Di dân và cư trú bất hợp pháp là vấn đề nhức đầu không chỉ của chính phủ mà cả người dân Mỹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra xung đột giữa Tổng thống và Quốc hội về vấn đề ngân sách. Tuần trước chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa hai ngày vì cạn ngân quỹ – trong đó chi phí cho người nhập lậu và cư trú bất hợp pháp là một tác nhân.
Bức tranh màu xám
Theo báo cáo của Liên đoàn Cải tổ Di trú Mỹ (Federation for American Immigration Reform – FAIR) công bố cách đây ba tháng, tổng số phí tổn mà 12,5 triệu di dân lậu đã “ăn” vào công quỹ nước này là 135 tỉ USD một năm, đó là tiền của ngân sách do người dân đóng thuế.
Cũng theo FAIR, tốn kém cho di dân lậu được chia ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống mà chủ yếu gồm 46 tỉ USD cho giáo dục mà chính quyền cung cấp miễn phí cho người di dân lậu hoặc con cái họ, 23 tỉ USD cho ngành cảnh sát để phải giải quyết những rắc rối do di dân lậu phạm pháp gây ra, 9 tỉ USD tiền phúc lợi xã hội (welfare) như tem phiếu thực phẩm và các khoản phúc lợi khác, 29 tỉ USD chi phí săn sóc sức khỏe và chữa bệnh.
Đa phần những chi phí ấy đều trích từ ngân sách chính phủ bang và thành phố, có nghĩa là người dân Mỹ phải gánh những phí tổn này khi họ đóng thuế trường học, thuế cầu đường, thuế mua hàng, thuế dịch vụ…
Điều đó cũng đồng nghĩa khi nhà chức trách bang hỗ trợ tài chính và đời sống cho di dân lậu, cùng lúc che chở họ khỏi bị giới chức di trú liên bang ruồng bắt để trục xuất, thì những công dân Mỹ chấp hành luật pháp phải nai lưng ra gánh lấy những hậu quả về mặt tài chính.
Không kể California – ở sát biên giới phía nam, là nơi có chủ trương bảo vệ người di dân bất hợp pháp – các bang khác như New York, New Jersey, Maryland, Illinois và Virginia tuy cách xa biên giới nhưng vẫn là những điểm đến được thành phần này ưa thích vì dễ xin welfare, ngay cả cho những người vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ.
Một vài bang chủ trương để ngỏ biên giới cho di dân lậu vì cho rằng sự có mặt của tầng lớp này đem lại những lợi lộc tích cực cho nền kinh tế Mỹ qua tiêu xài và mua sắm hàng hóa, cũng như bổ sung nguồn lao động giá rẻ cho các công việc giản đơn. Thật ra, theo FAIR, số tiền này chỉ vào khoảng 19 tỉ USD mỗi năm. Đánh giá này có vẻ lạc quan vì cao hơn con số công bố của nhiều bản nghiên cứu khác.
California, Illinois và Maryland thậm chí còn cho phép di dân lậu được thi lấy bằng lái xe và cả bỏ phiếu trong một số cuộc bầu cử địa phương. Điều đáng nói là trong khi giới chức an ninh kiểm tra gắt gao biên giới thì không ít địa phương lại công khai thừa nhận che chở di dân lậu.
Báo cáo của FAIR cho thấy trong danh sách các bang chi phí nhiều nhất cho di dân lậu thì California đứng đầu với hơn 23 tỉ USD/năm, chiếm 18% ngân sách bang; thứ hai là Texas (10,99 tỉ USD/năm, chiếm 10% ngân sách), tiếp theo là New York (7,49 tỉ USD/năm, chiếm 4,69% ngân sách), Florida (6,29 tỉ USD/năm, chiếm 7,6% ngân sách)…
Tốn kém mà nước Mỹ phải bỏ ra về tệ nạn di dân lậu lại càng lớn hơn do sự kiện người di dân lậu nào cũng lo gói ghém gửi về cho quốc gia gốc của họ. Theo FAIR thì số tiền họ gửi về tương đương 20% tổng số lợi tức của cả gia đình di dân lậu, tương đương 7.200 USD/một gia đình/một năm. Số tiền này không được dùng để chi tiêu trong nước Mỹ, nên chính quyền các bang và thành phố cũng không thu được tiền thuế trên các khoản này.
Biên giới vẫn tiếp tục bị phá vỡ. Và người ta sợ rằng, số di dân lậu tạm lắng xuống trong năm 2017, có thể lại tăng gấp đôi trong năm 2018 vì tình trạng suy thoái kinh tế được tiên đoán sẽ xảy ra trong các quốc gia Nam Mỹ.
Thế nào là nhập cư bất hợp pháp?
Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, di dân bất hợp pháp là người sinh ra tại nước ngoài, không phải công dân Mỹ nhưng đang cư trú không có giấy tờ hợp pháp tại quốc gia này. Phần lớn di dân bất hợp pháp đã nhập cư lậu vào Mỹ hoặc đã được chấp nhận vào tạm thời nhưng vẫn ở lại Mỹ sau khi đã hết hạn lưu trú. Gần một nửa trong gần 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ đã ở lại theo cách thứ hai này.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew cách đây mấy năm cho biết trong số hơn 40 triệu người nhập cư đang sinh sống tại Mỹ, số dân cư trú bất hợp pháp gốc Mexico khoảng 6,8 triệu (chiếm 59%), El Savaldo khoảng 660.000 (chiếm 6%) và Việt Nam khoảng 170.000 (chiếm 2%).
Khi đã ở Mỹ, người cư trú bất hợp pháp phải chịu nhiều thiệt thòi, dù có tiền cũng không mua được sự hợp lệ cho bản thân. Để tránh tình trạng tồi tệ nói trên cho bản thân và các thế hệ tiếp theo, nhiều người cố gắng chuyển đổi từ tình trạng bất hợp pháp thành hợp pháp.
