Theo Nikkei, Qatar đang có một kế hoạch đầy tham vọng là kết hợp với Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng thế giới tài chính Hồi giáo quy mô hàng ngàn tỉ USD. Theo Ngân hàng Thế giới WB, Qatar dù có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới nhưng đã mất một số động lực tăng trưởng trong thời gian bị phong tỏa tài chính. Chiến lược mới của Qatar về xây dựng thế giới tài chính Hồi giáo nhằm đa dạng nền kinh tế ngoài hoạt động kinh doanh dầu mỏ và khí đốt.
Ông Yousef Mohamed Al Jaida, người phụ trách Trung tâm Tài chính Qatar, tuyên bố: “Chúng tôi có tham vọng muốn nắm toàn bộ giao dịch tài chính của thế giới Hồi giáo thông qua ba trung tâm giao dịch tại Doha, Istanbul và Malaysia”. Theo kế hoạch này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xử lý các giao dịch tài chính của người Hồi giáo tại châu Âu, Qatar sẽ xử lý giao dịch tài chính Hồi giáo tại Trung Đông và Malaysia tại châu Á.
Trung tâm Tài chính Qatar đang mời chào các nhà đầu tư với mô hình 100% sở hữu nước ngoài, khung pháp lý và tư pháp dựa trên luật pháp của Anh. Ngành tài chính phục vụ cho người Hồi giáo có tổng tài sản ước tính lên tới 2.000 tỉ USD và theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, phần lớn trong số này (khoảng gần 80%) thuộc về các ngân hàng Hồi giáo, phần còn lại dưới dạng sukuk (tương đương với trái phiếu – chiếm 15%), các quỹ đầu tư Hồi giáo (chiếm 4%) và takaful (tương đương với các sản phẩm bảo hiểm – chiếm 1%).
- Xem thêm: Qatar sẽ rút khỏi OPEC từ năm 2019
Các nước Iran, Ả rập Saudi và Malaysia quản lý phần lớn tài sản của các ngân hàng Hồi giáo trên toàn cầu. Theo ước tính của hãng kiểm toán Ernst & Young, tài sản của các ngân hàng Hồi giáo đã tăng trưởng với tốc độ trung bình lên tới 19,7%/năm cho tới năm 2018. Hiện tại, sàn chứng khoán London phát hành sukuk – chứng chỉ tài chính của thế giới Hồi giáo. Giới đầu tư chứng khoán Hongkong và Luxembourg cũng đang có kế hoạch chia phần trong thị trường tiềm năng này.
Malaysia là một trong những nước phát hành sukuk lớn nhất thế giới, chiếm 34% thị phần toàn cầu. Thường các ngân hàng hiện đại Hồi giáo cung cấp các sản phẩm có gắn những điều khoản tuân theo sharia (luật hành vi của Hồi giáo) khá khắt khe. Tuy nhiên, giới đầu tư toàn cầu nhìn nhận nguồn vốn trái phiếu Hồi giáo như sukuk có thể là giải pháp khả thi thay cho tài chính thông thường.
- Xem thêm: Bị cô lập, Qatar tìm cách vượt khó
Nigeria, Senegal, Indonesia đã nhận được các khoản đầu tư từ sukuk để phát triển cơ sở hạ tầng lên đến hàng tỉ USD. Vào năm 2014, Vương quốc Anh đã trở thành chính phủ phương Tây đầu tiên nhận được vốn từ sukuk để phát triển cơ sở hạ tầng. Mới đây, chính phủ Indonesia phát hành trái phiếu Green Sukuk và đến nay đã thu được 1,25 tỉ USD để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường. Năm 2007, Malaysia từng ký biên bản ghi nhớ với Qatar và Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) để hợp tác trong thế giới tài chính dành cho người Hồi giáo.
Tuy nhiên, các bên không đi đến thỏa thuận cuối cùng vì vướng nhiều điều khoản mâu thuẫn về lợi ích. Nhiều nước còn buộc tội Qatar tài trợ khủng bố. Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng các hoạt động tài chính liên quan đến Hồi giáo cần phải được chuẩn hóa cũng như cần có cơ quan quản lý tương tự như Ủy ban Basel dành cho các ngân hàng thông thường.