Từ ngày 27-4 đến 1-5-2019, lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh tổ chức Festival hoa lan lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của các nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoa, cây kiểng tại 20 tỉnh thành Việt Nam.
Mặc dù công nghiệp hoa lan chưa được quy hoạch trong chiến lược phát triển kế hoạch năm năm của quốc gia nhưng theo nhiều người trong nghề, tiềm năng kinh tế từ hoa lan là rất đáng quan tâm.
Nhu cầu thế giới và nội địa đều đang tăng
Phát biểu tại hội thảo “Tiềm năng phát triển và định hướng sản xuất hoa lan tại TP. Hồ Chí Minh” tổ chức trước Festival, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết tình hình xuất khẩu hoa lan trên thế giới tăng dần từ năm 2016 (193,4 triệu USD), đến hết năm 2018 giá trị xuất khẩu đạt ngưỡng cao nhất giai đoạn (khoảng 217,6 triệu USD).
Việt Nam xếp vị trí thứ sáu về xuất khẩu hoa lan với tổng giá trị đạt trên 4 triệu USD, chủ yếu xuất sang Nhật Bản, Singapore, Hong Kong và các nước Ả Rập.
Trong năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã xuất khẩu được 180.000 cành hoa lan mokara sang thị trường Campuchia, tăng trên 45% so với năm 2017.
Hiện diện tích sản xuất hoa lan của TP. Hồ Chí Minh có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Năm 2010, diện tích sản xuất chỉ đạt 190ha nhưng đến hết năm 2018 diện tích trồng lan đã lên đến 375ha.
Cùng với sự gia tăng về diện tích, quy mô cung ứng hoa lan của TP. Hồ Chí Minh cũng tăng từ mức 84,5 triệu cành năm 2010 lên 134,5 triệu cành vào năm 2018, gấp 1,6 lần.
Từ các nguồn cung ra thị trường, hoa lan được bán cho các cửa hàng hoa (19,5%), các chợ đầu mối (45%), bán đi các tỉnh (30,5%) và xuất khẩu (5%).
Theo đại diện Công ty Hoa lan Hoàng Hà, hiện xu hướng tiêu dùng hoa lan đang tăng lên đáng kể và dự đoán sẽ tăng mạnh trong thập niên tới.
Trong các hội nghị, việc trang trí hoa tươi là rất cần thiết và hoa lan luôn là lựa chọn hàng đầu hiện nay. Trong giai đoạn 2013-2017, giá trị nhập khẩu hoa lan trong nước tăng từ 5,5 triệu USD năm 2014 lên gần 13 triệu USD năm 2018.
Trong đó Thái Lan là thị phần nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần như tuyệt đối 100%. Tại hội thảo, các ý kiến cũng đánh giá, thị trường xuất khẩu hoa lan hiện nay rất lớn và đầy triển vọng.
Ngày nay người tiêu dùng có xu hướng mua hoa lan giá tốt mà không cần biết xuất xứ, vì vậy thị trường hoa lan thế giới luôn có chỗ cho những quốc gia mới tham gia miễn là giá cạnh tranh, hoa bền và màu sắc đúng thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo nguồn số liệu từ Trademap.org, giá trị xuất khẩu hoa lan toàn thế giới từ ở mức hơn 193 triệu USD năm 2016 đã lên đến hơn 217 triệu USD trong năm 2018.
Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hoa lan ở Thái Lan
Xét về điều kiện thời tiết khí hậu, TP. Hồ Chí Minh rất thuận lợi để trồng lan nhiệt đới. Đặc biệt, cây lan thích hợp với nhiều loại giá thể như vỏ dừa khô, xơ dừa, than, có thể sử dụng vật liệu rẻ tiền, vật liệu phế thải làm giá thể nhưng hiệu quả cao giúp cho việc đầu tư vào sản xuất giảm rất nhiều chi phí đầu vào.
