Với việc xuất hiện nhiều khu vực đặt dưới sự kiểm soát của các nhóm nổi dậy đối địch được nhiều quốc gia có lợi ích khác nhau bảo trợ, viễn cảnh Syria bị chia cắt ngày càng có nguy cơ trở thành hiện thực.
Bốn lãnh địa
Trên thực tế, lãnh thổ Syria đã bị chia năm xẻ bảy, mỗi khu vực nằm dưới sự quản lý của một lực lượng khác nhau. Sự can thiệp ngày càng tăng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran càng làm cho khả năng chia cắt này trầm trọng hơn, biến Syria thành bốn lãnh địa riêng.
Khu vực do Chính phủ thân Nga và Iran quản lý
Khu vực này tập trung chung quanh thủ đô Damascus và vùng phụ cận, chạy dọc theo bờ Địa Trung Hải, thành trì của chế độ và là nơi Nga có những lợi ích lớn. Nó cũng mở rộng tới tận các thành phố Homs, Hama và bao gồm cả vùng Aleppo hiện đang bị lọt trong vòng vây của các lực lượng nổi dậy khác, các thành phố Daraa, Suayda ở phía nam và vùng phục cận. Đầu năm nay, khi quân đội chính phủ rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng để chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy, đồng minh Iran của Tổng thống Bashar al-Assad đã khuyên ông ta chỉ nên giữ lại phần Syria cần thiết để khỏi mất thêm quân vào những địa bàn không thể bảo vệ được. Khu vực “Syria cần thiết” chiếm khoảng 20% lãnh thổ nhưng lại có hơn một nửa dân số cả nước. Tại đây, đối phó với quân nổi dậy là lực lượng chính phủ, dân quân, chiến binh của các tổ chức thân Iran như Hezbollah, người Shiite Iraq, người Afghanistan… và hiện nay là Nga. Trước khi Moscow can thiệp, khả năng Damascus giữ vững được Aleppo, Der Ezzor hay Daraa không chắc chắn. Hiện nay tình thế đã thay đổi.
Khu vực chịu ảnh hưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia
Nằm ở tây bắc Syria, với một hành lang mở ra biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực này gồm tỉnh Idlib và một phần tỉnh Aleppo. Hồi đầu năm chính quyền Damascus đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề tại đây buộc họ phải kêu gọi sự can thiệp của Iran và Nga.
Dưới sự hậu thuẫn của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, một số tổ chức Hồi giáo theo đường lối Salafi như Ahar al-Sham, Hồi giáo thánh chiến như mặt trận al-Nusra đã dẹp bỏ bất đồng, phối hợp dưới lá cờ của “Quân đội chinh phục” để mở các cuộc tấn công lớn và mở rộng lãnh thổ. Các phe nhóm này hiện nay trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của Nga nhằm thiết lập một tuyến phòng thủ cho vùng do Chính phủ kiểm soát.
Tại các địa phương, cuộc tấn công của máy bay Nga đã gây phản ứng mạnh của một số tổ chức Hồi giáo, đẩy họ ngả sang khuynh hướng cực đoan. Một trong số đó có thành phần chủ yếu là những chiến binh Hồi giáo thánh chiến gốc Chesnia, Uzbek và Tadjik vừa mới tuyên thệ trung thành với mặt trận al-Nusra. Xu hướng này có nguy cơ tiếp diễn, tạo thành một dạng tiểu vương quốc al-Qaeda trong lòng Syria.
Khu vực người Kurd phía bắc được Mỹ hỗ trợ
Đây là một dải đất chạy dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, có cơ chế bán tự trị đồng thời duy trì mối quan hệ nhất định với tình báo Syria tại Damascus. Người Kurd là lực lượng duy nhất mà phương Tây có thể phối hợp và trông cậy trên bộ. Sự hợp tác giữa hai bên đã giúp ngăn chặn thành phố Kobané rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vào năm ngoái và tái chiếm các thành phố Tal Abyad từ các tổ chức Hồi giáo thánh chiến.
Tuy vậy, mối liên hệ giữa họ với Damascus khiến cho các nước Ả Rập nghi ngại. Thậm chí các nước này còn chỉ trích người Kurd tiến hành một cuộc thanh trừng sắc tộc quy mô nhỏ trong vùng họ kiểm soát.
Phần lãnh thổ dưới ảnh hưởng của IS
Bao gồm gần như toàn bộ hoang mạc Syria kéo dài từ phía đông Aleppo qua Raqa, Der Ezzo tới tận biên giới Iraq. Hiện nay IS cố mở rộng phạm vi và tiến dân xuống Damascus sau khi đã chiếm được thành cổ Palmyra, nơi mà liên quân Syria, Nga và Iran có thể sẽ tấn công trong thời gian tới.
IS tiếp tục mở rộng phạm vi thế lực, kiểm soát phần lớn giếng dầu và khai thác để bán ra thị trường chợ đen, nguồn thu về sẽ phục vụ tuyển thêm thành viên mới và duy trì cỗ máy của chúng. Vì thế IS có thể hành động độc lập, khác với các tổ chức còn lại sống nhờ vào tài trợ từ các thế lực nước ngoài.