Một số người sử dụng visa du lịch để nhập cảnh Mỹ, đến khi sắp hết hạn họ có thể chuyển đổi qua visa du học bằng cách nhập học bán thời gian tại một trường cao đẳng cộng đồng nào đó không quá đắt đỏ.
Cách thứ hai là tìm một công ty của người thân hoặc bạn bè nhờ bảo lãnh cho vào làm việc để có thẻ xanh theo quy định của luật pháp.
Mua visa vào Mỹ cũng là một cách nhập cư hợp pháp bước đầu. Một dẫn chứng là vụ án của Michael Sestak, viên chức Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM. Tháng 3-2012 ông này bị phát hiện đã tạo ra đường dây bán visa cho rất nhiều người với giá 20.000-70.000 USD/visa. Theo điều tra, ông Sestak đã cấp khoảng 500 visa, bỏ túi 3 triệu USD rồi chuyển khoản tiền này qua Trung Quốc và mua nhà ở Thái Lan. Tháng 5-2013, ông Michael Sestak bị bắt tại Nam California và tháng 8-2015 bị tuyên án 64 tháng tù về tội gian lận và nhận hối lộ.
Trong các cửa vào Mỹ thì phổ biến nhất là kết hôn với một công dân hay một thường trú nhân hợp pháp ở Mỹ. Họ phải chứng minh cho Sở Di trú rằng mối quan hệ này xuất phát từ tình cảm chứ không vì mục đích định cư, xuất phát từ quá khứ, đang duy trì và sẽ tiếp tục trong tương lai. Thông thường sau khi có thẻ xanh, hai người sẽ ly hôn và kết thúc “hợp đồng hôn nhân”. Tuy nhiên nếu bị phát hiện gian dối thì có thể bị tù giam đến 10 năm, hoặc phạt tiền đến 250.000 USD và bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào Mỹ.
Hiện tại, dự luật DREAM Act cho phép những người đến Mỹ bất hợp pháp dưới 16 tuổi có thể xin hưởng quyền công dân. Tuy nhiên, có nhiều người chống đối cho rằng dự luật này khuyến khích di cư bất hợp pháp, gian lận và che giấu tội phạm bị trục xuất. Trong khi đó giới ủng hộ dự luật này cho rằng dự luật sẽ tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và không nên trừng phạt những trẻ em được cha mẹ đưa vào Mỹ một cách bất hợp pháp.
Thiệt thòi và nguy hiểm
Theo phúc trình của Bộ Nội an Mỹ, số di dân lậu nhiều nhất là người Mễ và các sắc dân khác ở Nam Mỹ. Tiếp sau đó là người Việt. Họ đông đến nỗi trở thành một bài toán chính trị cho nhà cầm quyền, trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh hưởng của họ không nhỏ vì những sắc dân này có những đồng bào nói cùng một thứ tiếng đã tạo thành một cộng đồng hợp pháp của Mỹ, cử tri của họ ảnh hưởng rất lớn trong bầu cử tổng thống. Chính trị gia và truyền thông dòng chính sống nhờ quảng cáo bầu cử o bế họ, nên không nói nhập cư lậu, mà gọi họ là người “nhập cư không giấy tờ”.
Và cho dù đã đặt chân đến miền đất hứa nhưng dĩ nhiên những ai cư trú bất hợp pháp vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, nguy hiểm. Vì vậy để giảm thiểu rủi ro, đa phần những người ở lậu phải tránh né không dám đăng ký các phúc lợi an sinh xã hội, không dám đăng ký đi học, không thi lái xe. Tránh tuyệt đối xảy ra tranh chấp hay xô xát vì có thể dẫn đến việc cảnh sát đến hòa giải và bị phát hiện. Họ không thể đi làm một cách chính thức mà chỉ có thể xin làm những công việc trả bằng tiền mặt, thường là nhận thu nhập thấp và là những việc mà công dân Mỹ chê.
Cuộc sống của những người này và con cái họ luôn phải trong sự tránh né và dĩ nhiên khó có được bất kỳ một sự bảo vệ nào từ phía chính quyền.
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 24-1 yêu cầu 23 tiểu bang và thành phố cung cấp thêm bằng chứng mới cho thấy họ hợp tác với giới hữu trách di trú liên bang cung cấp thông tin về các di dân không giấy tờ từng bị giam giữ vì phạm tội.
Những người ủng hộ biện pháp mạnh tay chống tội phạm cho rằng giới hữu trách tiểu bang và địa phương nên tích cực hợp tác với các viên chức di trú Hoa Kỳ, giao nộp các di dân không giấy tờ để truy tố và trục xuất.
Còn phe bảo vệ các thành phố “che chở di dân” nói họ cải thiện an toàn công cộng, khuyến khích lòng tin giữa các cộng đồng di dân với giới chấp pháp địa phương trong việc báo cáo tội phạm, để dành ngân quỹ cho cảnh sát đấu tranh chống lại các tội phạm hình sự nghiêm trọng hơn.
Tòa Bạch Ốc và Quốc hội đến nay vẫn chưa thống nhất được biện pháp giải quyết tình trạng 800.000 di dân bất hợp pháp tới Mỹ khi còn nhỏ. Để đổi lại việc bảo vệ cho số di dân này khỏi bị trục xuất về nguyên quán, Tổng thống Trump muốn có ngân quỹ xây tường biên giới và siết chặt hơn các chính sách di dân khác. Ông Trump nói bức tường 3.200 cây số dọc theo biên giới Tây Nam của Mỹ với Mexico nhằm ngăn di dân lậu tràn vào Mỹ.
- Tổng hợp