Hiện nay, người trồng lan có thu nhập cao gấp 4-5 lần so với người trồng các loại cây nông nghiệp khác, với lợi nhuận lên tới khoảng 800 triệu/ha.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác nghiên cứu giống, lai tạo những loài lan đặc hữu, có bản quyền còn chậm, chưa được đầu tư đúng mức đã gây ra thế phụ thuộc rất lớn vào giống từ Thái Lan – là những giống rất xưa cũ có giá trị không cao, thậm chí có nguy cơ thoái hóa do tích lũy mầm bệnh tiềm tàng.
Ngoài ra do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tỷ lệ số hộ trồng hoa lan ở TP. Hồ Chí Minh có diện tích dưới 1.000m2 chiếm tới hơn 90% số hộ trồng.
Dịch vụ đầu vào cho ngành trồng lan chưa được tổ chức đồng bộ và còn thiếu rất nhiều, từ lưới che, thiết bị nhà lưới đến vật tư, phân bón chuyên dùng cho lan. Đặc biệt là kỹ thuật trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu năm mà chưa có các nghiên cứu sâu.
Nhìn sang Thái Lan, đất nước có khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi để trồng lan tương đương với TP. Hồ Chí Minh nhưng xuất khẩu lan lên đến cả trăm triệu USD/năm, TS Dương Hoa Xô cho biết: “Trước hết, khâu nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo và nhân giống hoa lan của Thái Lan rất tốt. Họ có nhiều công ty tư nhân, viện nghiên cứu tham gia vào việc lai tạo các giống mới và hằng năm đưa ra hàng chục giống mới phù hợp với thị hiếu trong nước và thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, ở Thái Lan đang có xu hướng chọn các giống hoa lan có hương thơm, cây vừa phải nhưng có thể chưng trong phòng với các loại lan có bông nhuyễn, nhỏ nhưng nhiều bông và màu sắc rất đẹp.
Quy mô của các hộ trồng hoa lan tại Thái Lan rất lớn, các hộ thông thường có 1 – 3ha, thậm chí 5ha; còn các trang trại, vườn của công ty, doanh nghiệp có thể 10 – 15ha. Như vậy số lượng hoa lan mới đủ để trở thành một loại hàng hóa công nghiệp, đủ đáp ứng cho khách hàng”.
Ngoài ra, theo TS Dương Hoa Xô, khâu tổ chức dịch vụ đầu vào phục vụ ngành trồng lan ở Thái Lan khá bài bản và thuận tiện.
Đến bất kỳ cửa hàng vật tư nông nghiệp nào, có thể mua đủ tất cả các loại vật tư trồng lan: phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, lưới, chậu, giá thể… với giá cả phải chăng.
Còn đầu ra xuất khẩu hoa lan của họ luôn ổn định với nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu hoa. Họ chủ động từ khâu chọn tạo giống đến nhân giống và trồng rồi xuất khẩu.
Chất lượng sản phẩm hoa lan của họ đáp ứng theo yêu cầu của thị trường từ hoa cắt cành, hoa để trang trí bàn ăn, hoa chậu để chưng trong nhà, nhà hàng, khách sạn.
- Xem thêm: Gỡ khó cho trồng hoa công nghệ cao
Tại hội thảo, nhiều người cho rằng để phát triển ngành lan, TP. Hồ Chí Minh cần kêu gọi và hỗ trợ đầu tư mở rộng năng lực sản xuất giống cấy mô đồng bộ về số lượng và chất lượng giống, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu giống từ nước ngoài.
Đồng thời xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp nhân giống từ nước ngoài nhằm giảm bớt áp lực chất lượng giống không đồng đều và giá giống phụ thuộc lớn vào biến động tiền tệ của nước xuất khẩu giống.
Về lâu dài, cần tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống. Đồng thời sưu tập, thuần hóa và làm nguồn lai tạo các loài lan rừng đặc hữu của Việt Nam, tiến đến đăng ký bản quyền quốc tế các giống lan đã thuần hóa và lai tạo.