Không nằm ngoài quy luật đó, đô thị Việt Nam vẫn trong giai đoạn “chữa bệnh” chứ không thể tiến đến “phòng bệnh”. Liệu có tồn tại “bài thuốc thần” nào để “trị” tận gốc những “căn bệnh hiểm nghèo” cho đô thị Việt Nam?
Căn bệnh hiểm nghèo
Nếu xét một cái nhìn tổng quan về chi phí cải thiện môi trường của hai thành phố lớn nhất cả nước, không ít “căn bệnh hiểm nghèo” của đô thị Việt Nam sẽ xuất hiện. Đầu tiên là chi phí để xử lý rác đô thị – nơi đã “đóng góp” 46% vào tổng khối lượng chất thải rắn của cả nước theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2011 (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hiện tại, dù có sự cứu nguy từ những dự án tái chế rác, TP. Hồ Chí Minh vẫn đang vận hành hai bãi rác Thanh Đa và Phước Hiệp với số tiền trung bình để xử lý thủ công 6.500 tấn rác là hơn 2,2 tỉ đồng/ngày. Hà Nội cũng đang đau đầu với giá xử lý rác thải ngất ngưởng 400-600 ngàn đồng/tấn mà nhà đầu tư tư nhân đề nghị trước khối lượng 5.700 tấn rác mỗi ngày. Theo quy hoạch mới nhất của thủ đô thì phải đến 20 năm nữa, dự án 13 khu xử lý chất thải rắn và 27 bãi chôn lấp phế thải mới đi vào hoạt động. Trong khi đó, theo báo cáo tình hình xử lý rác thải của 18 huyện thuộc Hà Nội, con số rác tồn đọng đã chạm mức 65.000 tấn (tính đến tháng 5-2012).
Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao
Song song với xử lý rác là xử lý nước thải. Trung bình Hà Nội chi 10-16 triệu đồng/m3 cho nước thải sinh hoạt và 10-21 triệu đồng/m3 đối với nước thải công nghiệp. TP. Hồ Chí Minh mỗi tháng cũng phải chi 30-40 tỉ đồng nhưng vẫn không xử lý được toàn bộ lượng nước thải của thành phố. Hệ quả của lượng nước chưa được xử lý chảy thẳng ra môi trường là những “kênh nước đen” mà chi phí để nạo vét rất lớn.
Cách đây nhiều năm, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã thi công cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Trải qua mười mấy năm nạo và vét, đổi lấy cho “sự sống lại” yếu ớt của con kênh này là 8.600 tỉ đồng. Trước sự báo động của những lưu vực “nước thối” khác là Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm, Tham Lương – Bến Cát, chính quyền TP. Hồ Chí Minh chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm bởi chỉ tính riêng tiền giải phóng mặt bằng đã mất vài ngàn tỉ đồng. Hay chỉ tính riêng dự án nạo vét kênh Đầm Và (Mê Linh) của Hà Nội đã ngót nghét 82,2 tỉ đồng.
Tổng Cục Môi trường dự đoán cần và cần gấp 160 ngàn tỉ đồng (7,6 tỉ USD) cho các dự án bảo vệ môi trường. Có thể nói, qua lăng kính chi phí môi trường mà các thành phố đang gánh trả, đã nói lên một loạt khó khăn “khổ lắm nói mãi” của đô thị Việt Nam như cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là bộ máy chính quyền cồng kềnh nhưng không hiệu quả. Những “căn bệnh” tưởng chừng không nghiêm trọng này có thể kéo lùi tốc độ phát triển của đất nước bởi đô thị chính là trung tâm phát triển kinh tế.
Tìm hiểu “bài thuốc” Eco2city
Từ những nguy cơ nói trên, điều cần làm trước mắt là tìm kiếm một giải pháp mang tính “trị tận gốc” cho đô thị Việt Nam. Không ít quốc gia trên thế giới đã trải qua thời kỳ này và tìm đến giải pháp Eco2city. Vậy Eco2city là gì và có những điểm nổi bật nào để đẩy lùi được “căn bệnh hiểm nghèo” của đô thị?
Eco2city là một bộ phận của Ecocity (Ecological City – Đô thị sinh thái). Ecological City as Economic City, viết tắt Eco2city là sáng kiến của World Bank nhằm xây dựng sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường cho các thành phố trên thế giới, mà đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Có thể kể tên bảy quốc gia tiêu biểu đã áp dụng thành công mô hình này là Canada, Brazil, Thụy Điển, Singapore, Nhật, Úc, New Zealand.
