Hành khách Việt có thêm lựa chọn, trong khi các hãng bay lại đánh cược vào sức trao đổi của thị trường Mỹ và Đông Nam Á, với tổng dân số khoảng 1 tỉ người, chứ không dừng ở thị trường Việt Nam.
Tham vọng của hãng bay
Các hãng hàng không Việt Nam và nhiều hành khách có kế hoạch bay qua lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ đều khá hào hứng với thông tin Cục Hàng không liên bang Mỹ cấp chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 cho Việt Nam, hồi tháng 2-2019. Đây là bước đầu mở ra cơ hội cho nhiều hãng bay của Việt Nam lần đầu tiên mở đường bay thẳng hoặc quá cảnh tới Mỹ.
Ngày 15-8 vừa qua, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA) và hãng hàng không lớn thứ hai nước Mỹ là Delta Air Lines, ký kết thỏa thuận hợp tác tăng cường mô hình codeshare (bay liên danh) hai chiều.
VNA khẳng định, đây là bước tiếp theo của VNA về kế hoạch mở đường bay Mỹ của VNA sau khi Cục Hàng không liên bang Mỹ bật đèn xanh cho hàng không Việt Nam. Thỏa thuận này chính thức có hiệu lực từ tháng 10-2019.
“Trong tháng 9, hai hãng sẽ kiểm tra lại các hoạt động liên quan. Nếu VNA đáp ứng tiêu chuẩn, Delta sẽ bán vé của hãng VNA cho hành khách bay từ Hà Nội đi Tokyo, có nhu cầu bay nối chuyến đến Mỹ. “Đây là bước đầu tiên, với mục đích tạo ra thói quen cho hành khách lựa chọn Vietnam Airlines khi lên kế hoạch bay đến Mỹ”, trích thông báo của VNA.
Từ năm 2010, VNA đã có thỏa thuận với Delta về hình thức codeshare một chiều trên 10 đường bay quốc tế đến và đi từ Mỹ và 10 đường bay nội địa Mỹ, thông qua hai điểm quá cảnh cũng là bản doanh của Delta tại châu Âu và châu Á là Frankfurt (Đức) và Tokyo (Nhật Bản).
Nhưng hình thức này chỉ cho phép hành khách mua vé của Delta qua hệ thống của VNA khi muốn bay 20 đường bay trên, mà hành khách không bay với VNA.
Nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí trước ký kết này, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA giải thích, hiện nay, các hãng vận hành máy bay lớn nhất, vẫn chọn quá cảnh tại một sân bay nào đó nếu đường bay có thời gian hơn 15 tiếng, để đảm bảo an toàn, cũng như tăng tỷ lệ lấp đầy ghế trên máy bay.
Hiện chưa có đường bay thẳng nào từ Việt Nam tới Mỹ. Máy bay có thể bay thẳng an toàn hiệu quả từ Việt Nam tới Mỹ – không quá cảnh – là dòng Boeing 777-8x hoặc Airbus A350-100. Cả hai dòng máy bay này, theo dự kiến, phải đến năm 2022 mới có mặt trên thị trường.
Từ năm 2001 VNA đã mở văn phòng tại San Francisco để nghiên cứu thị trường và chuẩn bị cho các bước tiếp theo để có thể bay tới Mỹ, cũng như bay các điểm trong nước Mỹ. Giấc mơ bay Mỹ của VNA liệu có thành hiện thực sau 20 năm, khi VNA cho biết dự tính sẽ bay vào năm sau?
Trước đó, ngày 1-8 hãng Bamboo Airways cũng tổ chức tọa đàm về mở đường bay thẳng Việt – Mỹ. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng khẳng định rằng, hãng đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày cất cánh vào quý IV-2020.
Trước khách mời, là các quan chức ngành hàng không, doanh nghiệp và báo giới, ông giải thích rõ ràng cho bài toán chi phí bay.
Các hãng hàng không Việt Nam dự tính mở đường bay đi Mỹ đều nhìn vào sức trao đổi của thị trường Mỹ và khu vực Đông Nam Á, với tổng dân số khoảng 1 tỉ người, chứ không dừng ở thị trường Việt Nam.
Nếu bay với giá vé khứ hồi 1.100 USD/hành khách, hãng sẽ lỗ khoảng 14 tỉ đồng mỗi chuyến, cho máy bay Boeing 787-9 với 240 ghế đi thuê. Nhưng nếu giá được bán lên 1.300 USD, đường bay sẽ có lời ngay.
Ông Quyết tự tin rằng, sẽ dùng các dịch vụ khác của hệ sinh thái Tập đoàn FLC, công ty mẹ của hãng Bamboo Airways nhằm thu hút khách, và có thể sẽ gom khách để bay vào các ngày cố định trong tuần hoặc tháng.
