Hơn 90% tổng số doanh nghiệp trên cả nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Nhóm doanh nghiệp này hiện vẫn đang mong chờ sự quan tâm và hỗ trợ để không phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Các gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỉ đồng được ví như “trận mưa rào” dường như vẫn quá xa tầm với của rất nhiều doanh nghiệp khát vốn. Đó là những ý kiến được đưa ra bàn luận sôi nổi tại buổi hội thảo “Nâng cao vị thế doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong thị trường toàn cầu: Cách thức và định hướng phát triển” do Câu lạc bộ 2030 (thuộc Saigon Time Club) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 8-8 vừa qua.
Trông người…
Từ nhiều thập niên trước, các quốc gia trên thế giới đã triển khai rất nhanh những chính sách, điều luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tiên nhận thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và khắc phục khủng hoảng. Theo chia sẻ của Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Giáo dục Đào tạo Stellar Management, thì doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp. Nhiều biện pháp trợ giúp kinh doanh của chính phủ Mỹ đã đi vào thực tế như: mở rộng các quy định tạo điều kiện cho kinh doanh nhỏ gia nhập thị trường, cải cách chính sách an sinh xã hội và thuế khóa, trợ giúp tín dụng trực tiếp và bảo lãnh tín dụng, trợ giúp đổi mới công nghệ… Đến nay, khối doanh nghiệp nhỏ đã tạo ra một nửa tổng sản phẩm phi nông nghiệp cho nền kinh tế Hoa Kỳ, tạo công ăn việc làm cho 50% người Mỹ, hằng năm tạo thêm 60 – 80% số công ăn việc làm mới (ngoài chính phủ). Nhóm doanh nghiệp này đóng góp 29% tổng giá trị xuất khẩu, chiếm 25% tăng trưởng chung của kinh tế Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp nhỏ cần nguồn vốn để cải tiến công nghệ sản xuất
Ngay trong khu vực, hai quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhờ chú trọng đầu tư hỗ trợ DNVVN là Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ đầu những năm 80, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên cho công ty quy mô nhỏ, quan trọng nhất là 19 điều luật hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ. Theo đó, doanh nghiệp được khuyến khích đổi mới cơ cấu quản lý và vận hành, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, được hỗ trợ 50% chi phí trang thiết bị và giảm thuế doanh thu… Ngoài ra, chính phủ còn ban hành Luật xúc tiến doanh nghiệp hỗ trợ, theo đó các tập đoàn công nghiệp lớn và chính phủ phải mua các sản phẩm của công ty nhỏ hơn. Đến nay, DNVVN chiếm 99% trong tổng số các loại hình doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho hơn 87% lao động tại Hàn Quốc.
Tuy là một nền kinh tế lớn với nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia, nhưng Nhật Bản vẫn coi trọng lực lượng doanh nghiệp nhỏ trong tổng thể nền kinh tế. Luật cơ bản về DNVVN của Nhật Bản định hướng: (1) nâng cấp cấu trúc doanh nghiệp gồm hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao công nghệ, hợp lý hóa quản lý kinh doanh, tối ưu hóa quy mô doanh nghiệp và (2) khắc phục các bất lợi của doanh nghiệp nhỏ bao gồm các chính sách như phòng chống cạnh tranh quá mức, hợp lý hóa các giao dịch với nhà thầu phụ và đảm bảo cơ hội cho hợp đồng đấu thầu Chính phủ. Trong đó có thể kể đến Luật Xúc tiến các hệ thống phân phối có hiệu quả nhằm xúc tiến các lĩnh vực bán lẻ còn Hệ thống bảo lãnh đặc biệt giúp giảm nhẹ các vấn đề về tín dụng, hạn chế doanh nghiệp phá sản. Mặt khác, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vì có hơn 860 tổ chức tài chính phục vụ cho DNVVN và hơn 4.500 tổ chức tài chính phục vụ cho vay trong lĩnh vực nông – lâm – ngư – nghiệp. Đến nay, DNVVN hiện chiếm khoảng 98% tổng doanh nghiệp Nhật Bản, thu hút gần 40 triệu lao động và thu nhập từ khối doanh nghiệp này chiếm khoảng 99,5% tổng thu nhập bán lẻ.
