Trong suốt 13 kỳ triển lãm của ProPak (Triển lãm ngành công nghiệp chế biến và đóng gói bao bì), số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tăng dần qua mỗi năm.
Đặc biệt, ProPak Vietnam 2019 diễn ra từ ngày 19 đến 21-3 vừa qua đã gây chú ý về mức độ đầu tư so với các năm trước.
Dù chỉ chiếm khoảng 20% số lượng doanh nghiệp tham dự nhưng so với những lần triển lãm trước, quy mô gian hàng lần này của các đơn vị Việt khá lớn và được đầu tư kỹ lưỡng, với đa dạng danh mục sản phẩm và công nghệ trưng bày.
Những đại diện lớn của Việt Nam tại ProPak Vietnam 2019 năm nay gồm có: Đại Chính Quang, Mỹ Lan Group, NPC Vina, Phú Lộc, Thiên An Lộc, Song Song, VMS,…
Trong đó, hai đơn vị triển lãm lần đầu tham dự tại sự kiện ProPak mang đến các sản phẩm công nghệ mới lạ gồm: máy đóng thùng – khay carton tự động của Đại Chính Quang và dây chuyền sản xuất bánh kẹo, máy đóng gói bao bì của Thiên An Lộc.
Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm trưng bày như: đóng gói bao bì, đóng chai và đóng hộp thực phẩm – đồ uống; công nghệ chế biến và đóng gói dược – mỹ phẩm; máy móc và thiết bị in ấn cho đến các nguyên vật liệu và linh kiện đóng gói; công nghệ an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát chất lượng và quản lý rủi ro; công nghệ môi trường và xử lý chất thải khác.
Theo báo cáo của Hiệp hội In ấn Việt Nam (VPA), thị trường in ấn và đóng gói bao bì tại Việt Nam trong năm vừa qua đạt mức tăng trưởng 15% – 20%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngành đóng gói và in ấn chiếm 60% – 65% thị phần toàn ngành, với tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 15%.
Bên cạnh đó, các số liệu do Liên đoàn Kỹ thuật Đức (VDMA) cho thấy ngành công nghiệp đóng gói thực phẩm chế biến sẵn sẽ tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2015-2020. Điều này dẫn đến nhu cầu tất yếu về máy móc, vật liệu in ấn và đóng gói cũng sẽ gia tăng 25%.
Khảo sát sau ProPak Vietnam 2018 cho thấy có hơn 87% khách tham quan cho biết họ đang tìm mua máy móc và dịch vụ mới để nâng cao năng lực đầu tư trong 12 tháng tới.
GS-TSKH Lưu Duẩn – Hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) cho biết hiện nay, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Tuy nhiên, có một thực trạng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới hiện nay, đó là lãng phí và thất thoát lương thực, thực phẩm còn quá lớn.
Số lượng này chiếm 1/3 số thực phẩm được sản xuất. Dự báo năm 2019, thế giới sẽ có khoảng 2,1 tỉ tấn thực phẩm, trị giá khoảng 1.500 tỉ USD bị thất thoát, lãng phí”.
Vấn đề lãng phí và thất thoát lương thực, thực phẩm còn quá lớn nên cần phải nâng cao nhận thức cho người sử dụng, đồng thời nguyên liệu nông sản thô được thu hoạch phải được tận dụng tối đa và chế biến hiệu quả.
Bên cạnh doanh nghiệp trong nước, đáng chú ý là hai thương hiệu mới Illig Maschinenbau và Wolf Verpackungsmaschinen đến từ nhóm gian hàng quốc tế của Đức cung cấp máy đóng vỉ và niêm phong HSU 35 – Blister packaging Machine HSU 35, máy đóng gói bao bì EPS – Packaging Machine EPS.
Cung cấp dịch vụ robot tân tiến có thể kể đến ABB, đơn vị giới thiệu tính năng kết nối từ xa ABB AbilityTM Connected Services – giải pháp dịch vụ kỹ thuật số tinh vi.
Được thể hiện trực tiếp thông qua MyRobot – một giao diện đơn, trực quan của ABB, ABB AbilityTM Connected Services luôn cung cấp dữ liệu mang tính hành động ở bất cứ nơi đâu và tại bất cứ thời điểm nào, giúp tăng cường thời gian hoạt động và tối ưu hóa hiệu suất của các hệ thống robot.
Đây là một phần của hệ sinh thái 24/7 được kết nối với nhau, hay còn gọi là Internet kết nối vạn vật trong công nghiệp.
Với ABB AbilityTM Connected Services, khách hàng có thể giảm thiểu được 25% sự cố cũng như rút ngắn thời gian phản hồi và khắc phục vấn đề lên tới 60%.
Bên cạnh đó, ABB cũng mang đến triển lãm trạm ứng dụng bao gồm robot ABB IRB1200 và robot FlexPicker IRB360, một chuỗi ứng dụng giúp các nhà sản xuất có thể thực hiện thao tác chọn, nhặt, đóng gói, xếp hàng với độ linh hoạt cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng cũng như trong điều kiện chu kỳ sản phẩm trở nên ngắn hơn như hiện nay.