Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là hướng đi cần thiết để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc và kiểm soát được các mắc xích trong chuỗi cung ứng của ngành. Tại TP.HCM, nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào khu NNCNC TP.HCM (AHTP) được đưa ra thế nhưng vẫn chưa thu hút doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, bởi khi áp dụng vào thực tế còn rất nhiều bất cập.
Tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư các khu NNCNC mở rộng năm 2016” diễn ra ngày 11-11 bên lề triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm lần thứ 5, các doanh nghiệp mong muốn được Ban quản lý AHTP, các cơ quan chức năng hỗ trợ các thủ tục hành chính từ xin cấp phép đầu tư, đến các thủ tục khác trong hoạt động như phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, thủ tục hỗ trợ vay vốn…
Là doanh nghiệp đầu tiên tham gia chương trình ươm tạo tại AHTP, ông Phạm Xuân Hưng – Giám đốc Công ty Phân bón Phương Nam cho biết đã nhận được nhiều sự hỗ trợ thiết thực. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tại đây đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn. Ông Lê Duy Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Nấm Trang Sinh, đơn vị đầu tư vào AHTP từ năm 2011 cho biết, công ty của ông đã đầu tư gần 10 tỉ để xây dựng nhà xưởng, máy móc nhưng vì đầu tư trên đất nhà nước nên không được thế chấp để vay vốn. Theo quy định của ngân hàng, một số danh mục đầu tư vào NNCNC như nhà màng dù tiêu tốn hàng tỉ đồng của doanh nghiệp nhưng bị tính vào công trình tạm nên cũng không thể dùng để làm bảo lãnh ngân hàng. Ngoài ra, còn phải kể đến những nhiêu khê, rắc rối trong các thủ tục hành chính như thẩm định xây dựng, đánh giá tác động môi trường… Các doanh nghiệp đề xuất nhà nước nên trực tiếp ủy quyền cho Ban quản lý AHTP thực hiện theo cơ chế một cửa để hạn chế bớt các thủ tục rườm rà.
Sau năm năm hoạt động, AHTP đã cho thấy hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, góp phần hình thành một số vùng sản xuất NNCNC như vùng sản xuất hoa lan tại huyện Củ Chi, vùng sản xuất rau an toàn tại các xã thuộc huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh, Hóc Môn… Tuy nhiên, Ban quản lý AHTP thừa nhận, việc thu hút các doanh nghiệp tham gia ươm tạo cũng như việc hỗ trợ quản lý đầu tư chưa đạt hiệu quả cao. Hiện nay, AHTP đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào dự án mở rộng AHTP lên đến 570ha vào năm 2020, gồm dự án rộng 200ha tại xã Phạm Văn Cội (Củ Chi), dự án khu nuôi trồng thủy sản 89,7ha tại xã Long Hòa (Cần Giờ) và dự án trồng trọt, sau thu hoạch 23ha ở xã Phước Vĩnh An (Củ Chi).
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban quản lý AHTP cho biết, bên cạnh nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào các dự án này như tiền thuê đất, thời gian thuê đất, phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng… AHTP đang tiến hành các biện pháp tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Việc kêu gọi đầu tư được Ban quản lý tiến hành sớm ngay khi dự án đang khởi động, để doanh nghiệp có thể tiến hành song song các thủ tục hành chính cùng với tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Ban quản lý AHTP cũng đang trình UBND thành phố có thể ủy quyền phân cấp hoặc giao nhiệm vụ để có thể cấp phép đầu tư, phối hợp với các sở ngành theo hướng một cửa để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
- Mộc Lan
Xem thêm: