Kể từ ông giám đốc, quản lý oai phong hét ra lửa ở công sở, đến các vị quan chức về hưu, đều sợ con. Bà xã tôi nói thế, rằng các vị quan chức ấy làm mưa gió ngoài đời, bao cuộc chiến nội bộ, dù lắm tiền lắm tài sản, nhưng đều thua con hết. Là vì làm gì ngoài đời, các ông ấy đầy điểm yếu ở nhà, rất dễ bị “tính sổ”.
“À, ý em lại nói lúc làm quan, các vị ấy ăn hối lộ, kết bè nhóm lợi ích chứ gì. Con cái thấy gót chân Asin chứ gì”. Vợ tôi nói, nếu được như thế thì thế hệ trẻ đã trong sáng và… đáng kính.
Đằng này nhiều vợ con ông lớn cằn nhằn gây sức ép gọi ông là cổ hủ lạc hậu, không biết tận dụng vơ vét như các vị khác mà họ thấy đầy trong xã hội. Có đứa còn nói, đừng có chê các ông già.
Các ông cổ hủ thật, nhưng chưa chắc đã ác độc một cách thông thái như đám trẻ lên thay. Vậy mà xưa nay thiên hạ chỉ chăm chăm giễu cợt họ cái khoản sợ vợ.
- Xem thêm: Những đứa con “khủng”
Nhiều ông bà già sợ con vì chúng tân tiến quá. Lên cái xe xịn chúng lái mà còn cười nói lớn tiếng là “rác tai” lắm. Phải im lặng văn minh nghe nhạc. Đừng có chỉ đường thay chúng và khi lên xuống xe quên đóng cửa, hoặc sập cửa quá mạnh là chúng rất bực bội. Mệt ông bà quá. Đi chơi mà cứ nơm nớp sợ làm cái gì vụng về bị con mắng. Thích đi với đám bạn già rôm rả.
Ông bà nào cũng khai ra ở nhà còn phải nấu cơm, đón cháu, mà còn bị con cháu mắng cho luôn. Đừng có nói đó là những đứa con hư, bất hiếu. Không phải. Chúng đều học hành thành đạt, đâu phải loại đầu trộm đuôi cướp. Cái bi kịch người già về hưu chịu thảm cảnh con hư thất nghiệp nghiện hút tù tội, lấy vợ đẻ con thất nghiệp dở, cha mẹ phải nuôi cả gia đình nhí, kiểu đó rõ rồi.
Ai hưu mà vướng cảnh đó thì là vào tù chứ chẳng như ông Nelson Mandela tuyên bố là “về hưu như ra khỏi tù”. Thế nên nhiều ông sợ về hưu lắm. Sợ mất uy quyền mất lộc là một loại, còn sợ nợ đời chưa xong, phải đi cày tiếp, ít ra là kiếm chút độc lập tự do cho khỏi nhờ con.
Lương hưu chẳng là gì, chỉ đủ tiền thuốc nếu đau ốm. Thế nên ngay những người thành đạt tân tiến cũng sợ con, chẳng trừ một ai.
Những chuyện xưa nuôi con khổ như thế nào, chúng không thích nghe nữa. Ai chẳng khổ, làm gì có ai nuôi con lại sướng đâu. Cả nước khổ thì đừng có kể chuyện ngày xưa.
Con dâu thì chúa ghét bà mẹ chồng kể công xưa nuôi chồng của cô khó nhọc. Có phải ai cũng nghĩ như nữ sĩ Xuân Quỳnh, “mẹ đã có công nuôi nấng vất vả, đem anh đến cho em” đâu. Giờ cô con dâu nghĩ, mẹ của cô cũng khó nhọc đem cô đến cho anh chồng đây này. Thế là huề. Lớp trẻ bây giờ tư duy lý lẽ đầy.
Có ông sợ con vì ông hay đi chơi khuya nhậu nhẹt bạn bè, để vợ càm ràm. Con thấy mẹ khổ là oán cha lắm. Phải tìm cách sao dung hòa đừng gây chiến tranh với vợ, vì vợ luôn có đồng minh, ông sẽ thua to.
Đàn ông nào cũng sợ vợ hết. Không phải họ hèn. Ngay những anh chồng trẻ thành đạt lương cao cứ tưởng mình không sợ vợ là lầm. Cao gì thì cao, anh chồng nào tự tay chăm sóc con nhỏ được không? Thế là nhà anh có một phe hùng mạnh, vợ con là một liên minh.
- Xem thêm: Lệnh của con
Mà trong nhà, tài sản lớn nhất không là con cái thì là gì? Vợ nắm cái tài sản đó. Vợ lại nấu cho anh ăn. Vợ lại thường đọc trên mạng những lý thuyết Tây Tàu theo kiểu “6 điều ở một đàn ông không nên lấy làm chồng”, trong đó có điều là đàn ông nghe lời mẹ.
Đó, đàn ông yêu mẹ quá là đàn ông bỏ đi. Cứ tin nhảm nhí thế, chẳng cô dâu nào thích chồng mình gắn bó với mẹ. Thấy mẹ con họ bất hòa, cô con dâu cảm thấy mình thắng lợi và hạnh phúc hơn.
Ơ hay, nói một hồi thì bà mẹ chồng ghét con dâu là phải rồi, trách bả hẹp hòi sao được. Bà nào lại có thể yêu được cái cô ở đâu về khiến con mình sợ? (đàn ông nào cũng sợ vợ mà).
Nói quanh một hồi, bà xã rút ra quy luật vàng, đàn ông không chỉ sợ vợ mà sợ cả con cái mới là đàn ông tốt, đáng cưới làm chồng.