Nếu như thuật ngữ Ecocity xuất hiện từ những năm 1970 để chỉ các “thành phố xanh” từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ sản xuất, chỉ thích hợp với những thành phố đã đạt được một tầm phát triển nhất định, thì Eco2city đề cập đến một sự kết hợp đồng bộ giữa kinh tế và sinh thái để tạo sức bật tổng hợp bằng những giải pháp và công cụ ứng với từng điều kiện của mỗi thành phố. Sẽ không có một mô hình cụ thể của Eco2city mà chỉ có ba yêu cầu đặt ra cho một đô thị sinh thái và kinh tế (theo “Eco2city Guide” của World Bank).
Yêu cầu đầu tiên là vai trò của chính quyền. Hơn bất cứ yếu tố nào, chính quyền quyết định “những bước đi” của đô thị. Eco2city đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, bao quát toàn bộ các lĩnh vực từ người thủ lĩnh. Từ điều này đã dẫn đến yêu cầu thứ hai là việc thiết lập kế hoạch phát triển. Eco2city sẽ đưa ra những công cụ và chuyên gia để hỗ trợ dự án cho chính quyền đô thị. Theo đó, Eco2city đòi hỏi một yêu cầu thứ ba là sự đồng bộ về môi trường chính sách. Nghĩa là đảm bảo một cơ chế tiến bộ, hiệu quả để “chạy” những kế hoạch thuận lợi nhất.
Trước sự giúp đỡ từ các chuyên gia World Bank, hai dự án Eco2city đã khởi động tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong lĩnh vực giao thông. Đó là xây dựng Tuyến xe bus nhanh tại TP. Hồ Chí Minh triển khai từ tháng 7-2011 và thiết kế hành lang xe bus hiện đại cho Đà Nẵng bắt đầu từ tháng 4-2012. Tuy các dự án chỉ mới trong giai đoạn bắt đầu, nhưng sự xuất hiện Eco2city đã đem đến hy vọng cho đô thị Việt Nam.
Đô thị Việt Nam cần nhớ…
Ngày 30-7-2012 vừa qua, tám địa phương đã báo cáo tám Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị lên Trung ương Đảng. Trước đó, vào 7-4-2011, Đà Nẵng đã chính thức công bố đề án “Đà Nẵng – Eco2city” với lộ trình năm 2020. Có thể nói, xây dựng một đô thị kinh tế và sinh thái là “bài thuốc” không thể chờ đợi. Tuy nhiên, một nguyên tắc cơ bản trước khi “uống thuốc” là đảm bảo cơ thể tương thích với loại thuốc đó. Nếu cơ thể chưa sẵn sàng thì vội uống chỉ sinh ra tác dụng phụ. Khi mô hình chính quyền đô thị vẫn còn nhiều hạn chế thì “bài thuốc” Eco2city vẫn chưa thể “hấp thụ”.
Bởi lẽ yêu cầu cốt lõi của Eco2city là tính lãnh đạo của chính quyền. Để đạt mục tiêu đô thị sinh thái và kinh tế, trên cơ sở những lý luận và thực nghiệm World Bank đòi hỏi phải đạt được bốn nguyên tắc của bộ máy: quyền tự quyết của chính quyền đô thị, tính hợp tác cao trong công tác lãnh đạo, bộ máy quản lý tinh gọn và khung pháp lý bền vững. Những nhiệm vụ đặt ra cho chính quyền đô thị Việt Nam tình cờ lại trùng khớp với bốn giá trị này. Nét tương đồng này càng chứng tỏ sự cần thiết của mô hình chính quyền đô thị phù hợp, từ đó tiến đến mô hình đô thị sinh thái và kinh tế. Có thể nói Eco2city giống như một định hướng rõ ràng cho chính quyền đô thị Việt Nam.
Hiện tại, những thành phố nước ta đang rơi vào danh sách đen ô nhiễm bụi trầm trọng nhất thế giới. Trước thực trạng nguy hiểm từ những “căn bệnh hiểm nghèo”, đô thị Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ máy chính quyền mới, để “bài thuốc” Eco2city phát huy tác dụng hiệu quả nhất.
Thiên Thuận – Vân Anh