Tuy rất bận rộn nhưng chúng tôi vẫn sẵn lòng “để mắt” đến hai đứa con, nhất là đứa con gái – xem chúng yêu đương thế nào.
Nhìn sổ nhật ký có lúc chúng bỏ quên, phải “đấu tranh tư tưởng” lắm mới không xem trộm. Bạn sẽ bảo: Nhật ký thì thằng con trai hầu như không có. Nếu có cũng chỉ “chỏng lỏn” vài trang đầu rồi vứt. Có chăng là của đứa con gái. Nhưng nó giữ kỹ lắm.
Cái lần “bỏ quên” kia có lẽ vì đêm thức khuya quá, viết xong không cất kịp. Với lại, cô nàng có phòng riêng nên có quên cũng chỉ là để trên bàn chưa cất vào chỗ có khóa. Nếu ở nhà nào có thói quen không ai vào lục lọi ở phòng người khác, thì sự đề phòng sẽ rất lơi lỏng.
Khi bắt đầu yêu, bọn con gái dễ lộ hơn con trai ở chỗ: Mơ mộng nhiều hơn, vui vẻ hơn hoặc hay suy nghĩ (viển vông cũng có). Nhiều người nói đám con gái thì luôn để ý áo quần, làm đẹp nên khi yêu nếu họ có tiếp tục tăng cường hơn thì cũng không có gì làm đột xuất lắm. Còn các anh con trai lại dễ lộ ở điều này. Anh chàng bỗng sạch sẽ, “tiến bộ đột xuất” trong việc tự chăm sóc vẻ ngoài, hành tung có vẻ bí ẩn hơn con gái.
- Xem thêm: Lo cho con
Nhưng đó là ở vẻ ngoài, và ở những gia đình có sự gần gũi, dân chủ, cuộc sống không quá phức tạp đến nỗi chẳng hiểu gì về nhau cả (cho nên không biết cái bình thường để mà nhận ra cái bất thường). Còn ở một số gia đình, tình hình bi đát hơn: Cha mẹ hoàn toàn không hiểu gì thế giới riêng của con cái. Mà đó lại không phải do tôn trọng nhau, chỉ do cuộc sống bị phân cách quá mức do nhiều lý do khác nhau.
“Nhà tôi theo nó mãi không được. Ông già mắt kém tay run hơn thanh niên. Chúng tôi nghĩ ra một kế: Đứng ở chỗ bãi nó gửi xe, và thế là ông chờ nó để đi theo và biết cái nhà nó vô. Hôm sau, hai vợ chồng tôi cùng đi. Thoáng một cái nó đã mất hút sau căn nhà gần như bỏ trống.
Nó sống với bồ nó, một anh chàng bất đắc chí, thất bại trên thương trường. Nhìn ngôi nhà chúng ở mà sợ. Hoang vu, cửa nẻo không đóng mà không sợ trộm cắp vì trong nhà cũng chẳng có gì. Tôi gặp ông tổ trưởng dân phố, ông bảo chính ông cũng chẳng dám sục sạo vào khu này, phức tạp lắm. Hai cô cậu này thuê nhà ở đó cả năm nay rồi, chẳng liên hệ gì với hàng xóm.
Từ sau bữa bị “động ổ” đó, cậu kia bỏ đi đâu mất, nó nói đi làm ở tỉnh. Còn con gái chúng tôi thì đã ở đó suốt cả năm mà chúng tôi không biết. Vì bao giờ đến khuya nó cũng về nhà ngủ, sớm mai đi làm như thường”.
Quả là con gái của gia đình đó đã ra khỏi tay của gia đình, không còn cách nào quản lý. Trách cha mẹ cô ư? “Thì chúng tôi cũng như các vị, sáng sáng đi làm, lo kinh doanh đầu tắt mặt tối, con cái cũng như mọi thanh niên khác: Sáng đi học hoặc đi làm, tối về. Có vị nào biết chắc con cái các vị hôm đó đã làm những gì?
Khối các cậu ấm cô chiêu đi học đấy nhưng cúp cua, chạy xe đi Vũng Tàu chơi với bạn bè, người yêu, trong khi các vị cứ yên trí đã giao nó cho nhà trường rồi. Thậm chí quý vị cũng chẳng biết nó học ở lớp nào, và cũng không hề biết rằng trường đại học ngày nay đã khác xa cái thời quý vị học đại học. Thầy cô chẳng biết nổi có bao nhiêu học trò, hôm đó đứa nào vắng, tại sao…”…
- Xem thêm: Ai cũng sợ con
Quả là vấn đề khó tranh cãi: Tại ai. Gia đình thì kêu xã hội phức tạp quá làm con cái họ hư và không tài nào quản lý nổi. Còn xã hội thì bảo con cái phải chịu sự giáo dục chính là ở gia đình. Tại sao cũng ở chung một xã hội ấy mà lại có những trẻ ngoan, phấn đấu vượt lên hoàn cảnh không may của mình?
Chắc chúng ta sẽ rất khổ sở nghe câu nhận xét rằng người lớn là tấm gương. “Tụi tôi sống tử tế, có cái gương đó mà con vẫn hư như thường!”. Và chúng ta lại cũng khổ sở nghe câu giải thích “nước đôi” chẳng có gì mới mẻ này: Cả gia đình, nhà trường, xã hội đều có trách nhiệm. Nói thế ai chả nói được! Bí thật. Không rõ ở nhà, bạn quản lý các cậu ấm cô chiêu ra sao? Cho chúng tôi một ít chia sẻ đi!