Dù đang trong thời kỳ thị trường tăng trưởng nhanh, năm 2018 vẫn là giai đoạn có nhiều khó khăn với các doanh nghiệp dược trong nước. Theo công bố kết quả kinh doanh cuối năm, hàng loạt doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam như Dược Hậu Giang, Dược Lâm Đồng, Traphaco, Imexpharm, Domesco, CVI Pharma… đều không đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra trước đó. Bước sang năm 2019, một số công ty dược đã có bước đi táo bạo để đối mặt với thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.
Cạnh tranh tăng, lợi nhuận giảm
Theo ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT của CVI Pharma, sự thay đổi liên tục trong chính sách đấu thầu thời gian qua khiến các dự báo về kinh doanh trở nên khó đoán định. Nhiều công ty dược phải thay đổi định hướng kinh doanh, chuyển hướng đấu thầu, kê đơn trong bệnh viện (kênh ETC) sang thị trường kênh nhà thuốc (OTC), khiến cạnh tranh trên thị trường OTC vốn đã rất gay gắt càng trở nên khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng việc sụt giảm biên lợi nhuận của các hãng dược Việt còn đến từ việc bị phụ thuộc vào nguồn tá dược (API – Active Pharmaceutical Ingredients) từ Trung Quốc (TQ) thời gian qua. Sản xuất API – nguyên liệu chính để sản xuất thuốc viên nén, viên nang và thuốc tiêm – tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Do đó doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu khoảng 60 – 70% API từ TQ. Cho đến năm 2018, khi chính phủ Bắc Kinh đóng cửa hàng loạt các nhà máy sản xuất API gây ô nhiễm môi trường thì giá API nhập khẩu từ TQ đã tăng từ 15 – 80%.
Với mức độ cạnh tranh của thuốc ngoại nhập hiện nay, các công ty dược không thể tăng giá bán, vì vậy mà biên lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp sụt giảm đáng kể. Cập nhật đến cuối năm 2018, tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp lớn trong ngành trung bình giảm từ 1 – 2%. Thậm chí, Domesco giảm đến 4,4% biên lãi gộp, từ mức 39,9% (năm 2017) về mức 35,5% cuối 2018. Imexpharm và Dược Lâm Đồng cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh với mức xấp xỉ 1% biên.
Những ngày sắp tới tình hình cũng chưa sáng sủa hơn, trong báo cáo mới nhất Công ty chứng khoán KIS Việt Nam dự báo tất cả các công ty dược trong nước lâu nay sử dụng API giá thấp từ TQ sẽ còn giảm lợi nhuận trong thời gian dài, lý do vì nguồn API thay thế từ Ấn Độ và các quốc gia khác có giá bán và cước vận chuyển không rẻ bằng TQ. Đồng thời, nguyên liệu đầu vào từ châu Âu hoặc Mỹ có thể đắt hơn do căng thẳng chiến tranh thương mại và biến động tỷ giá hối đoái. Ngược lại, các nhà sản xuất dược chất lượng cao với nguồn đầu vào từ đối tác nước ngoài, sẽ bị ảnh hưởng ít hơn và có cơ hội để gia tăng thị phần. Như vậy, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội với các hãng dược nước ngoài có nguy cơ bị giảm sút.
Chuyển hướng từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững
Khi nhận thức của người tiêu dùng càng cao, mức độ cạnh tranh trên thị trường càng lớn thì bài toán cân đối giữa hiệu quả kinh doanh và yếu tố chuyên môn ở các công ty dược nội địa ngày càng phức tạp. Dù chi tiêu thuốc trên đầu người tại Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,8%/năm trong giai đoạn 2018-2027 (theo Công ty nghiên cứu thị trường BMI), hầu hết các thương hiệu dược hàng đầu phải ưu tiên phát triển bền vững hơn là phát triển nhanh, phát triển nóng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp tiếp tục đứng vững trong thời gian này đều đã thực hiện tốt việc tối ưu hóa và xây dựng được quy trình chặt chẽ trong quản trị nội bộ, hoạt động marketing, quản trị hệ thống sales… từ trước đó. Về chuyên môn, theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược thì các doanh nghiệp dược trong nước đã sản xuất được hầu hết các dạng thuốc. “Nhiều nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chuyển giao công nghệ sản xuất các thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế hiện đại”, ông Tuấn Cường cho biết.
Chiều ngày 28-2-2019, Taisho Holdings thông báo dự chi 3.400 tỉ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu Dược Hậu Giang (DHG). Tính đến thời điểm này, tập đoàn này đã sở hữu 34,99% vốn điều lệ DHG. Nếu không có gì thay đổi, thương vụ chào mua thêm 21,7% cổ phần hoàn tất trong tháng 4-2019 sẽ biến Taisho thành cổ đông lớn nhất của DHG. Nhờ hợp tác với Taisho, cuối năm 2018, nhà máy DHG được công nhận đạt tiêu chuẩn PIC/s-GMP sau khi đã đạt tiêu chuẩn GMP Nhật Bản (PMDA) và EU-GMP (châu Âu). Tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế Nhật Bản cấp giấy chứng nhận GMP Nhật Bản (PMDA) cho dây chuyền viên nén Non Betalactam của công ty này. Những chứng nhận trên sẽ giúp sản phẩm của DHG có thể xuất khẩu sang Nhật Bản và tất cả các nước Đông Nam Á, đồng thời thêm cơ hội vào được các bệnh viện trong nước với gói thầu giá trị cao.
Bên cạnh Dược Hậu Giang, hai doanh nghiệp dược nội địa gây nhiều chú ý trong thời gian này là Traphaco và CVI. Nếu Traphaco – doanh nghiệp hàng đầu trong mảng Đông dược Việt Nam gây chú ý vì bước đầu tư mạnh mẽ vào mảng tân dược thì CVI với thế mạnh là tân dược, giờ lại tập trung nhiều hơn vào sản xuất thuốc Đông dược. Trong năm 2018 Traphaco đưa vào vận hành nhà máy tân dược tại Hưng Yên với công suất 1,2 tỉ đơn vị sản phẩm/năm. Còn CVI hiện đang hoàn thiện nhà máy mới tại khu công nghệ cao Hòa Lạc nhằm đạt mục tiêu nâng tỷ lệ thuốc Đông dược lên 30% trong năm 2019 và tiến tới mức 50% trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT của CVI Pharma cho biết với sự dịch chuyển này, danh mục sản phẩm của CVI sẽ chuyển từ những sản phẩm có tính bảo hộ thị trường thấp như thực phẩm chức năng sang những sản phẩm có tính bảo hộ cao hơn như Đông dược.
Ông Phan Văn Hiệu cũng cho rằng Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA và CPTPP mang đến cả cơ hội và thách thức cho thị trường dược nói chung. Với hiệp định này, cơ hội thị trường rộng mở hơn, các điều kiện gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài được nới rộng hơn làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường. EVFTA và CPTPP sẽ giúp sàng lọc những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp không đủ nguồn lực. Đặc biệt trong năm 2019, hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao.