Trong triển lãm của họa sĩ Faisel Laibi Sahi được tổ chức gần đây tại gallery Meem ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) là hình ảnh về một xứ sở ngày còn bình yên, chưa bị bom đạn chiến tranh cùng các hoạt động khủng bố tàn phá.
Với tên gọi “Nỗi đau và sáng tạo”, phòng tranh của Faisel Laibi Sahi lại không hề có cảnh đau thương, mất mát như đã diễn ra hằng ngày tại quê hương của ông. Thay vào đó là những sinh hoạt đời thường, kinh doanh mua bán, những phiên chợ đầy màu sắc với người buôn kẻ bán đủ loại sản phẩm: người bán trái cây, người phục vụ cà phê buổi sáng, người đánh giày… Ấn tượng đầu tiên ở các bức tranh được vẽ với bút pháp hiện thực là sự sống động ở các chân dung cùng những màu sắc tương phản như chính cuộc sống đang diễn ra, nhưng nhìn gần hơn người xem nhận ra khía cạnh châm biếm ở từng tác phẩm. Bởi những gì ông vẽ đã trở thành kỷ niệm buồn bã và đau thương. Iraq nay là một địa danh gợi sự chết chóc, tang thương. Người ta có thể chết bất kỳ lúc nào giữa phố hay trong một phiên chợ đông người vì các vụ đánh bom khốc liệt. Chế độ độc tài Saddam Hussein không còn nữa nhưng sự trả giá còn đắt hơn nhiều.
Faisel Laibi Sahi có một tiểu sử nghề nghiệp đáng nể: sinh ra và lớn lên ở Baghdag, sau đó theo học mỹ thuật tại Viện hàn lâm nghệ thuật Iraq vào cuối những năm 1960. Sang Paris tu nghiệp chuyên môn, ông ở lại châu Âu làm việc và định cư tại London. Từ năm 1966 đến nay, họa sĩ đã có nhiều triển lãm cá nhân tại quê nhà và tại các nước Algeria, Anh, Ý, Đức cùng nhiều triển lãm nhóm khắp thế giới. Để thực hiện tác phẩm, Faisel Laibi Sahi sử dụng thuần thục nhiều chất liệu: sơn dầu, màu nước, acrylic, mực in…
Sống tha hương, Faisel Laibi Sahi luôn khắc khoải nỗi nhớ về những năm tháng đã xa. Chính vì vậy, trong tranh ông luôn chất chứa những niềm hoài vọng một ngày mai đất nước Iraq không còn cảnh bom đạn. Kết hợp với kỹ thuật hội họa phương Tây, tranh của ông chịu ảnh hưởng đậm nét của di sản văn hóa các thời kỳ Sumer, Babylon và Assyria, hay nói cách khác là văn minh vùng Lưỡng Hà thời tiền – Hồi giáo, thể hiện ở trang phục nhân vật trong tranh, ở bảng màu và nhiều yếu tố khác, song ông cũng đưa ra những thách thức đối với các truyền thống thủ cựu: đó là hình ảnh người phụ nữ không che mạng để mãi giấu kín khuôn mặt xinh đẹp, cũng không bị trói buộc với những công việc nội trợ, hay con người không chấp nhận số phận mà các hình thức tôn giáo và đẳng cấp tại Iraq đã quy định đã bao đời. Cùng với tác phẩm hội họa, Faisel Laibi Sahi còn tham gia đấu tranh cho một đất nước Iraq dân chủ và thịnh vượng trong tương lai bằng cách vẽ biếm họa, như ông đã làm cả thập niên qua cho một tờ báo xuất bản ở London.
- Ngã Văn