Từ đầu năm đến nay, số lượng dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời ở Việt Nam tăng mạnh. Riêng tại Bình Thuận, tính tới tháng 7-2018 đã có 83 dự án điện mặt trời được đăng ký với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 124.600 tỉ đồng.
Tại Ninh Thuận, Sunseap International, công ty con thuộc Sunseap Group – nhà cung cấp năng lượng sạch hàng đầu của Singapore cũng mới ký thỏa thuận với InfraCo Asia Development Pte Ltd để cùng phát triển dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn với công suất 168 megawatt (mức cao nhất). Điện được tạo ra bởi nhà máy này dự kiến sẽ cung cấp cho 200.000 hộ gia đình ở Việt Nam.
- Xem thêm: Ưu thế của năng lượng mặt trời gia đình
Trong tháng 8 vừa qua, công ty năng lượng hàng đầu thế giới Thái Lan, B. Grimm Power đã công bố hai khoản đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Một là khoản đầu tư trị giá 35,2 triệu USD để mua 80% cổ phần trong dự án nhà máy điện mặt trời ở tỉnh ven biển Việt Nam của Phú Yên, với công suất lắp đặt là 257MW. Trước đó, Công ty B. Grimm Power ký thỏa thuận với Tập đoàn Xuân Cầu để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời ở Tây Ninh với tổng công suất 420MW, lớn nhất Đông Nam Á.
Theo Bộ Công thương, tổng quy mô các dự án điện mặt trời của cả nước đã và đang được xét duyệt hiện lên đến khoảng 19.000MW, trong đó có khoảng 86 dự án với tổng công suất 3.000MW đã được chấp thuận đầu tư. Các dự án này không chỉ thu hút được nguồn vốn tín dụng lớn từ các ngân hàng trong nước, mà còn đến từ nhiều định chế tài chính quốc tế lớn. Báo cáo Năng lượng năm 2017 cho biết Việt Nam đang chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo để duy trì sản xuất điện mà không làm tăng chi phí sản xuất khi nhu cầu ngày một cao. Mục tiêu của Chính phủ là đưa điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính trong tương lai.
Theo ông BT Tee – Tổng giám đốc Công ty UBM VES, Việt Nam là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. “Tại Việt Nam, nguồn năng lượng này chủ yếu được khai thác mạnh từ các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí tự nhiên… Tuy nhiên, nguồn năng lượng này đang dần cạn kiệt. Bởi vậy, phát triển năng lượng tái tạo là việc tất yếu ở Việt Nam”, ông Tee phân tích.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, mặc dù hiện nay giá điện ở Việt Nam thấp, chi phí đầu tư cho các dự án điện tái tạo lại cao, lợi nhuận trước mắt của các nhà đầu tư sẽ là một vấn đề. Song nếu nhìn tổng thể trong dài hạn, về cung cầu và xu hướng, thị trường năng lượng tái tạo chắc chắn vẫn sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư.
Để đáp ứng được nhu cầu phát triển, ngành năng lượng cần có những bước cải tiến mạnh mẽ về công nghệ và kỹ thuật, cập nhật thêm nhiều kiến thức mới, tăng cường các giải pháp đặc thù. Tại triển lãm Electric & Power Vietnam 2018 (Triển lãm quốc tế về công nghệ, giải pháp điều phối, truyền tải điện và năng lượng tái tạo Việt Nam) diễn ra vào ngày 12 đến 14-9-2018 tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh, các diễn đàn khoa học và công nghệ xoay quanh các giải pháp để khuyến khích và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam thu hút được sự quan tâm đáng kể.
Triển lãm thu hút hơn 180 đơn vị đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với những tên tuổi lớn trong ngành năng lượng như: 3M, Aksa Power Generation, Fuji CAC, Haintec… Con số trên thể hiện phần nào sức nóng của việc bùng nổ đầu tư vào các dự án điện mặt trời trên cả nước kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với nhiều cơ chế khuyến khích phát triển ngành.