Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến thị trường tranh Việt đã được đặt ra trong cuộc tọa đàm “Chờ ai lưu giữ văn hóa Việt Nam qua tranh mỹ thuật, nếu đó không phải là người Việt” do Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Mỹ thuật đương đại – gallery Không Gian Xanh tổ chức vào đầu tháng 12 tại Câu lạc bộ Xanh (Lagi – Bình Thuận).
Đề tài của cuộc tọa đàm thật ra không mới, nhưng trong thời điểm hiện nay, khi mà thị trường tranh Việt đang gặp nhiều khó khăn ở “đầu ra”, thì những người trong cuộc – từ nhà quản lý hội chuyên ngành, các họa sĩ, chủ gallery, đến các nhà lý luận phê bình, giới truyền thông, báo chí – đã có nhiều ý kiến chung quanh việc kích cầu thị trường tranh Việt.
Đã có chưa thị trường tranh Việt?
Theo họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh thì: “Mỹ thuật Việt Nam từ sau khi đất nước đổi mới mở cửa đã có sự phát triển về nhiều mặt, nhưng với giới hoạt động chuyên môn chúng tôi như thế vẫn chưa đủ mạnh. Phải làm sao để mỹ thuật Việt Nam nói chung, mỹ thuật TP.HCM nói riêng có được ảnh hưởng rộng hơn cũng như có vai trò quan trọng hơn trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”. Muốn như thế, trước hết “phải thắng trên sân nhà”, tức phải có thị thường tranh Việt thực chất.
Chỉ có thị trường tranh Việt Nam đúng nghĩa khi người Việt mua tranh Việt trước tiên. Ở các nước gần chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…, thị trường tranh đã có từ lâu, gần đây là trường hợp của Indonesia: tranh của các tác giả thuộc thời kỳ đầu hội họa Indonesia hiện đại có giá rất cao tại các sàn đấu giá quốc tế, thậm chí có họa sĩ trẻở Indonesia giá tranh đã lên tới con số triệu USD – điều đó có được trước hết là nhờ công của các nhà sưu tập bản xứ.
Do tình trạng thị trường tranh trong nước như thế nên xứ ta hầu như cũng chưa có giới sưu tập chuyên nghiệp; nếu có thì cũng rất ít, và có người mua tranh thuần cảm tính, do quen biết hay thân thuộc với vài tác giả nào đó chứ chưa có những đầu tư bài bản, sưu tập có hệ thống, có nghiên cứu xu hướng phát triển của mỹ thuật Việt Nam, khu vực hay thế giới…
Mạnh thường quân của mỹ thuật Việt Nam
Nhà nghiên cứu – phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng cho rằng “mạnh thường quân lớn nhất của mỹ thuật Việt Nam trước hết phải là Nhà nước Việt Nam chứ không ai khác”. Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành phát triển thị trường tranh, thể hiện qua những chính sách hết sức cụ thể, những quyết sách mạnh mẽ. Chẳng hạn ở nước ngoài, có những quỹ dành riêng cho văn hóa, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp vào các quỹ đó và sẽ được hưởng các hình thức miễn giảm thuế… Ở Malaysia, năm ngoái Bộ Du lịch nước này đã đưa mỹ thuật trở thành một kênh quan trọng trong phát triển ngành du lịch. Các hội chợ mỹ thuật (art fair) được tổ chức cùng với những đợt du lịch trọng điểm, là cơ hội cho du khách cả trong nước lẫn nước ngoài dự các sinh hoạt mỹ thuật lớn, xem và mua tranh… Trong khi các hội chợ mỹ thuật được tổ chức thường xuyên tại nhiều nước Đông Nam Á (đặc biệt là Malaysia, Singapore, Indonesia với những art fair quy tụ rất nhiều nhà sưu tập cũng như gallery quốc tế, có cả các gallery đến từ Việt Nam) như một cách để kích thích và mở rộng thị trường mỹ thuật thì đáng ngạc nhiên là chúng ta lại bỏ trống sân chơi này dù đã mở cửa, đổi mới hơn hai thập niên, trong khi đây là một giải pháp không khó thực hiện để gỡ thế bí cho thị trường tranh Việt.
Ngay hệ thống bảo tàng của chúng ta hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Một bảo tàng tầm cỡ quốc gia như Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh còn thấp hơn cấp… phòng của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố thì làm sao có đủ lực, đủ ngân sách để trở thành một nơi lưu giữ và trưng bày tác phẩm có uy tín quốc tế được. Mới đây, thông tin từ cuộc hội nghị – hội thảo về mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long cho biết 13 tỉnh thành ở khu vực này với dân số xấp xỉ 20 triệu người mà hoàn toàn không có một phòng tranh hay gallery nào, cho dù chỉ để bán loại “tranh du lịch”, tranh lưu niệm…
Những ý kiến, nhận định như trên của các nhà lý luận – phê bình và các họa sĩ tại cuộc tọa đàm khiến giới truyền thông phải “giật mình” trước những “kỷ lục” như thế!
Bảo vệ thương hiệu gallery nghệ thuật
Tại cuộc tọa đàm, bà Huỳnh Nga – chủ nhân gallery Không Gian Xanh đã nói lên một thực trạng đáng buồn: thị trường tranh Việt đã và đang mất uy tín trong giới sưu tập và khách mua tranh quốc tế bởi nạn tranh giả, tranh chép, tranh nhái tràn lan. Tại TP. Hồ Chí Minh, nơi chuyên bán tranh chép cũng “vô tư” trương bảng art gallery, chính tình trạng đánh đồng hoạt động gallery như thế cũng làm cho thị trường tranh vốn đã yếu lại càng lâm vào cảnh bế tắc vì khách nước ngoài hoang mang không biết đâu là thật, giả. Bà Nga cũng đưa ra một vài giải pháp để chấn chỉnh hoạt động gallery hiện nay như một biện pháp bảo vệ thương hiệu tranh Việt và cũng để tìm lại uy tín cho thị trường tranh trong nước. Chung quanh chủ đề của tọa đàm – người Việt mua tranh Việt – bà Huỳnh Nga bày tỏ: “Tôi không tin các đại gia ở nước ta hoàn toàn không hiểu biết gì về mỹ thuật, nhưng có thể do họ chưa thật sự quan tâm đến lĩnh vực này. Và như vậy, cần mở rộng thông tin về mỹ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cần có những bài viết hay, phù hợp, bổ ích để lôi kéo người đọc, hy vọng “mưa dầm thấm lâu” sẽ giúp thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nhân để họ coi tác phẩm mỹ thuật cũng là một kênh đầu tư xứng đáng cả về mặt tài chính và tinh thần”.
- Ngân An