Đây là một hậu quả xấu không chỉ gây thất thoát một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước mà còn không đảm bảo tính minh bạch của thị trường.
Đứng trước bất hợp lý này, việc sắp xếp lại tình trạng sử dụng đất đai trở nên cấp bách. Theo số liệu của Cục Quản lý công sản, nếu nhìn vào hiện trạng sử dụng nhà đất, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, có thể thấy trong khi diện tích đất thuộc diện phải xử lý, sắp xếp lại lên tới hơn 2,1 tỉ m² thì diện tích thực thu hồi chỉ ở mức hơn 3,3 triệu m², một con số quá lớn được giữ lại để doanh nghiệp và các tổ chức tiếp tục sử dụng. Có thể nói thực chất hiệu quả xử lý, rà soát chuyển đổi đất công sản chưa thuyết phục.
Vậy mà chỉ với 0,5% quỹ đất phải sắp xếp lại trên đây, nguồn thu ngân sách đã lên tới hơn 24.000 tỉ đồng, trong đó riêng số thu từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trên 15.000 tỉ đồng. Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nguồn thu từ bán và chuyển mục đích sử dụng chỉ ba cơ sở nhà đất của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã đạt trên 1.809 tỉ đồng; còn Tổng công ty Lương thực miền Nam khoản thu này là hơn 700 tỉ đồng… Quả thật, nếu việc sắp xếp, giải quyết những bất hợp lý về nhà đất khu vực nhà nước được thi hành triệt để thì nguồn vốn từ đất đai sẽ lớn biết chừng nào.
Bộ Tài chính đã từng nêu đích danh nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn để tái cơ cấu và phát triển sản xuất kinh doanh nhưng vẫn cố giữ lại đất đai để làm tài sản. Bộ này cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để chống thất thu như cần đưa giá đất về sát với giá thị trường, thực hiện đấu giá đất, đồng thời giải pháp quan trọng vẫn là phải rà soát lại cơ chế ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vì với 1,5 tỉ m² đất các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý hiện nay thì riêng khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỉ m², bằng 80% diện tích. Nhưng hiện tại các đơn vị này vẫn đang sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp.
Minh Trí