Buôn nội tạng từ dòng người tỵ nạn Syria
Abu Jaafar (không phải tên thật) là người chọn con đường kiếm sống bằng việc buôn lậu nội tạng dân tỵ nạn Syria khốn khổ. Abu Jaafar làm công việc bảo vệ tại một quán rượu cho đến khi gặp một nhóm buôn lậu nội tạng người. Nhiệm vụ của Abu Jaafar là tìm kiếm những người đủ tuyệt vọng để chấp nhận bán đi một phần cơ thể mình để có tiền mà sống tiếp.
Dòng người tỵ nạn từ Syria đến Liban đã tạo nên nhiểu cơ hội hái ra tiền cho bọn buôn lậu nội tạng người. Abu Jaafar lập luận rằng dân tỵ nạn Syria rất dễ bị giết chết tại quê nhà trong khi việc bán một phần cơ thể không thể ghê gớm hơn những điều kinh khủng do chiến tranh mà họ từng trải: “Tôi khai thác con người và họ được lợi”. “Căn cứ” của Abu Jaafar là quán cà phê tại một trong những khu ngoại ô đông dân cư miền nam thủ đô Beirut của Liban.
Abu Jaafar kể: “Người ta thường muốn mua những quả thận song tôi cũng có thể tìm được các cơ quan khác. Có lần, người ta hỏi mua một con mắt và tôi tìm được ngay một người muốn bán con mắt của mình. Tôi chụp ảnh con mắt gửi đến khách hàng qua ứng dụng WhatsApp. Sau khi được xác định, tôi giao con mắt đến cho khách hàng”.
Abu Jaafar hoạt động ngay trên những con phố hẹp có khá đông người tỵ nạn Syria trú thân. Dân tỵ nạn phải sống chen chúc trong những căn lều tạm và nhận phần cứu trợ rất ít ỏi. Phần đông những người tuyệt vọng nhất đến từ Syria sau tháng 5.2015 – tức thời điểm chính quyền Liban yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngưng làm thủ tục đăng ký cho những người tỵ nạn mới.
Đó là “những con người tuyệt vọng và chỉ có thể sống còn bằng cách bán nội tạng của mình”, Abu Jaafar kết luận. Một số người tỵ nạn lê bước trên đường phố để ăn xin – trong đó đa phần là trẻ em. Các em hành nghề đánh giày, len lỏi giữa những chiếc ô tô để bán kẹo cao su hay khăn giấy. Một số em nhỏ bị khai thác sức lao động một cách triệt để hay thậm chí sa vào con đường mại dâm. Nhưng, giải pháp bán nội tạng là cách kiếm tiền nhanh nhất.
Đôi khi, các bác sĩ cũng tham gia thị trường đen buôn nội tạng bất hợp pháp và vô nhân đạo ở Liban. Một khách hàng của Abu Jaafar là cậu bé 17 tuổi rời Syria sau khi cha và anh em bị giết chết ở đó. Cậu bé lưu trú tại Liban đã 3 năm mà không có việc làm và nợ nần chồng chất do phải cưu mang mẹ và 5 chị em gái. Đó là lý do cậu bé thỏa thuận bán quả thận phải của mình cho Abu Jaafar với giá 8.000 USD.
- Xem thêm: Syria đang bị chia năm xẻ bảy
Sau ca mổ lấy thận được 2 ngày, cậu bé chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp và máu cứ liên tục rỉ ra từ vết thương. Abu Jaafar từ chối tiết lộ anh bỏ túi được bao nhiêu tiền qua vụ bán thận của cậu bé. Abu Jaafar chỉ nhấn mạnh rằng anh không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho các cơ quan nội tạng người sau khi chúng được mổ lấy ra khỏi cơ thể nhưng anh cho rằng rất có thể chúng được “xuất khẩu”. Một thực tế là ở khắp vùng Trung Đông thiếu trầm trọng cơ quan người để phẫu thuật cấy ghép do văn hóa và tôn giáo ở đây chống đối sự hiến tặng nội tạng người.