Sáu nước chủ chốt đang bằm nát Syria
Ngày 30-9, Nga chính thức phát động không kích tại Syria. Đây là lần can thiệp vào Trung Đông lớn nhất trong nhiều thập niên.
Sự can thiệp của Nga đã đưa cuộc nội chiến kéo dài bốn năm tại Syria bước sang một giai đoạn mới đầy biến động.
Với việc Nga gia nhập vào cuộc xung đột, chiến tranh Syria hiện nay có liên quan đến nhiều quốc gia với những chương trình nghị sự chồng chéo. Có thể nói hiện có năm thành phần chủ chốt trong cuộc xung đột tại nước này.
Syria
Xung đột Syria khởi đầu bằng các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al Assad vào đầu năm 2011. Các cuộc biểu tình đã bị đàn áp trước khi chuyển sang bạo lực và thu hút sự quan tâm của quốc tế.
Vào tháng 9 năm ngoái, Mỹ dẫn đầu một liên minh quốc tế phát động không kích IS ở Iraq và Syria cùng các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.
Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, khoảng 250.000 người đã thiệt mạng và gần một nửa dân số Syria trước chiến tranh (23 triệu người) đã rời bỏ quê hương, hàng vạn người trong số đó cố gắng tới châu Âu.
Nga
Moscow nói rằng họ đang tham gia cuộc chiến tại Syria, chống lại IS và các nhóm khủng bố khác. Từ khi tham chiến, họ đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công mỗi ngày lên các mục tiêu của IS ở Syria. Nga lo sợ hàng ngàn công dân Nga ở khu vực Kapkaz sẽ gia nhập IS rồi trở về quê nhà để tiến hành các vụ tấn công.
Nga cũng đang quan tâm tới việc hỗ trợ ông Assad để chống lại phiến quân ôn hòa do Mỹ hậu thuẫn. Những nhóm đối lập này muốn lật đổ nhà lãnh đạo Syria, một đồng minh kiên trì duy nhất của Nga tại Trung Đông.
Hoa Kỳ
Mỹ đang dùng không phận Syria để dẫn đầu một chiến dịch không kích chống lại IS. Theo sau họ là các đồng minh gồm Australia, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cùng một số nước khác.
Trong khi cả Moscow và Washington nói rằng kẻ thù của họ là IS thì Mỹ lại tin rằng việc tiếp tục sự hiện diện của Nga tại Syria sẽ làm tình hình nước này tồi tệ hơn.
Washington đã cáo buộc ông Assad tấn công dân thường đối lập và khẳng định ông không có vai trò chính trị trong thời hậu chiến ở Syria.
Các cuộc không kích của Mỹ nhằm mục đích hỗ trợ các phe nổi dậy ôn hòa ở Syria – phản đối chính phủ Assad, đồng thời đánh vào IS và các nhóm cực đoan khác.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từ lâu đã bất hòa về cuộc xung đột Syria. Trong khi Ankara muốn lật đổ ông Assad và mặc nhiên hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại Syria thì Nga làm ngược lại.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng cường vai trò của mình trong liên minh do Mỹ dẫn đầu khi những cuộc xung đột tại Syria và Iraq ngày càng lan tràn qua biên giới nước này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã nói rằng nước ông đang mang những gánh nặng từ hậu quả của cuộc chiến Syria (mà hậu quả dễ thấy nhất là cuộc di cư gần đây). Ankara cho biết họ hiện đang tiếp nhận gần 2 triệu người Syria.
Những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng cường chỉ trích các cuộc không kích của Nga trên lãnh thổ Syria khi hai máy bay Nga xâm phạm không phận nước này.
Iran
Đồng minh của Syria, Iran đã hỗ trợ quân sự, vũ khí và viện trợ tài chính cho Damascus kể từ khi cuộc chiến Syria bắt đầu. Theo nhiều nhà phân tích, sự đổ máu tại Syria là một phần của cuộc đấu tranh giữa người Shiite ở Iran và người Hồi giáo Sunni ở Saudi Arabia.
Cuộc khủng hoảng cũng làm gia tăng việc lôi kéo các binh lính nước ngoài chiến đấu vì tôn giáo tới hai phe.
Saudi Arabia
Riyadh cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh khác là người ủng hộ chính của quân nổi dậy chống Assad. Nhưng chính phủ Saudi cũng lo lắng về sự gia tăng của các nhóm thánh chiến như IS. Vì vậy mà chính phủ Saudi Arabia đã gia tăng trừng phạt đối với những ai hỗ trợ IS.
Trong tình hình phức tạp như vậy, liệu Syria có tránh khỏi nguy cơ chia cắt khi mà các thế lực nước ngoài can thiệp vào cuộc nội chiến của nước này đã lộ rõ ý đồ của họ.
Một nhà ngoại giao Ả Rập tại Trung Đông dự báo: “Giống như cuộc nội chiến ở Liban, thảm kịch Syria sẽ chấm dứt với một thỏa thuận giống như thỏa thuận Taef phân chia lãnh thổ Liban theo sắc tộc và giáo phái”. Từ nay đến lúc đó, mỗi phe phái sẽ cố gắng mở rộng thế lực, nhưng các tổ chức nổi dậy ôn hòa sẽ mất dần ảnh hưởng và dễ bị biến mất.