Cuối cùng, việc tổ chức một đêm nhạc cho riêng mình đã thoát khỏi danh sách “chưa bao giờ” của nhạc sĩ Việt Anh. Có thể nói, với những khán giả đã yêu mến anh trong hơn 20 năm qua, đêm nhạc Dòng sông lơ đãng như một sự đền bù quá muộn màng.
Nhưng có trách cũng không được, vì khán giả nào yêu mến Việt Anh lại không biết sự kiệm lời, âm thầm của anh. Nếu như trong showbiz ngày nay khán giả bị bội thực vì nỗ lực xây dựng hình tượng của nghệ sĩ thì ở thời của Việt Anh, khán giả chỉ có thể chuyện trò với người nhạc sĩ mình yêu mến qua những khung cửa nho nhỏ mà anh trổ bằng chính những bài hát của mình. Và đêm nhạc Dòng sông lơ đãng vừa diễn ra vào tối 29-7 tại nhà hát Hòa Bình chính là buổi hẹn mà Việt Anh đã “nợ” những người yêu thương mình trong hơn 20 năm.
Dòng sông lơ đãng vẫn trôi theo cách của mình
Khi đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp với những sáng tác được lòng cả giới chuyên môn lẫn khán giả, Việt Anh quyết định sang New Zealand du học. Nhìn vào, người ta tự hỏi anh còn thiếu gì mà phải đi học thêm khi sự nghiệp đang độ rực rỡ nhất. Những thắc mắc này lại càng dày thêm khi học xong, anh gần như chỉ tập trung vào sáng tác và cho ra mắt những tác phẩm khí nhạc mà lơ là viết ca khúc mới.Khán giả có người buồn bã, hụt hẫng vì thiếu vắng chàng nhạc sĩ tài hoa. Tuy vậy, hướng đi này lại hoàn toàn phù hợp với một người con được nuôi dưỡng từ cái nôi nghệ thuật hàn lâm như anh. Đã sống trong thế giới âm nhạc mới hiểu, viết ca khúc không phải là mảnh đất đủ màu mỡ để thỏa sức sáng tạo. Sự lựa chọn của Việt Anh là hoàn toàn hợp lẽ, và vì vậy, cùng với Đỗ Bảo, Đức Trí…, anh cũng là một trong số ít các nhạc sĩ Việt Nam có thể được gọi là composer chứ không chỉ là song-writer. Những sáng tác ca khúc về sau của anh như Chưa bao giờ, tuy không nhiều, nhưng lại là sự bừng nở của một tâm hồn nhiều trải nghiệm và giàu thể hiện trong âm nhạc.
Tình yêu không có lý lẽ, khán giả vẫn muốn anh cứ mãi là Việt Anh của những ngày mới yêu.Vậy là những lần anh ra mắt các tác phẩm khí nhạc mới trong các chương trình của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM đâu có được tính.Họ vẫn chờ đợi một đêm nhạc nơi mà các ca khúc thân quen được vang lên trong một không gian thuộc về riêng anh.
Vẫn chưa bỏ lại những mùa hoa
Như Việt Anh đã không ngại ngần chia sẻ, đêm nhạc lần này thực hiện được là nhờ sự chung tay của rất nhiều người bạn, có thể kể ra một vài cái tên như nhạc trưởng Trần Nhật Minh, đạo diễn Trần Vi Mỹ, nhà báo Lê Minh Hạ, ban nhạc Sài Gòn Boys, dàn dây Sài Gòn Pops Orchestra, hợp xướng và nhóm múa từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM… Không thể trông đợi nhiều về phần dàn dựng từ một người nhạc sĩ giản dị, khiêm nhường, khán giả vẫn được hài lòng với phần nghe chất lượng.Âm thanh của đêm diễn là một điểm sáng với phần nhạc cụ và hợp xướng trong trẻo, rõ ràng nhưng vẫn hòa quyện với các giọng hát chính. Chương trình không có đường dây kịch bản xuyên suốt, cũng không có phần dẫn dắt từ chính nhạc sĩ, chỉ là từng bài hát được lần lượt vang lên theo thứ tự ra biểu diễn của ca sĩ. Trong trường hợp này, đáng lẽ ra chính những ca sĩ sẽ là người dẫn chuyện.Nhưng việc chọn lựa nhiều gương mặt quá mới với nhạc Việt Anh làm cho câu chuyện của đêm nhạc bị lỏng lẻo khi ca sĩ cũng không có điều gì đắt giá để nói. Những phần chia sẻ của Hoàng Bách hay Uyên Linh phần nào làm khán giả… chưng hửng khi chỉ nói về mình mà chưa giúp khán giả hiểu thêm về nhân vật chính của đêm nhạc.