Những người chết phải được chôn ngay lập tức. Abu Jaafar tuyên bố có ít nhất 7 người trung gian mua bán nội tạng người như anh ở Liban. Abu Jaafar nhận định: “Thị trường đang bùng nổ sau khi làn sóng tỵ nạn từ Syria tràn vào Liban hàng ngày”. Abu Jaafar biết rõ đang làm ăn phạm pháp song anh không hề sợ chính quyền. Abu Jaafar trơ tráo đến mức phun sơn số điện di động của mình lên những bức tường gần nhà.
Những người láng giềng vừa nể trọng vừa sợ Abu Jaafar. Anh luôn mang theo khẩu súng ngắn theo bên người. Abu Jaafar nói: “Tôi biết những gì mình đang làm là bất hợp pháp, nhưng tôi đang giúp đỡ mọi người. Đó là nhận thức của riêng tôi. Người bán nội tạng được trả tiền để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Anh ta có thể dùng tiền để mua một chiếc xe hành nghề lái taxi hay di chuyển sang quốc gia khác. Tôi giúp đỡ những con người như thế và không hề lo lắng về luật pháp”.
Buôn bán nội tạng người do khó khăn kinh tế ở Iraq
Om Hussein quan niệm rằng thà bán thận của bà còn hơn là sống bám vào tổ chức từ thiện. Cùng với người chồng Ali thất nghiệp và 4 đứa con còn nhỏ của mình, Om Hussein đang sống hết sức chật vật giống như hàng triệu người Iraq khác. Ali còn mắc bệnh đái tháo đường và các vấn đề về tim. Om Hussein là lao động chính trong gia đình và bây giờ bà đã quá mệt mỏi đến không còn sức để tiếp tục làm việc kiếm tiền để chi cho tiền thuốc men, nhu cầu con cái và thực phẩm.
Ali cho biết thêm: “Tôi làm bất cứ công việc gì miễn là kiếm được tiền. Mổ thịt, lao công hay thu gom rác. Tôi không ăn xin. Tôi cùng đứa con trai nhặt bánh mì rơi rớt ngoài đường để ăn”. Do đói nghèo hành hạ mà Om Hussein quyết định hy sinh bản thân. Bà kể: “Tôi quyết định bán thận vì không còn kiếm được tiền nuôi gia đình”. Hai vợ chồng tiếp xúc với một người kinh doanh nội tạng người bất hợp pháp để bán thận của họ, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy cơ quan của họ không đủ tiêu chuẩn để cấy ghép cho bệnh nhân.
Tinh trạng nghèo đói không lối thoát hiện nay dẫn đến sự bùng phát hiện tượng buôn bán phi pháp thận cũng như mọi cơ quan nội tạng khác ở Baghdad. Khoảng 22,5% trong gần 30 triệu dân Iraq đang sống trong cảnh nghèo khốn – theo số liệu thống kê năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) – khiến cho nước này trở thành trung tâm mua bán nội tạng người ở Trung Đông.
Giá một quả thận là 10.000 USD. Luật sư nhân quyền Firas al-Bayati phân tích: “Hiện tượng lan rộng đến mức chính quyền không thể kiểm soát nổi. Trong 3 tháng qua, cá nhân tôi đã giải quyết vụ việc 12 người bị bắt giữ vì bán thận. Nghèo khổ là nguyên nhân cho hành động của họ”. Hãy thử hình dung: một người cha thất nghiệp không có bất cứ nguồn thu nhập nào để nuôi con nên đành phải hy sinh bản thân. Tôi coi anh ta là nạn nhân cần được bảo vệ”.
Năm 2012, chính quyền Iraq thông qua luật mới chống nạn buôn người và cơ quan người. Theo đó, chỉ có những người thân trong gia đình mới được phép hiến tặng cơ quan cho thành viên khác và phải có sự đồng thuận hai bên. Do đó, bọn buôn lậu thường phải làm giả mọi thứ giấy tờ cần thiết chứng minh người bán và người mua nội tạng có mối quan hệ thân thích. Hình phạt là từ 3 năm tù đến tử hình và các thẩm phán sẽ không coi nghèo khổ là lý lẽ bào chữa cho những vụ mua bán trái phép như thế. Tuy nhiên, sắp tới chính quyền Iraq sẽ phát hành loại thẻ căn cước sinh trắc học mới không thể làm giả được.
