Khoảng ba năm trở lại đây, lĩnh vực trồng hoa công nghệ cao tại Việt Nam ngày càng được quan tâm vì giá trị lợi nhuận cao, thị trường xuất khẩu rộng mở. Tuy nhiên, do hạn chế trong tiếp nhận thông tin quốc tế, sự thiếu rõ ràng của một số thông tư, nghị định từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), người nông dân muốn tham gia trồng hoa công nghệ cao thường gặp khó ngay từ khâu tìm giống.
Đừng để người trồng hoa bị “mù” thông tin
Hiện nay, trong các giống hoa sản xuất tại Lâm Đồng có tới 90% phải nhập khẩu từ các nước, trong khi công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới tại địa phương còn hạn chế. Nhìn chung, đa số các hộ nông dân sản xuất hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có bản quyền nên sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm hoa Lâm Đồng, điều cần làm là nhập nội một số giống hoa để khảo nghiệm và sau đó chọn mua bản quyền các loại giống có hiệu quả, năng suất, chất lượng và có khả năng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc không có kênh thông tin chính thức tầm quốc gia về giống đã khiến nông dân bị “mù” thông tin cây giống có bản quyền quốc tế. Người trồng hoa hoàn toàn phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin về cách nhập, nơi bán, hình thái cây hoa, thời hạn bảo hộ bản quyền, cách thức hoàn trả chi phí bản quyền giống. Có rất nhiều giống hoa hết hạn bảo hộ bản quyền nhưng nông dân cũng không có thông tin khiến nhiều cơ hội phát triển giống hoa mới bị bỏ lỡ.
“Chúng tôi đã kiến nghị phải có kênh thông tin “xóa mù” về giống bản quyền cho nông dân để thúc đẩy xuất khẩu hoa. Nếu không làm sớm, rất dễ xuất hiện vết đen bản quyền trên bản đồ kinh doanh hoa thế giới. Hy vọng Bộ NN-PTNT sớm có một kênh chuyên tập hợp thông tin về giống, trình bày thành cơ sở dữ liệu theo phương thức đơn giản để nông dân tiếp cận”. Ngoài ra, để những công ty lớn trên thế giới mạnh dạn bán giống sang Việt Nam và tổ chức phương thức thu phí bản quyền cây giống phù hợp với điều kiện địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng cần sớm có chế tài đối với việc sao chép giống trái phép bằng cách nhập tiểu ngạch sau đó nuôi cấy mô.
Tạo thêm điều kiện cho nông dân tiếp cận công nghệ cao
Cùng với thực tế trên, các doanh nghiệp nhập khẩu giống đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục nhập khẩu giống mới, là những giống chưa có tên trong danh sách những vật thể thực vật được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo quy định, trong hồ sơ nhập khẩu giống, để một giống rau, hoa nhập vào Việt Nam là phải có bảng phân tích nguy cơ dịch hại của giống rau, hoa đó (viết tắt tiếng Anh là PRA – Pest Risk Analysis). PRA do nước xuất khẩu giống thực hiện, là hồ sơ do Bộ Nông nghiệp của hai nước xuất khẩu và nhập khẩu quyết định và thực hiện. Các doanh nghiệp xuất và nhập khẩu giống không thể tiếp cận và bị động chờ đợi. Đây là cái khó của doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp nhập khẩu giống của Việt Nam là khi nào chúng ta có được bảng PRA cho giống cần nhập khẩu? Các nước xuất khẩu giống có muốn làm PRA không? Khi có được PRA rồi thì những giống rau, hoa đó còn giữ giá trị kinh tế trong và ngoài nước không? Có nên mua để sản xuất nữa không? PRA có phải là công cụ duy nhất để kiểm soát dịch hại không? Đó là hàng loạt những khúc mắc mà các doanh nghiệp, người trồng hoa ở Đà Lạt đã được Hiệp hội Hoa Đà Lạt gửi đến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 diễn ra tại Hà Nội hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Ông Nguyễn Tạo – Phó trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn đại biểu Quốc hội Lâm Ðồng kiến nghị: “Quốc hội nên chỉnh sửa các thông tư, nghị định của Bộ NN-PTNT, nêu rõ thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành để tránh tình trạng kéo dài việc cấp PRA. Cần linh hoạt áp dụng PRA đối với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, quản lý rất tốt nguồn giống và kiểm soát tốt nguy cơ dịch hại như Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản… Với các quốc gia này nên miễn thủ tục PRA để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nhanh. Nên quản lý giống nhập khẩu một cửa là Bộ NN-PTNT và cấp một giấy phép duy nhất”.
Vấn đề được các doanh nghiệp, người trồng hoa nêu lên là hết sức chính đáng, ngoài ra PRA có thực sự cần thiết áp dụng đối với những nước có nền nông nghiệp về giống tiên tiến, có lịch sử cung cấp giống cho Việt Nam chưa từng phát sinh dịch hại nghiêm trọng hay không. Nếu thực hiện PRA linh hoạt sẽ đem lại khá nhiều lợi ích cho ngành rau, hoa của Việt Nam, giúp giảm tình hình vi phạm bản quyền giống, giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất – ông Trương Đức Phú, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhận xét.
Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội Hoa Đà Lạt thì các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thủ tục nhập khẩu giống do hàng rào thủ tục hành chính. Theo quy định, trước khi nhập khẩu phải xin phép để được cấp phép “kiểm dịch thực vật” dạng quota, quản lý cả về số lượng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa và cả hợp đồng thương mại của doanh nghiệp. Điều này là không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Qua tìm hiểu thực tế, được biết về thủ tục cấp phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu, giống hoa được chia nhỏ thành từng nhóm như hạt, củ, hom, ngọn, cây… có phần gây khó hiểu cho doanh nghiệp. Ví dụ giống hoa trạng nguyên nhập khẩu từ Italia được phép nhập khẩu là cây có rễ, còn chồi, ngọn thì không được phép nhập. Hoặc như giống hoa hồng nhập từ Hà Lan, cây có rễ thì được phép nhập còn cành hoa thì không được phép nhập. Hoặc như hoa cẩm chướng được phép nhập khẩu chồi, ngọn từ Kenya nhưng cây có rễ thì lại không được phép nhập khẩu. Ngoài ra hiện nay, cùng một đối tượng cây trồng để nhập khẩu doanh nghiệp phải xin hai giấy phép qua hai cục đó là Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật. Trên thực tế, có trường hợp cục này cho phép nhập nhưng cục khác lại không cho phép nhập.
Bên cạnh vấn đề giống, nông dân muốn tham gia nông nghiệp công nghệ cao lại không thể tự liên hệ với đối tác nước ngoài để nhập khẩu nguyên bộ nhà kính mà phải thực hiện theo cách nhập rời từng phần của nhà kính thông qua các công ty trung gian và thường phải mua với giá cao. Thuế nhập khẩu các mặt hàng vật tư phục vụ nông nghiệp công nghệ cao cũng rất cao, từ 7 – 17%. Theo đó, Hiệp hội Hoa Đà Lạt cũng kiến nghị cần bổ sung cơ chế đặc thù phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo Quyết định 1528, đó là cần miễn thuế nhập khẩu đối với nhà kính, trang thiết bị nông nghiệp.