Đất nước có xuất phát điểm phát triển kinh tế tương đương với chúng ta là Thái Lan cũng đã tập trung phát triển khối doanh nghiệp quy mô nhỏ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Nổi bật nhất là Quỹ Phát triển DNVVN (trực thuộc Ủy ban Khuyến khích Phát triển DNVVN) thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đề xuất, xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ các công ty nhỏ. Quỹ này được Chính phủ cấp vốn từ nguồn viện trợ nước ngoài hoặc từ khu vực tư nhân hằng năm, nhằm thành lập và phát triển thị trường vốn, đào tạo chủ doanh nghiệp và người lao động, hỗ trợ nghiên cứu, tìm kiếm thị trường… Ngoài ra, Thái Lan còn có hệ thống các chính sách hỗ trợ tín dụng được thực hiện theo kế hoạch và lộ trình dài hạn, tập trung đối với các nhóm ngành chính như lương thực, thức ăn gia súc, dệt may, thiết bị điện và điện tử… Thái Lan hiện có 3 triệu DNVVN, chiếm trên 99% tổng số doanh nghiệp trong nước, thu hút 78,2% lao động, giá trị sản lượng đạt 3.750 tỉ baht (chiếm 37,8% GDP).
…Mà ngẫm đến ta
Có thể thấy rằng, dù có sự khác nhau về xuất phát điểm, điều kiện và tốc độ phát triển kinh tế thì nhiều nền kinh tế trên thế giới đều nhận thức được sự cần thiết của các chính sách và biện pháp hỗ trợ sự phát triển của DNVVN, đặc biệt là hỗ trợ khả năng tiếp cận nguồn vốn. Chúng ta vốn đã nhận thức vấn đề này chậm hơn các nước khác đến hàng chục năm, mà sự quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP. Hồ Chí Minh cho rằng lâu nay các doanh nghiệp quy mô nhỏ và mới khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa được hỗ trợ một cách có chiến lược. Mười mấy năm qua, từ chính quyền các tỉnh thành đến các trung tâm hỗ trợ DNVVN hầu như chưa có hành động gì thiết thực để trợ giúp các doanh nghiệp về vốn, thuế, quản lý, nhân lực, cải tiến công nghệ sản xuất… “Tôi thấy phần lớn các gói hỗ trợ trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng hỗ trợ các “doanh nghiệp đại gia” hơn là doanh nghiệp nhỏ. Mới đây, có doanh nghiệp còn đề xuất Chính phủ cho vay ưu đãi 1.500 tỉ đồng để nhập mấy cái tàu đánh cá đã 30 năm sử dụng từ năm 1985, trong khi doanh nghiệp nhỏ thì chưa có ai tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh”, ông Phúc cho biết.
Cùng quan điểm với TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng – Mã Thị Thanh, cho biết khoảng 70% doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp tỉnh này đang trong tình trạng “dở sống, dở chết”, có thể sẽ phải ngưng hoạt động nếu không được hỗ trợ thiết thực trong năm nay.
Đầu tháng 8, tại một buổi hội thảo tổ chức tại Hà Nội, bà Hà Thu Giang, Phó Trưởng phòng Tín dụng và Chính sách Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng các tổ chức tín dụng hạn chế cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn không chỉ vì lo sợ rủi ro tài chính mà còn vì các doanh nghiệp này không có đủ các thông tin phân tích, đánh giá, thẩm định năng lực của doanh nghiệp, thậm chí không ít doanh nghiệp còn đưa số liệu không chính xác, gây mất niềm tin. Câu hỏi đặt ra là các tổ chức dành cho DNVVN, có vai trò gì nếu không thực hiện được chức năng thẩm định năng lực của doanh nghiệp.
Việc thành lập một trung tâm quốc gia chuyên thẩm định năng lực của doanh nghiệp nhỏ đã được nhắc đến nhiều lần trong ba, bốn năm trước đến nay vẫn chỉ là “dự kiến”. Ông Tăng Hữu Tân, Giám đốc Trung tâm đào tạo Phát triển xã hội (SDTC), cho rằng việc thành lập một trung tâm thẩm định, hỗ trợ, tư vấn và đào tạo nhân lực cho DNVVN không quá phức tạp. Vấn đề là pháp luật, chính sách cần cụ thể hơn để đảm bảo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ với các thành phần kinh tế khác, không chỉ về vốn mà cả vấn đề liên quan tới nhân lực, công nghệ. Trong quá trình điều hành, thực thi quy định cần chú ý đảm bảo sự công khai minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tự do cạnh tranh. Ngoài ra, điều cần thực hiện trước là nghiên cứu đánh giá đầy đủ điều kiện và khó khăn hiện tại của các công ty quy mô nhỏ trên cả nước. Cho đến thời điểm này, chúng ta chưa đánh giá hết được thực trạng của DNVVN thì việc nâng cao vị thế của khối doanh nghiệp này ngay trong nước còn là điều “bất khả thi”, chứ chưa nói đến thị trường toàn cầu.
Xuân Lộc