Hiện nay, tiêu dùng tư nhân chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm nội địa trong cả nước. Nên việc tìm hiểu xu hướng tiêu dùng cá nhân là yếu tố quan trọng để kích cầu tiêu dùng nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và tạo điều kiện cho việc làm ăn của doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, thông tin về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng – CCI được Ngân hàng ANZ phối hợp với Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Roy Morgan (Úc) đưa ra tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng ngày 11-7 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến CCI
Hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều quan tâm đến Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng – CCI. Các nhà kinh tế xem đó là thước đo “sức khỏe” nền kinh tế còn doanh nghiệp Việt Nam lại khá thờơ. Trên thực tế, đây là một chỉ số kinh tế – xã hội quan trọng của Việt Nam, không chỉ giúp cho công tác xây dựng và điều hành kinh tế vĩ mô mà còn góp phần điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao dựa trên xu hướng tiêu dùng nội địa…
Theo ông Glenn Maguire, Kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ANZ, niềm tin tiêu dùng phản ánh thái độ và phản ứng của người tiêu dùng đối với các biến động của nền kinh tế tác động trực tiếp lên thu nhập cá nhân, giá cả hàng hóa… Khi người tiêu dùng tỏ ra lạc quan hơn đối với thực trạng nền kinh tế và thu nhập cá nhân thì họ sẽ mạnh dạn chi tiêu hơn.
Theo thang điểm của Tập đoàn Roy Morgan, biểu đồ CCI dưới 100 điểm được xem là “điểm xấu”. Lúc này, người dân thành thị đang có xu hướng điều chỉnh lại ngân sách và kế hoạch chi tiêu. Hầu hết mọi người đều dành dụm và chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như nhu yếu phẩm, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm cơ bản, hạn chế tối đa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, các mặt hàng xa xỉ. Các bà nội trợ sẽ ít đi siêu thị hơn hoặc chuyển thói quen mua sắm từ truyền thống sang các kênh thương mại hiện đại để có thể lựa chọn những dòng sản phẩm tốt nhất ở mức giá cạnh tranh.
Thật may, theo chỉ số CCI này thì từ đầu năm đến nay Việt Nam đều trên mức 100, cho thấy xu hướng “sẵn sàng tiêu tiền” của người dân thành thị (chỉ số 128). Chỉ số này được khảo sát trên bảy tỉnh, thành phố chính của Việt Nam với độ tuổi từ 14 trở lên (độ tuổi có thể làm thêm và có thu nhập riêng tại Úc), mang lại cái nhìn tổng quát về sự khác nhau trong tâm lý và xu hướng tiêu dùng giữa những thành phố lớn, nhỏ. Đặc biệt, vào thời điểm tháng 4 và tháng 5, chỉ số CCI có sụt giảm đôi chút (mức 120) do tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Trên thực tế, tại các ngân hàng và sàn chứng khoán thì hiệu ứng này cũng đang diễn ra với vàng, ngoại tệ và chỉ số VN-Index. Nhưng đến tháng 6, dù tình hình Biển Đông chưa có dấu hiệu cải thiện nhưng với sựủng hộ từ cộng đồng quốc tế thì chỉ số CCI Việt Nam đã tăng trở lại, đạt 131 điểm (tăng 7,7 điểm so với tháng trước).
Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam cho biết: “Việt Nam có lợi thế dân số trẻ và là nước đông dân đứng thứ tư châu Á. Tiền lương trung bình đã vượt mốc 5 USD/ngày từ năm 2010, là khởi đầu cho năng lực tiêu dùng phổ biến trong nền kinh tế. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng từ 1.200 USD/năm lên khoảng 3.000 USD/năm. Đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc tiêu dùng cá nhân. Tầng lớp tiêu dùng ở Việt Nam hiện khoảng 17 triệu người, dự đoán sẽ tăng lên 32 triệu vào cuối thập niên này. Theo đó, ngày càng nhiều người gia tăng chi tiêu trong những ngành then chốt như ngành hàng gia dụng, hàng tiêu dùng, vận tải và phương tiện đi lại cũng như các dịch vụ tài chính.
