Lâu nay chúng ta thường nghe mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận; đến lúc có những mô hình kinh doanh không chú trọng lắm đến lợi nhuận, lỗ cũng được miễn sao giá trị cổ phiếu trên thị trường ngày càng tăng, mục tiêu của doanh nghiệp vì thế được khái quát hóa lên là vì lợi ích của cổ đông.
Cổ đông nắm giữ tài chính ngày càng giàu trong khi thu nhập của công nhân không cải thiện bao nhiêu, môi trường bị hủy diệt, o ép các chuỗi cung ứng bên dưới, tàn phá các cộng đồng kinh doanh nhỏ lẻ truyền thống…
Ngay chính các ông chủ (CEO) của các doanh nghiệp lớn quy mô toàn cầu cũng nhận ra điều này nên mới tuần trước gần 200 CEO của các tập đoàn như Apple, Pepsi, Walmart, JPMorgan Chase, Goldman Sachs, kể cả Amazon đã ngồi lại với nhau, tìm cách xác định lại mục tiêu của chính họ: không còn là toàn tâm toàn ý vì lợi ích cổ đông nữa, doanh nghiệp muốn tồn tại trong bối cảnh hiện nay phải đầu tư vào nhân lực của mình, bảo vệ môi trường và ứng xử sòng phẳng, có đạo lý với các nhà cung ứng bên dưới.
Bản tuyên bố của tổ chức Bàn tròn Doanh nghiệp quy tụ 181 chữ ký của các CEO hàng đầu cam kết sẽ dẫn dắt doanh nghiệp của họ theo hướng tạo lợi ích cho mọi bên liên quan – khách hàng, nhân viên, nhà cung ứng, cộng đồng và cổ đông.
Kể từ năm 1978, Bàn tròn Doanh nghiệp thường xuyên đưa ra các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và từ năm 1997 đến nay đều khẳng định nguyên tắc lợi ích tối thượng của cổ đông, rằng doanh nghiệp tồn tại là để phục vụ cổ đông mà thôi.
Chính vì thế tuyên bố năm nay đã tạo ra một sự chú ý nhất định vì đã từ bỏ hướng đi đã được khẳng định trong nhiều năm liền. Có một số tập đoàn không chịu ký vào bản tuyên bố nguyên tắc mới này như Blackstone Group, General Electric hay Alcoa.
Tuy nhiên, bản tuyên bố không đưa ra được một kế hoạch hành động cụ thể để biến ý tưởng mới thành hiện thực.
Tuyên bố chung của Bàn tròn Doanh nghiệp lần này chỉ cam kết trả lương tốt hơn, cung cấp phúc lợi đầy đủ hơn, tổ chức huấn luyện nhân viên nhiều hơn…
Hiện nay ở Mỹ, mức chênh lệch giữa thu nhập của 100 CEO được trả lương cao nhất với mức lương bình quân của nhân viên là 254 lần (tức nếu lương bình quân của nhân viên trong tập đoàn là 20 triệu đồng/tháng thì lương CEO có thể lên đến 5 tỉ đồng/tháng!).
Các vấn đề khác cũng chỉ là tuyên bố chung chung như “bảo vệ môi trường bằng cách áp dụng các thực hành bền vững trong mọi hoạt động”, “nuôi dưỡng tính đa dạng, dung hợp, nhân phẩm và tự trọng”.
Dù sao đây cũng là bước ngoặt đáng chú ý vì suốt 50 năm qua, triết lý của Wall Street là tối đa hóa lợi nhuận bằng bất kỳ giá nào; đến nỗi nhà kinh tế học Milton Friedman còn viết trên tờ New York Times vào năm 1970 rằng “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là làm tăng lợi nhuận”.
Tâm lý này có tác động rất lớn đến đường hướng kinh doanh, ví dụ cổ đông nhiều lúc gây áp lực buộc doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân viên để cải thiện tình hình tài chính khi đến kỳ báo cáo nhằm tăng giá cổ phiếu.
Đã xảy ra nhiều vụ mua bán sáp nhập không phải vì lợi ích của cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động mà chỉ để tiết kiệm chi phí, tăng mức lãi lên cao.
Rõ nhất là chuyện khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu: nếu làm thẳng tay thì doanh nghiệp sẽ tốn kém thêm nhiều chi phí nên họ vận động các nhà chính trị nới lỏng quy định nhằm hưởng lợi trước mắt, bất kể tác động lâu dài lên các thế hệ sau.
Trước mắt, nhiều CEO như Elon Musk sẽ giảm được áp lực phải luôn tìm cách tăng giá cổ phiếu để tập trung vào các chiến lược dài hạn.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ, còn một mâu thuẫn chưa được giải quyết.
Các doanh nghiệp như Uber hay Airbnb có thể không thèm chú ý đến lời lỗ (quý gần đây nhất Uber lỗ hơn 5 tỉ đô la Mỹ), cũng có thể sau tuyên bố của Bàn tròn Doanh nghiệp, họ sẽ không chỉ chăm chăm tìm cách nâng giá cổ phiếu cho nhà đầu tư hài lòng.
Thế nhưng, để thật sự chăm sóc cho người lao động trong các hoạt động kinh tế chia sẻ, họ phải từ bỏ cách nhìn đó không phải là nhân viên của họ, đó chỉ là những nhà thầu làm việc độc lập.
Thêm nữa, các doanh nghiệp như Uber đang dùng tiền của nhà đầu tư để trợ giá cho khách hàng nhưng đó toàn là khách hàng có tiền, có kiến thức công nghệ, sống tập trung ở các thành phố lớn.
Mô hình của họ là chia sẻ nhưng chỉ chia sẻ giữa những người có điều kiện với nhau – người nghèo, người sống ở nông thôn hoàn toàn bị gạt ra rìa. Đó là một vấn đề lớn khác mà nền kinh tế chia sẻ phải giải quyết tiếp.