“Không gian và tiết điệu II” là triển lãm cá nhân của họa sĩ Vĩnh Phối (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh – 97A Phó Đức Chính, Q.1 – từ 6-5 đến 15-5) với buổi khai mạc thật đông vui và cảm động bởi sự hiện diện của nhiều bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò đến chúc mừng một nhà giáo tận tụy với nghề.
Mười lăm năm trước, triển lãm cá nhân “Không gian và tiết điệu” của họa sĩ Vĩnh Phối đã diễn ra tại Hà Nội với hơn 30 tác phẩm theo khuynh hướng trừu tượng, ngôn ngữ hội họa tiêu biểu nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của ông. Hôm nay, vẫn là “Không gian và tiết điệu” nhưng phòng tranh Vĩnh Phối tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có thể coi là một triển lãm hồi cố (retrospective), cho phép người xem ngắm nhìn hầu như cả một hành trình sáng tác dài tới sáu thập niên của tác giả cùng những chặng đường, những tìm kiếm và khám phá các chân trời của nghệ thuật phương Tây sau khi ông đã tốt nghiệp khoa Hội họa (1958) và khoa Sư phạm Mỹ thuật (1959) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định thời giáo sư Lê Văn Đệ là hiệu trưởng ngôi trường danh giá này.
Trừu tượng đi suốt cuộc đời
Đáng quý là phòng tranh có cả một số tranh được tác giả vẽ vào đầu thập niên 1960 khi đang là sinh viên của Học viện Mỹ thuật Roma ngành hội họa và sau đó là ngành điêu khắc, mà nhiều tuổi nhất là bức sơn dầu Forum Romain vẽ năm 1960 mô tả những phế tích La Mã bằng ngôn ngữ Ấn tượng hay bức tranh thuốc nước Góc phố La Mã vẽ năm 1962. Vĩnh Phối đã vẽ và triển lãm tranh trừu tượng từ khi theo học tại Ý và phong cách hội họa này gắn bó suốt đời với ông, dù có những lúc ông vẽ theo các khuynh hướng khác để phù hợp với những đề tài về Huế, về văn hóa dân tộc, lịch sử, huyền sử… mà ông theo đuổi qua từng giai đoạn sáng tác.
Có một câu chuyện được họa sĩ – nhà giáo Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế kể lại trong website của nhà trường: sau năm 1975, khi tranh trừu tượng của họa sĩ Vĩnh Phối (lúc bấy giờ là Hiệu phó Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế) được trưng bày tại trường đã có nhiều phản ứng từ những người theo chủ nghĩa hiện thực cứng nhắc, thậm chí có một quan chức lãnh đạo phê phán tranh ông “khó hiểu và xa lạ” khiến “suýt nữa cuộc đời và số phận con người nghệ sĩ của ông đã khác”. Phải đến thời kỳ Đổi mới, đặc biệt là vào năm 1992, khi Trường Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức một chương trình giao lưu với các họa sĩ Pháp trong Festival văn hóa Việt – Pháp 1992 (tiền thân của Festival Huế) thì vị họa sĩ gốc hoàng tộc triều Nguyễn mới chính thức trở lại với khuynh hướng trừu tượng mà ông là một trong những người đi tiên phong tại Việt Nam.
