Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một doanh nghiệp siêu nhỏ, trung bình tiếp bốn đoàn kiểm tra/năm. Trong khi đó, một doanh nghiệp vừa, tiếp khoảng 10 đoàn/năm. Tần suất kiểm tra dày đặc, nội dung kiểm tra chồng chéo đang là một rào cản làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, ban hành ngày 16-5-2016, của Chính phủ nêu rõ nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra DN không được quá một lần/năm.Điều này là cần nhưng chưa đủ để thay đổi tình trạng thanh, kiểm tra DN hiện nay.
Trong thực tế, ngày càng có nhiều đoàn thanh, kiểm tra của rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước, liên quan đến thuế, tiền lương, bảo hiểm (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội), an toàn lao động, an toàn thực phẩm, môi trường, phòng cháy chữa cháy, công tác khám chữa bệnh của sở y tế… Ở mỗi một tỉnh, thành phố đều có các ban quản lý khu công nghiệp vận hành theo cơ chế “một cửa” tạo điều kiện cho DN làm việc, nhưng thực tế đó cũng là một đơn vị thường xuyên đến kiểm tra DN. Các DN FDI còn phải tiếp thêm các đoàn thanh, kiểm tra lao động nước ngoài đến từ ngành công an.
Mục tiêu của các lần thanh, kiểm tra đều rõ ràng, nhưng các kết luận của các đoàn kiểm tra phụ thuộc nhiều vào “thái độ” của DN. Doanh nghiệp trong nước thấy được mục đích tiềm ẩn của thanh, kiểm tra, nên thường tìm “cơ chế giải quyết nhanh”. Các DN nước ngoài không muốn theo cách làm của các DN trong nước, nên thời gian thanh, kiểm tra bị kéo dài. Ở một số địa phương, DN nước ngoài cũng bị đối xử tệ như DN trong nước.
Có thể nêu ra đây một dẫn chứng cụ thể. Trong 10 năm kinh doanh tại VN, ông Thomas B. Paedersen, Giám đốc Mascot Việt Nam, công ty 100% vốn nước ngoài của Đan Mạch đóng tại Hải Dương, đã chứng kiến những thay đổi chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như môi trường kinh doanh. Những thay đổi về môi trường kinh doanh gần đây không gây nhiều xáo trộn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, bởi đã có riêng một bộ phận chuyên theo dõi sát việc ban hành các văn bản pháp luật có liên quan ngay khi đang dự thảo để lên kế hoạch thay đổi phù hợp.
Điều khiến ông Paedersen ngạc nhiên và khó chịu là những cuộc thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước so với năm năm trước, giờ đây ngày càng nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay, Mascot Việt Nam đã tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra, trong đó về phòng cháy chữa cháy là bốn cuộc; an toàn thực phẩm hai cuộc, môi trường, hải quan, thuế… và các đơn vị này đều có các văn bản của nhà nước về quyền được thanh, kiểm tra DN. Ông cho hay: “Mỗi một lần đoàn thanh tra đến, dù là thanh tra thuế hay thanh tra lao động, họ đều làm việc rất lâu, tới 3-4 tuần liên tiếp”.
Ông nói: “Bạn cứ tưởng tượng đoàn kiểm tra một nhóm bốn người, đến DN làm việc khoảng 8 tiếng/ngày, liên tục trong suốt 32 ngày trừ nghỉ cuối tuần. Thời gian, nguồn lực của các DN dành để đáp ứng những chuyến thanh tra như thế rất tốn kém”.
Kinh doanh nhiều năm, vị giám đốc Mascot Việt Nam thừa hiểu các cơ quan quản lý nhà nước có quyền và nghĩa vụ thanh, kiểm tra các hoạt động của DN.Tuy nhiên, khi có quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra và làm việc trong thời gian quá dài cũng gây lên gánh nặng cho DN.“Ở DN, ai cũng có công có việc, chúng tôi không dư người chuyên trách đón tiếp nhiều đoàn thanh tra như vậy”, ông nói thêm.
Việt Nam không phải là nước duy nhất có những quy định nghiêm khắc về lao động, nhìn trên giấy tờ, những quy định thanh, kiểm tra hằng năm là bình thường và thỏa đáng. Thế nhưng ở các nước số lần và thời gian thanh tra ít hơn rất nhiều, thường chỉ diễn ra trong một buổi với điều kiện hồ sơ, chứng từ của DN được chuẩn bị chu đáo. Trong khi ở Việt Nam nhanh nhất là ba ngày và thời gian hoàn tất hồ sơ, ra kết luận là sáu tháng.
Trước tần suất thanh, kiểm tra các DN vẫn tăng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng yêu cầu Thủ tướng Chính phủ nêu ra về cải thiện môi trường kinh doanh, về một Nhà nước phục vụ, Nhà nước kiến tạo vẫn chưa thấm được tới các bộ ngành trung ương và địa phương. Việc các cuộc thanh tra kiểm tra nhiều khía cạnh của DN phải rất lâu mới có kết luận đã đi ngược lại yêu cầu tạo công ăn việc làm, tạo môi trường làm việc tốt trong các DN.Những thực tế này càng khiến DN thêm khó khăn.
Theo bà thời gian giảm số ngày nộp thuế của DN không có nhiều ý nghĩa trong khi vấn đề vô cùng quan trọng là chuyện quấy nhiễu DN về thuế và phí vẫn diễn ra chiếm một tỷ lệ rất cao trong tổng thu nhập của DN. Trong chừng mực Nhà nước chưa quan tâm một cách đầy đủ đến việc cắt những chi phí không hợp lý hoặc giảm các khoản thuế không hợp lý.
Xu hướng quấy nhiễu DN vẫn tiếp tục diễn ra.Theo bà Phạm Chi Lan việc thể hiện quyền lực để kiếm chác lợi ích vật chất vẫn còn là động lực lớn của bộ máy quản lý nhà nước hiện nay.Bà quả quyết “phải có một kỷ luật nghiêm hơn nữa” đối với bộ máy các cấp. Tới đây, Chính phủ nên tập trung cải cách con người và bộ máy quản lý của mình.
Nghị quyết số 35 cũng nêu rõ: “Kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho DN”. Nhưng để việc xử lý mang lại tích cực phải từ hai phía. Một mặt, DN bị “hành” phải mạnh dạn lên tiếng, các DN cùng ngành hàng, cùng vùng miền phải có tiếng nói chung về những hành vi sai trái trong quá trình thanh kiểm tra. Mặt khác, những cơ quan cử thanh tra làm việc với DN phải chịu trách nhiệm về việc gây thiệt hại cho DN.