Ngoài VNA và Bamboo Airways đã có kế hoạch và tham vọng bay Mỹ, trước đây, lãnh đạo hãng Vietjet cũng từng đề cập đến việc mở đường bay này.
Tuy nhiên, cho đến nay, Vietjet vẫn chưa cho thấy kế hoạch cụ thể phát triển đường bay đi Mỹ, nhưng lại đang tập trung nhiều vào đường bay đi Ấn Độ và Úc.
Nói cách khác, Vietjet muốn tập trung vào các đường bay có thời gian dưới 5 giờ đồng hồ, trong khi bay xa hơn thì đang dùng hình thức codeshare với nhiều hãng quốc tế khác.
Các hãng hàng không Việt Nam dự tính mở đường bay đi Mỹ đều nhìn vào sức trao đổi của thị trường Mỹ và khu vực Đông Nam Á, với tổng dân số khoảng 1 tỉ người, chứ không dừng ở thị trường Việt Nam.
Trao đổi hàng hóa giữa các đối tác, đặc biệt được các thỏa thuận thương mại thúc đẩy, trong khu vực với Mỹ cũng hứa hẹn góp phần tăng trưởng của ngành hàng không các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia hàng không cho hay, trừ Việt Nam, các nước trong khu vực, đều có ít nhất một hãng hàng không có chuyến bay đến Mỹ. Hầu hết các hãng đều gặp khó khăn trong tính toán chi phí khi duy trì đường bay này.
Trước đây, hai hãng hàng không của Mỹ là United Airlines và Delta Air Lines cũng đã mở đường bay Mỹ – Việt, nhưng chỉ trong một thời gian đều đã ngưng các chuyến bay này.
Dù không giải thích lý do, nhưng giới nghiên cứu và doanh nghiệp trong ngành đều hiểu, các đường bay này không có lãi, nếu không nói là lỗ rất lớn.
Singapore Airlines cũng từng phải tính toán lại đường bay thẳng đến Mỹ hồi năm 2013, và mới công bố quyết định bay thẳng sang New York trở lại hồi 2018.
Hiện hãng cung cấp dịch vụ song song các chuyến bay thẳng và chuyến bay quá cảnh, nhưng phần lớn vẫn là bay quá cảnh.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, việc hãng bay Việt Nam mở đường bay đến Mỹ sẽ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn yếu tố kinh doanh thuần túy.
Thêm lựa chọn cho khách hàng Việt Nam
Theo thống kê, năm 2018, có khoảng 757.000 lượt hành khách bay Việt – Mỹ và chiều ngược lại, tăng 8% so với năm trước.
Con số này dự tính sẽ sớm đạt 1 triệu, theo tính toán của các hãng máy bay Việt đang dự tính khai thác đường bay này. Số lượng hành khách chiếm phần lớn của đường bay này hàng năm hiện thuộc về khách đoàn của các tour du lịch.
Riêng số hành khách của Hoàn Mỹ, một trong những nhà tổ chức tour du lịch Mỹ chính cho khách Việt, năm 2018 được ghi nhận là 2.200 khách.
Đường bay thẳng không quá cảnh sẽ là một dịch vụ tiện lợi và đang được mong chờ của nhiều hành khách bay từ Việt Nam đi Mỹ.
Hiện nay, ngoài những thủ tục trong việc quá cảnh, hoặc đổi chuyến, hành khách sẽ phải chờ đợi tại sân bay quá cảnh ít nhất 3 tiếng đồng hồ.
- Xem thêm: Vietnam Airlines chuyển sang chính sách hành lý hệ kiện và ưu đãi 50% khi mua thêm hành lý
Theo một chuyên gia hàng không, bay thẳng giúp tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn rất nhiều, đặc biệt là khách đoàn, hoặc những hành khách lớn tuổi di chuyển không cùng người thân.
Tuy nhiên, mặc dù Cục Hàng không liên bang Mỹ cấp chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 cho Việt Nam, bất cứ hãng bay Việt nào muốn bay thương mại đến Mỹ, vẫn còn phải thực hiện thêm nhiều thủ tục trước khi chính thức cất cánh.
Dù vậy, rất nhiều người Việt Nam lại hào hứng với thông tin các hãng hàng không Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình mở đường bay Mỹ, vì cho rằng đây là một niềm tự hào của các hãng bay Việt.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI viết trên tường Facebook ngay sau khi Bamboo trình bày kế hoạch bay Mỹ hồi tháng 7 rằng, sắp tới khi hãng này mở đường bay trực tiếp sang Mỹ thì chắc chắn cá nhân ông, ít nhất 80% các chuyến bay sang Mỹ, sẽ sử dụng hãng hàng không này.
“Với tôi đây là tin vui và là niềm tự hào của ngành hàng không Việt Nam”, ông Hưng kết luận.