho rằng các tế bào ung thư bị xâm phạm bởi liệu pháp truyền thống như hóa trị hay xạ trị đã phát ra những tín hiệu đặc biệt mà hệ miễn dịch, được kích hoạt bởi liệu pháp miễn nhiễm, có thể nhận ra chúng dễ dàng hơn” – Laurence Zitvogel hy vọng.
Do vậy tính hiệu quả được cải thiện. Những thử nghiệm đang được tiến hành nhằm tiêm thuốc liệu pháp trực tiếp vào các khối u thay vì tiêm tĩnh mạch. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ đạt được hiệu quả hơn với ít tác dụng phụ hơn.
Cuối cùng, nhiều loại phanh hãm của hệ miễn dịch đã được khám phá những năm gần đây, chúng hoạt động giống như CTLA4 và PD1.
Giờ đây, phải tìm hiểu xem liệu chúng có thể bị hủy không: “Điều này có lẽ sẽ giúp tác động đến những dạng ung thư khác” – bác sĩ Aurélien Marabelle hy vọng.
Một người Pháp bị Viện Hàn lâm Stockholm bỏ quên?
James P. Allison là người đầu tiên có ý tưởng ức chế phân tử CTLA-4 để hệ miễn dịch có thể tấn công các khối u.
Thế nhưng, chính một người Pháp, Pierre Golstein, ở Trung tâm Miễn nhiễm học Marseille đã phát hiện ra sự hiện hữu của phân tử này nhiều năm về trước.
“Tôi cố tìm hiểu cơ chế phân tử qua đó một tế bào như bạch cầu T có thể giết chết các tế bào khác. Chúng tôi đã tìm ra nhiều chất có liên quan đến như CTLA 1, 2 và 3 cũng như CTLA-4 mà lúc trước chúng tôi chưa xác định được hoạt động” – ông kể.
Công trình của ông được đăng trên tạp chí Nature năm 1987. Nếu không có bước tiến đó, liệu pháp miễn nhiễm có lẽ không bao giờ được khám phá.
Nhưng sau đó, một nhóm nghiên cứu Mỹ chứng minh rằng thuốc đó đóng vai trò điều hòa hệ miễn dịch. Trước khi Allison chế ra một loại thuốc có thể ức chế hoạt động hãm và phát minh ra một vũ khí mới chống ung thư.