Kỷ niệm 10 năm ngày họa sĩ Bửu Chỉ qua đời (14-12-2002 đến 14-12-2012), một phòng tranh tưởng niệm một tài năng hội họa xứ Huế đã được tổ chức tại số 26 Lê Lợi, TP. Huế (từ 14-12 đến 21-12-2012).
Phòng tranh do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên – Huế và gia đình cố họa sĩ Bửu Chỉ cùng phối hợp thực hiện, giới thiệu nhiều sáng tác chưa từng được biết đến của ông.
Cách đây tròn mười năm, một trong những ngôi sao sáng nhất của hội họa xứ Huế đã đột ngột từ trần ở tuổi 54, để lại một sự nghiệp hội họa lừng lẫy. Cho tới ngày Bửu Chỉ rời bỏ cõi trần, tranh của ông phần lớn đã được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân cũng như một số bảo tàng; đáng kể nhất là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật Singapore (SAM). Những gì còn lại của ông mà một số được trưng bày lần này, gồm 37 tác phẩm trong đó có 25 tranh sơn dầu trên bố và 12 tranh mực nho trên giấy, hầu hết là những tác phẩm lần đầu tiên công bố, nhiều tác phẩm ông chưa kịp đặt tên. Mảng tranh mực nho đã gây nhiều bất ngờ thú vị cho người xem, bởi cách tạo hình căng tròn của hình tượng, tối giản hóa về mảng, khác lạ với phong cách Bửu Chỉ lâu nay.
Khởi đi từ bức tranh đầu tiên vẽ chân dung Rembrandt bằng bút sắt vào giai đoạn 1964-1965, kế đó là dòng tranh bút sắt đầy chất biểu hiện, biểu cảm của đường nét thời kỳ đấu tranh của sinh viên đô thị Huế cho đến dòng tranh mực nho, sơn dầu sau này, tranh Bửu Chỉ đầy chất triết lý và nghiệm sinh về thân phận con người trong mê lộ không – thời gian.
Không một ngày đến trường mỹ thuật, Bửu Chỉ tự học hội họa, nhưng nhờ kiến văn sâu sắc và tính cách luôn dấn thân, phản kháng, Bửu Chỉ đã tự tạo cho mình một địa hạt hội họa riêng, có lẽ là độc đáo nhất của hội họa Huế. Với Bửu Chỉ, hội họa là cuộc sống và cuộc sống chính là hội họa và khi cần thiết, nó chính là khí cụ sắc nhọn công phá sự tù đọng, áp bức, giả tạo.
– Họa sĩ Bửu Chỉ sinh năm 1948 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Luật Huế.
– Từ 1972-1975, bị chính quyền Sài Gòn bắt giam vì tham gia phong trào phản chiến của sinh viên học sinh miền Nam.
– Đã có nhiều triển lãm cá nhân trong nước và nước ngoài (Pháp – 1988, Hongkong – 1994); có tranh trong sưu tập cá nhân ở nhiều nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
– Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân viết: “Ở đồ họa cũng như hội họa, Bửu Chỉ bao giờ cũng sâu sắc, thông minh. Và nếu tôi định nói về sắc thái hội họa nổi bật của anh là nói trí tuệ, thì tôi còn phải thêm rằng, cái trí tuệ này biểu lộở hai mặt: khi quay về tư tưởng khoa học, khi quay về trí khôn dân gian…”.
- Võ Xuân Huy