Mohammed, cùng với 10 người khác bị giam trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Baghdad vì tội buôn lậu nội tạng người. Mohammed, người cha của 2 đứa con, thú nhận: “Ngay từ đầu, tôi không cảm thấy mình có tội. Tôi coi đó là hành động nhân đạo, nhưng sau vài tháng buôn bán nội tạng người, tôi bắt đầu tự vấn lương tâm về đạo đức. Tôi vô cùng xót xa khi nhìn thấy người trẻ tuổi buôn lậu chỉ vì tiền”. Tuyệt đại đa số những ca cấy ghép nội tạng bất hợp pháp diễn ra kín đáo trong chuỗi bệnh viện tư nhân, chủ yếu trong vùng người Kurd ở Iraq.
Thậm chí, trong bệnh viện công cũng có những ca cấy ghép nội tạng không tuân thủ đúng những quy định của pháp luật, song các bác sĩ phẫu thuật không thể nắm rõ hết mọi loại giấy tờ. Rafed al-Akili, bác sĩ phẫu thuật Trung tâm Bệnh thận và Cấy ghép ở Baghdad, giải thích: “Trong một số trường hợp, chúng tôi cảm thấy nghi ngờ. Song không vì thế mà ngưng phẫu thuật vì tính mạng bệnh nhân sẽ đe dọa”.
Tafkah Omar, nữ lãnh đạo ban pháp lý Ủy ban Nhân quyền Kurdistan ở Iraq, nhận xét: “Sự gia tăng số người di cư trong vùng người Kurd ở Iraq là nguyên nhân chính yếu dẫn đến hiện tượng buôn người và nội tạng người tăng theo. Người di cư nghèo khó nên sẵn sàng bán thận của mình hay của người thân để kiếm tiền cho những nhu cầu cơ bản nhất của họ”. Omar tin rằng luật pháp về vấn đề này còn chưa đủ mạnh ở vùng người Kurd.
Vùng Kurdistan ở Iraq – nơi có biên giới, nghị viện và hệ thống luật pháp riêng – cũng coi bán nội tạng là bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc hiến tặng nội tạng, như là thận, là tự nguyện. Người hiến tặng phải trên 18 tuổi và đầy đủ sức khỏe. Nếu như phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ buôn bán nội tạng bất hợp pháp, bệnh viện sẽ ngưng can thiệp ngoại khoa.
Thị trường đen nội tạng người bùng phát ở Liban
Liban – quốc gia có số người nghèo vô cùng đông đúc – có truyền thống buôn bán trái phép nội tạng người và bọn buôn lậu không phải lo lắng về sự kiểm soát của chính quyền – theo Luc Noel, chuyên gia cấy ghép tạng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Hàng năm, hàng chục ngàn triệu phú Ả Rập trong khu vực tìm đến thủ đô Beirut của Liban để chữa trị ghép tạng trong các bệnh viện lớn nước này. Trong khi đó, chính quyền Beirut không hề chú ý đến những bệnh nhân nhà giàu bay về nước với chiếc mũi mới hay quả thận mới! Trước đây, phần đông dân nghèo Palestine đến Liban bán nội tạng. Nhưng từ khi xung đột nổ ra ở Syria dẫn đến làn sóng tỵ nạn tràn vào Liban, cuộc cạnh tranh bán nội tạng bắt đầu bùng phát đẩy giá cả vọt lên cao.
Giữa cuộc nội chiến đẫm máu đang từng ngày tàn phá Syria, số dân tỵ nạn tăng cao ở Liban và cố gắng sống sót bằng con đường bán nội tạng bất hợp pháp. Nhưng sự “trao đổi” này có cái giá của nó. Đàng sau những phận nghèo Syria là một lĩnh vực kinh doanh vô đạo đức đang bùng nổ ở Liban. Chiến tranh đã xua khoảng 1 triệu người Syria lánh nạn sang Liban và tình hình hiện nay là họ không biết làm gì để kiếm sống.
Trong nỗi tuyệt vọng, họ đành chấp nhận bán đi một phần thân thể của mình để sống qua ngày, bất chấp đây là lựa chọn đe dọa đến tính mạng. Một thanh niên khoảng 20 tuổi tự xưng là Raid bước một cách khó nhọc vào băng ghế sau chiếc ô tô với gương mặt lộ vẻ đau đớn và dáng vẻ lộ rõ sự kiệt sức. Một dải băng rộng bao bọc vùng bụng của Raid thấy rõ máu thấm ra ngoài. Câu chuyện của người thanh niên Syria chạy trốn chiến tranh thật bi thảm. Raid cùng với cha mẹ và 6 anh chị em chạy khỏi thành phố hoang tàn Aleppo của Syria để tỵ nạn sang Liban.