Sự đắm say với hội họa trừu tượng ở họa sĩ Vĩnh Phối biểu hiện rõ nét trong triển lãm “Không gian và tiết điệu II”, bởi sau khi đưa người thưởng ngoạn dạo qua những tác phẩm vẽ phong cảnh Roma của thời sinh viên du học tại Ý, rồi những tranh vẽ về văn hóa Đông Sơn, thời Hùng Vương với Lạc hầu Lạc tướng, về thời tiền sử của con người… của thập niên 1980, hoặc những tranh vẽ phong cảnh xứ Huế rực rỡ vàng son, lung linh sắc màu thì họa sĩ Vĩnh Phối kéo họ vào cái mạch cảm xúc mạnh mẽ, đầy xung lực của ông: thế giới ảo diệu, đa tầng, đa nghĩa với muôn vàn biến điệu của hình thể, nhịp điệu và sắc màu của hội họa Trừu tượng và Bán trừu tượng. Đó là nỗi xao xuyến trước cảm thức về vũ trụ vô hạn và kiếp người hữu hạn chỉ có thể bày tỏ bằng ngôn ngữ trừu tượng. Là những chiêm nghiệm về nhịp điệu của sự sống, của vòng đời. Là mối giao hòa Thiên – Địa – Nhân. Là bản hòa ca bất tận của Âm – Dương… Ngôn ngữ trừu tượng trong tranh Vĩnh Phối, nói như nhà nghiên cứu mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy là đi “tìm một sự hòa hợp giữa phương Đông và phương Tây, giữa tâm hồn Việt Nam từ thâm sâu, để cộng hưởng với cách nhìn và kỹ thuật hiện đại của châu Âu. Nơi nghệ thuật trừu tượng kéo dài nửa thế kỷ vừa qua của Vĩnh Phối, thực dễ hiểu là tại sao chúng ta có thể tìm thấy nhiều hình ảnh nổi bật rút tỉa từ nền văn minh cổ Đông Sơn, hoặc ký hiệu, biểu tượng của văn hóa phương Đông nói chung. Như đồ hình âm-dương, hà đồ, lạc thư, hình vuông và hình tròn của trời tròn, đất vuông…”.
Một nhà sư phạm mỹ thuật mẫu mực
Cả cuộc đời của phó giáo sư – họa sĩ Vĩnh Phối gắn chặt với ngôi trường mỹ thuật Huế. Năm 1967, sau khi từ Ý trở về quê nhà, chưa đến tuổi tam thập nhưng Vĩnh Phối đã được cử làm giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, nơi ông đã cùng các thầy giáo – họa sĩ Tôn Thất Văn, Đinh Cường, Hồ Hoàng Đài, Đỗ Kỳ Hoàng, Lê Thành Nhơn, Trương Đình Quế… đào tạo nên nhiều tên tuổi mỹ thuật cho xứ Huế và cả nước.
Sau 1975, họa sĩ Vĩnh Phối tiếp tục được cử làm hiệu phó nhà trường nhưng tới năm 1986 thì ngôi trường ông yêu quý phải đổi tên thành Cao đẳng Nghệ thuật Huế sau khi được sáp nhập với Nhạc viện Huế. Năm 1994, trường trở thành Đại học Nghệ thuật Huế, họa sĩ Vĩnh Phối tiếp tục làm phó hiệu trưởng cho tới ngày về hưu, tuy nhiên trong lòng ông luôn canh cánh một nỗi niềm: Huế phải có một trường đại học mỹ thuật.
Trong website của Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Hiệu trưởng – tiến sĩ Phan Thanh Bình viết: “50 năm của Trường Đại học Nghệ thuật bây giờ và Trường Cao đẳng Mỹ thuật trước đây, họa sĩ – phó giáo sư Vĩnh Phối gần như có mặt ở tất cả những thời điểm nhạy cảm và trăn trở nhất. Thế mà trước và sau khi từ giã chức vụ quản lý, bạn bè, thân hữu và sinh viên vẫn thấy ông dường như không có gì khác nhau bởi sự giản dị, khiêm nhường và chân tình, gần gũi lúc nào cũng toát lên ở ông. Thì ra chưa bao giờ mọi phù phiếm của chức quyền, địa vị và đôi chút bổng lộc lại có thể lấn át con người nghệ sĩ với bản tính bình dị trong ông – đó thực sự là một điều không phải ai trong hoàn cảnh tương tự cũng có thể làm được. Giờ đây ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa một ngày nghỉ vẽ, dạy vẽ. Sự có mặt của phó giáo sư – họa sĩ Vĩnh Phối trong nhiều công việc chuyên môn của nhà trường như ủy viên Hội đồng khoa học – đào tạo, hướng dẫn sinh viên vẽ sơn dầu, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp ở khoa Hội họa, khoa Sư phạm, hướng dẫn các bài học cơ bản về tượng tròn, đắp nổi và hướng dẫn tốt nghiệp tại khoa Điêu khắc… luôn đem lại cho đồng nghiệp sự yên lòng, tin tưởng. Ông được mọi người quý trọng, nể phục và coi là người anh lớn, người đồng nghiệp họa sĩ chân tình và gần gũi, người giảng viên mẫu mực của Trường Đại học Nghệ thuật Huế”.
- Diên Vỹ