Việc chọn lựa nhiều gương mặt ca sĩ mới cũng chính là sự mạo hiểm của nhạc sĩ và cả ê-kíp.Nếu phần hòa âm phối khí được làm mới cùng với sự hỗ trợ của dàn nhạc đã khoác cho các bài hát những chiếc áo lộng lẫy thì sự lựa chọn về ca sĩ lại chưa làm khán giả thật sự thỏa mãn. Uyên Linh vẫn là một người biểu diễn và giọng ca quyến rũ, nhưng cái “lả lơi” của cô lại dặm phấn thoa son hơi quá tay cho tinh thần vốn dĩ mộc mạc của âm nhạc Việt Anh. Hoàng Bách và Quang Dũng cùng giống nhau ở phong thái tự tin, đĩnh đạc nhưng cũng vì thế mà các tiết mục cứ trôi đi nhạt nhòa vì quá an toàn mà không tạo được điểm nhấn. Còn Đàm Vĩnh Hưng, sau khi khẳng định khán giả hãy “chờ xem” vì dám nghĩ anh “không hát được nhạc Việt Anh vì chuyên gào thét và làm chuyện khó coi” thì đã minh chứng bằng những tiết mục không thể đúng chất Đàm Vĩnh Hưng hơn với những đoạn gào thét và dàn vũ công lạc điệu hẳn với thẩm mỹ của chương trình. Với bài hát tưởng là hợp nhất với anh là Mưa phi trường, Đàm Vĩnh Hưng lại vì quá lo nhảy mà chưa đối đáp lại được với tiết tấu của ban nhạc, làm khán giả có muốn nhún nhảy theo cũng không biết làm sao. Còn sự xuất hiện của Thu Phương phút cuối đáng lẽ là giây phút bùng nổ của khán giả, những tưởng đã gặp lại được tri kỷ nhưng không phải vậy. Thu Phương của ngày hôm nay kiêu sa hơn, ăn nói duyên dáng và hát kỹ thuật hơn nhưng khán giả vẫn nhớ một Thu Phương tóc tém, áo cộc quần dài lên sân khấu nhưng lại làm khán giả thổn thức mỗi khi hát nhạc Việt Anh. Giá như trong đêm nhạc Dòng sông lơ đãng vừa qua chị bớt ủy mị, nức nở trong cả cách hát và trình diễn thì cảm xúc sẽ trọn vẹn hơn.Trái lại, Nguyên Thảo lại mang đến cho khán giả những phần trình diễn đầy cảm xúc. Là một giọng ca đẹp từ bản năng lẫn kỹ thuật dù sau này cô hay có xu hướng phô diễn quá nhiều kỹ thuật thanh nhạc, may mắn sao trong đêm nhạc vừa rồi Nguyên Thảo lại biết tiết chế và hát rất cảm xúc. Dù có chút trục trặc về kỹ thuật làm Nguyên Thảo phải cứu nguy bằng cách ứng biến với phần giao lưu với khán giả bị đánh giá oan là… vô duyên, cô vẫn đã ghi lại một dấu ấn đẹp và xứng đáng được khán giả yêu nhạc Việt Anh ghi nhận.
Nhìn chung, Dòng sông lơ đãng là một đêm nhạc tròn trịa, đáp ứng được mong muốn “xem” nhạc Việt Anh ở một sân khấu lớn. Nhưng với những khán giả đã trót xem âm nhạc Việt Anh là người bạn tâm giao của một thời tuổi trẻ, anh còn phải xứng đáng được nhiều hơn thế. Và khán giả vẫn luôn có sự lựa chọn của mình, là về nghe lại những bản thu cũ và thấy vui vì nhạc Việt đã từng có một thời như vậy. Đừng bảo khán giả hoài cổ vì cứ nhớ mãi một thời mà người ta cứ viết và hát một cách cảm xúc, say đắm và hồn nhiên không cần diễn. Và Việt Anh, nếu vậy, anh vẫn là người thuộc về những mùa hoa cũ.