Gia đình nhanh chóng cạn hết tiền bạc sau thời gian sống khổ sở ở Beirut. Một hôm, Raid được một người thân mách bảo cách bán thận cho một gã đàn ông để kiếm tiền. Hắn tên gọi là Abu Hussein, 26 tuổi, một kẻ trung gian đểu cáng điều hành một băng nhóm kiếm tiền bằng hoạt động buôn cơ quan người phi pháp – đặc biệt là quả thận. Ông chủ của Abu Hussein được mọi người trong các khu dân nghèo ở Beirut biết đến với biệt danh là “Ông Mập”.
Abu Hussein cho biết khi nói đến quả thận thì hiện nay có nhiều người bán hơn là người mua. Ngoài nhóm của “Ông Mập” còn có các nhóm khác tương tự hoạt động ở Beirut. Thậm chí, Abu Hussein tiết lộ: “Nhiều quả thận được bán ra nước ngoài, ví dụ như Vùng Vịnh”. Theo đánh giá của các chuyên gia, có từ 5.000 đến 10.000 quả thận “tươi” được phẫu thuật cấy ghép bất hợp pháp mỗi năm trên toàn thế giới. Bác sĩ nói với Raid rằng sẽ không có bất cứ hậu quả nào sau khi một bán thận. Trên thực tế, những người hiến thận cần phải được kiểm tra sức khỏe nhiều năm sau phẫu thuật nhưng đối với Raid thì không thể đáp ứng yêu cầu đó.
Raid bán quả thận trái được 7.000 USD. Gia đình của Raid thiếu thốn trăm thứ song nhờ bán thận mà cha của anh có tiền để mua nệm và quần áo cho mùa đông, tủ lạnh và bếp lò – mọi thứ đều dồn vào căn phòng nhỏ cho 8 người sống. Theo Abu Hussein, mọi người đều có lợi trong thị trường đen bộ phận người này. Ví dụ, những người Syria có tiền nhưng đau ốm sẽ trả 15.000 USD để có được quả thận mới. Hussein kiếm được khoản tiền “hoa hồng” từ 600 đến 700 USD sau mỗi lần mua bán thận được hắn ta sắp xếp – số tiền bằng lương tháng của một giáo viên Liban!
Một số những “người săn thận” được các ông chủ mạng lưới tội phạm có tổ chức tuyển mộ là những người từng bán quả thận của chính mình. Theo số liệu của WHO, những người bán thận bao gồm người nghèo ở các nước đang phát triển, dân nhập cư hay tỵ nạn chiến tranh, công nhân hợp tác lao động ở nước ngoài. Các nhà đạo đức sinh học cho rằng hoạt động buôn bán cơ quan người phải được coi là tội phạm và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền trong lĩnh vực y khoa. Các ca phẫu thuật cấy ghép thận bất hợp pháp chủ yếu dựa vào nguồn cơ quan do các mạng lưới buôn người cung cấp.
Trong khi đó, việc truy tố những kẻ buôn người và mạng vệ tinh của chúng – người trung gian, người săn tìm thận và bác sĩ – thường không hiệu quả. Những vụ truy tố liên quan đến hoạt động buôn bán cơ quan người thường rất giới hạn ở các quốc gia như Ấn Độ, Kosovo, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Nam Phi và cả Mỹ. Những ca phẫu thuật cấy ghép cơ quan bất hợp pháp diễn ra trong bí mật cũng thường có tỷ lệ nhiễm trùng rất cao, bao gồm HIV và viêm gan C, do người bán đã mắc bệnh. Những người bán thận trái phép cũng bị nhiễm trùng hậu phẫu, suy yếu sức lực, trầm uất và một số trường hợp tự sát. Theo số liệu của Tổ chức Quan sát Cơ quan người (OW), trong số 38 người bán thận ở Moldova có 5 người sau đó tự sát. Theo đánh giá của WHO, mỗi năm trên thế giới diễn ra khoảng 10.000 ca phẫu thuật ghép tạng bất hợp pháp.