Các siêu thị có thể tận dụng chỉ số CCI để tăng đầu tư
Nắm bắt niềm tin tiêu dùng để đầu tư
Trong nửa đầu năm 2014, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam luôn giữở mức trên trung bình, đặc biệt là chỉ số 131 vào tháng 6. Đây là một trong những nhân tố giúp các nhà bán lẻ nước ngoài tự tin hơn khi gia nhập thị trường Việt Nam.
Năm nay là năm Việt Nam trở thành nơi đón đầu các tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ, khởi đầu là sự xuất hiện và mở rộng thị phần của các nhà bán lẻ khổng lồ như AEON Mall, McDonald’s, Baskin Robbins, Starbuck… Đầu tháng 7 này, Tập đoàn Mapletree (Singapore) đã khởi động cho chiến lược phát triển mạnh mẽ vào năm sau. Trung tâm thương mại SC VivoCity (do Mapletree liên doanh với Saigon Co.op) đến năm sau mới hoàn thành nhưng nay đã có cam kết thuê hơn 50% mặt bằng, tương đương 21.270m2 sàn thương mại. Trong số 13 nhà bán lẻ thuê mặt bằng của SC VivoCity, có chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Hàn Quốc CGV, Starbucks, MOF, BreadTalk, ThaiExpress, Pepper Lunch và Shabu Ya… đã có những ký kết chính thức.
Trung tâm mua sắm Robins – được quản lý dưới mô hình kinh doanh của Robins Department Store Pcl, thành viên của Tập đoàn Central (Thái Lan), cũng đã có kế hoạch “Nam tiến” vào cuối năm. Sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Royal City, Hà Nội, Robins hiện đã thuê bốn tầng lầu với diện tích hơn 10.000m2 tại Crescent Mall (thuộc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng).
Các nhà bán lẻ nước ngoài đã tận dụng rất nhanh chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thế chủ động trên sân nhà ngay trong thời điểm này?
Một phần trong khảo sát CCI, cuộc khảo sát về nhu cầu mua sắm của “tầng lớp tiêu dùng” Việt Nam trong 12 tháng tới cũng rất đáng chú ý. Số người dự định mua xe máy là 98%, xe đạp là 64,4% và ôtô là 1,5%. Trong vòng một năm tới, có 99% người dự định mua tivi, 94% dự định mua tủ lạnh, 90% dự định mua điện thoại, 57% dự định mua máy tính (máy tính bàn lẫn laptop), 17% dự định mua máy tính bảng, 33,3% dự định mua tài khoản ngân hàng, 1,2% dự định vay tiền mua bất động sản, 0,6% dự định các khoản vay khác. Tuy có sự chênh lệch giữa số người “dự định mua” và số tiêu dùng thực tế nhưng đây cũng là chỉ số hữu ích cho các doanh nghiệp để điều tra và nghiên cứu cho những đầu tư mới hoặc đầu tư chiều sâu.
Cũng theo ông Glenn Maguire, hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có phản ứng nhanh nhạy hơn trước diễn biến trên thị trường chứng khoán, vàng hay ngoại tệ trước tình hình chính trị so với các thành phố khác. Nữ giới nhạy cảm hơn trong việc tiêu dùng còn nếu xét về phân bổ thu nhập thì những người giàu cũng có tâm lý “nhạy” hơn trước tác động có ảnh hưởng đến khối tài sản của họ…, nhưng đây cũng là đối tượng có niềm tin giảm sút nhanh và cũng phục hồi nhanh trước những diễn biến do nhạy cảm với thời thế. Vì thế, xét về góc độ của các nhà quản lý xã hội thì các chỉ số này cũng rất cần thiết để đo lường tâm lý người tiêu dùng trong nước trước khi đưa ra những quyết sách. Bởi từ kinh nghiệm của hơn 70 năm hoạt động trong lĩnh vực này, Tập đoàn Roy Morgan cho biết những ảnh hưởng xấu về kinh tế được khắc phục nhanh hơn nhiều so với tình hình chính trị. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời bỏ thị trường hoặc ít nhất tâm lý dè dặt cũng khiến họ chùn bước khoảng năm năm. Điều này dẫn đến nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nội địa cho bất cứ quốc gia nào đang cần nguồn đầu tư FDI.
Xuân Lộc