Nói thật, mấy ai muốn đến bệnh viện? Đông như ở nhà ga hay sân vận động. Một đám người tuyệt vọng cáu gắt, dễ giận dữ.
Vậy mà có đấy. Có những ông bà già (chắc là con cái bỏ không chăm nom, lại mắc bệnh mãn tính, có trời chữa khỏi). Nên cứ vào nằm viện ít bữa, về nhà ít bữa lại thấy vào. Chẳng mê chẳng nghiện bệnh viện là gì – các cô hộ lý lườm nguýt với nhau như thế.
Bây giờ nhiều gia đình không chăm nổi cha mẹ đau lâu ốm dài nên liên hệ được bệnh viện quen, cho nằm như “viện dưỡng lão”. Lúc nào cũng sẵn điện thoại. Con cái hỏi thăm “thế nào rồi” đã là hiếu đễ lắm.
Nói chung, bệnh viện dưới mắt bà xã chẳng có gì đáng khen. Ngay cả những người mặc sẵn đồ bệnh viện chờ vào mổ vẫn còn oang oang nói xấu kể tội ngành y: “Cái chân người lớn như thế mà còn cắt nhầm chân trái ra chân phải. Báo đăng hẳn hoi”.
- Xem thêm: Nguyên tắc của “thế giới ngầm”
Bà xã thuộc loại “siêu sợ” nên càng sợ bệnh viện. Hôm nay bà đi mổ mắt. Nghe nói ngày xưa báo chí phê cái bệnh viện này tiêu cực nhiều lắm, nên bà càng sợ.
Hỏi dò những người mổ trước một bên, hôm nay mổ tiếp con mắt còn lại. “Có đau không bác?”. Chỉ mỗi câu hỏi đơn giản vậy mà cũng ông nói gà bà nói vịt. “Đau gì mà đau. Gọi là mổ phaco tức là máy làm hết, có ai đụng vào đâu mà đau”.
“Thế ông bác sĩ làm gì? Ông ta rạch một đường nơi tiếp giáp lòng đen với lòng trắng, lại không đau là sao? Rồi cái máy phaco mới kéo cái thủy tinh thể cũ của mình ra, nước rửa, rồi đưa cái mắt mới vào, xoáy xoáy, đau chứ sao không. Nhưng mà đau chịu được. Khoảng mươi phút là xong”.
Trời đất, sợ gì mà sợ, không thấy mổ mắt từ thiện bà con nghèo vịn vai nhau đi như rồng rắn, một mắt băng kín, xong là về liền đó sao? Một ngày cả ngàn người mổ. Như mổ gà. Nghe vậy, bà xã vừa hoảng hồn lại vừa hy vọng bớt sợ.
Vào bệnh viện, xếp hàng đông quá. Nhưng y tá làm hồ sơ nhoay nhoáy, đóng dấu kịch kịch, giơ tập bìa xanh gọi tên các bác theo tôi. Thôi còn biết suy nghĩ gì nữa, cứ thế xếp hàng theo. Vào phòng này đo huyết áp điện tim thử máu, ra phòng kia nhỏ mắt băng kín, đánh dấu chéo trên trán (chắc là để tránh nhầm kiểu cưa chân phải thì hóa ra chân trái).
Thay áo quần. Nằm nghỉ, nghe loa gọi. Xếp hàng theo cô y tá. Lại nhỏ mắt, phát vớ, mũ trùm đầu. Hồi hộp quá. Lúc sau thì các chàng hộ lý y tá cao to cứ như đi Tây học về một lượt – đến bên xốc nách mời vào.
Các “chàng như Tây” này đều trẻ khỏe nhanh nhẹn dìu bệnh nhân. Đứng phụ mổ. Không có kiểu y tá vừa làm vừa buôn chuyện thường thấy ở rất nhiều bệnh viện. Không có kiểu vừa gọi tên vừa quát tháo.
Mổ xong, các chàng dìu ra ghế ngồi cho khỏe. Họ xốc nách “Đi nào”. Nhưng dép lúc nãy vào phòng nào bắt bỏ lên kệ giờ biết ở đâu? Lệnh “Đi thẳng thong thả nhẹ nhàng, quẹo trái là thấy kệ dép”.
Đi thẳng về phòng bệnh nằm nghỉ. Chờ khỏe, bác sĩ khám lại. Người nhà ra bàn lĩnh thuốc. Có đơn dặn kỹ rồi vẫn có người nheo nhéo “cô ơi cái viên trắng to to này uống thế nào”. Bình tĩnh trả lời, không tiếng quát nạt.
Rầm rập cứ như vào trận. Khâu nào ra khâu đó, chuyên nghiệp. Người bệnh ráng nghe lời rõ ràng, bám theo người dẫn đường.
Về nhà, bà xã khen: Chuyên nghiệp thật. Mới đầu thấy đông như kiến, bàn to bàn nhỏ, giấy tờ như bươm bướm thế kia, rối tung rối mù lên mất. Vậy mà không. Đến bác bảo vệ mặc đồng phục cũng xem hồ sơ, chỉ dẫn đi đâu, bàn nào.
- Xem thêm: Ở đâu cho thoát đám đông
Không lẽ bệnh viện bây giờ thay đổi hết rồi chăng? Ít thấy các thầy thuốc già. Trong khi ta ngồi sợ hãi thì đã có một lực lượng hùng hậu trẻ măng có học “tràn vào chiếm lĩnh bệnh viện”?
Những đám đông sợ hãi chen lấn ở Hòa Hảo, Ung Bướu, nghĩ chỉ nơi láng coong thưa thớt, “quốc tế” một núi tiền mới được đón rước. Mà chỉ đối xử phục vụ ngon lành, chứ tay nghề thì chưa chắc! Vì vậy, cứ phải chen vào chuyên khoa.
Chà, “thay đổi không đều” thế này biết đâu mà kết luận.
Hay là Viện Mắt, toàn là dân… mù dở tới đó, nên mới được tổ chức giúp đỡ cẩn thận. Còn nơi khác thì thế nào, bà con thử cho biết tình hình xem sao? Để còn đổi mới tư duy cho khỏi lạc hậu.