Theo số liệu từ Công ty Kiểm toán Deloitte, doanh thu của lĩnh vực du lịch y tế (khám chữa bệnh, làm đẹp) thời gian qua tại châu Á đặc biệt khả quan với mức tăng trưởng 20 – 30%/năm. Đóng góp lớn nhất cho mức tăng này có thể kể đến Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và cả hai nước có nền y tế lẫn du lịch đều chưa phát triển mạnh là Ấn Độ và Philippines. Còn tại Việt Nam, ước tính của Bộ Y tế cho thấy năm 2014 nước ta có khoảng 50.000 người ra nước ngoài trị bệnh với chi phí khoảng 2 tỉ USD; trong khi người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh mang lại nguồn thu gần 1 tỉ USD.
Nằm ngoài xu hướng phát triển của khu vực
Thời gian qua, các bệnh viện công và tư lớn ở Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng của khối bệnh nhân nước ngoài. Bệnh viện Chợ Rẫy trong năm 2014 đã điều trị cho gần 1.200 bệnh nhân quốc tế, trong đó có hơn 900 người đến từ các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản… Trong khi đó, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, bên cạnh khoảng 18.000 người Campuchia sang điều trị mỗi năm còn có khoảng 1.000 bệnh nhân đến từ các nước châu Âu, châu Á, Mỹ, Úc. Bệnh viện Đại học Y Dược từ năm 2008 đến nay cũng điều trị nội trú cho gần 6.000 bệnh nhân người nước ngoài. Ở Bệnh viện FV, ngoài 20.000 lượt bệnh nhân đến từ Campuchia, Lào, Myanmar mỗi năm còn có khá đông lượng bệnh nhân đến từ Mỹ, châu Phi. Theo Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP. Hồ Chí Minh, ba bệnh viện Từ Dũ, An Sinh, Vạn Hạnh mỗi năm đón khoảng 500 người nước ngoài đến điều trị hiếm muộn.
Phần lớn khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh đều kết hợp với tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên nhiều du khách cho biết việc lên kế hoạch du lịch chữa bệnh tại nước ta khá mất thời gian vì thông tin ít, các tour y tế và chăm sóc sức khỏe tại các công ty lữ hành còn rất hiếm hoi. Nguyên nhân chính là Việt Nam đang thiếu hẳn sự hợp tác giữa các cơ quan y tế, các cơ sở có điều kiện phát triển du lịch y tế với các hãng lữ hành du lịch. Bên cạnh đó ngành du lịch cũng chưa có động thái lên kế hoạch xúc tiến du lịch y tế.
Trong khi đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Singapore liên tục khuyến khích các bệnh viện, các trung tâm y tế của nước này lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện nay, hệ thống văn phòng đại diện các trung tâm y tế Singapore tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không chỉ cung cấp thông tin mà còn làm luôn các thủ tục để đưa khách sang Singapore, không cần qua các công ty du lịch lữ hành Việt Nam. Tương tự, ngành du lịch Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia cũng đang thông qua văn phòng đại diện của mình và các công ty lữ hành Việt Nam để tiếp thị rất mạnh mẽ đến người Việt.
Nhiều thế mạnh chưa được khai thác
So với các nước trong khu vực, Việt Nam không kém về tiềm năng du lịch chữa bệnh. Trong cuộc họp báo ngày 16-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng nhắc tới việc nhiều bác sĩ Việt Nam sang Singapore mỗi cuối tuần để làm việc theo lời mời của các bệnh viện nước này. Thực tế, ở nước ta đã hình thành nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp tại các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng có nhiều du khách nước ngoài. Về tự nhiên, Việt Nam có nhiều suối nước nóng, nước khoáng, các tiểu khu khí hậu đặc biệt như Tam Đảo, Bà Nà, Đà Lạt, Sa Pa rất thích hợp cho du lịch chăm sóc sức khỏe. Ngay cả dịch vụ y tế, Việt Nam cũng đang được biết tới trong khu vực với hai thế mạnh: chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho tỷ lệ thành công cao, dịch vụ thẩm mỹ và thẩm mỹ răng chất lượng khá cao với giá rẻ.
Về Đông y, thế giới đã công nhận Viện châm cứu Trung ương có khả năng chữa khỏi 53 bệnh lý, giá cả dịch vụ y tế thấp. Câu chuyện GS Nguyễn Tài Thu, một chuyên gia trong lĩnh vực châm cứu, phối hợp với Tập đoàn Y học Quốc tế Du lịch (NTT Acupuncture Medical Tourism International Group – Thụy Điển) vài năm trước đưa du khách quốc tế đến Việt Nam vừa du lịch vừa kết hợp chữa bệnh bằng châm cứu và khí công đã được dư luận quan tâm. Châm cứu là phương pháp điều trị y học cổ truyền ít tốn kém, không đòi hỏi trang thiết bị, thuốc thang đắt tiền nhưng vẫn hiệu quả. Hiện nay trên thế giới có 135 quốc gia áp dụng phương pháp châm cứu vào việc điều trị cho người bệnh. Việt Nam là nước đứng thứ nhì trong số năm nước đạt được thành tựu cao nhất trong lĩnh vực châm cứu.
Dù có nhiều tiềm năng đã được nhắc đến từ lâu, cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa hề đưa ra chủ trương phát triển ngành du lịch khám chữa bệnh. Theo ý kiến của nhiều bác sĩ có kinh nghiệm làm việc quốc tế thì về lâu dài, muốn phát triển du lịch y tế cần có sự phối hợp tổng thể giữa các bộ: Y tế, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Công an, Kế hoạch và Đầu tư. Xem ra, đây sẽ là khâu khó thực hiện nhất.
Công ty nghiên cứu thị trường TMR của Mỹ ước tính thị trường du lịch y tế toàn cầu sẽ tăng đến 32,5 tỉ USD vào năm 2019 (gấp hơn ba lần năm 2015). Sự già hóa dân số và xu hướng thắt chặt bảo hiểm ở Mỹ cùng các nước phương Tây đang là cơ hội mà nhiều nước châu Á lên kế hoạch nắm bắt. Dù không thua kém về tiềm năng nhưng vì thiếu sự quan tâm, Việt Nam xem ra sẽ lại bỏ qua cơ hội này.
Cẩm Tú (DNSGCT)