Với Dương Quốc Nam, Phố Xinh không chỉ bán đồ nội thất, mà nhằm tạo dựng những không gian sống mới cho con người hiện đại, hướng đến sự tiện nghi thoải mái và sang trọng.
Chuỗi hệ thống với 10 cửa hàng Phố Xinh ở Việt Nam và nhiều showroom ở Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á của anh là sự nỗ lực không ngừng nghỉ với khát vọng làm đẹp cho ngôi nhà Việt và tôn vinh những giá trị Việt. Trải qua bao thăng trầm, anh đã đưa thương hiệu Phố Xinh lên một tầm cao, cạnh tranh một cách tự tin với các thương hiệu quốc tế.
Khởi nghiệp cách đây 21 năm, khi thị trường nội thất Việt Nam còn rất đơn giản, chẳng hạn tại TP. Hồ Chí Minh là những cửa hàng đồ gỗ giống hệt nhau trên các con đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai hay Hai Bà Trưng, anh đã gặp những khó khăn gì khi tổ chức một không gian “siêu thị nội thất”, đưa ra những giải pháp làm thay đổi cách nhìn, cách sinh hoạt của nhiều người?
Tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhưng tôi lại nuôi khát vọng mở siêu thị nội thất. Hình ảnh siêu thị nội thất đã có trong tâm trí tôi từ năm 13 tuổi, khi nghe người cô miêu tả về siêu thị nước ngoài qua điện thoại.
Nghề nội thất có nguồn gốc từ bố tôi với công ty mỹ nghệ của gia đình, nhưng đến mình, tôi muốn nó trở thành nơi có thể chứa đựng tất cả những gì thuộc về nội thất, với không gian rộng lớn hơn, phục vụ cho nhiều người hơn, đưa ra nhiều xu hướng hơn, có những giải pháp trang trí mới lạ hơn, kết hợp hài hòa từ kiểu dáng, màu sắc, đường nét trong từng sản phẩm để người ta cảm thấy thật thoải mái trong ngôi nhà thân yêu của mình.
Thời đó, người ta còn “ăn chắc mặc bền”, thị trường sính gỗ lim, gỗ trắc để dùng cả mấy chục năm mà tôi lại có ý tưởng về những sản phẩm không làm hại môi trường, có tính hiện đại hơn như gỗ công nghiệp, gỗ ghép, laminate…
Các cửa hàng nội thất với bề ngang vài mét tập trung thành khu, còn tôi lại chọn một mặt bằng có diện tích 2.000m2 trên đường Ba Tháng Hai với giá cao ngất ngưởng để lập siêu thị. Việc làm đó đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, ngay ba tôi cũng nói tôi hão huyền.
Thế nhưng, với quyết tâm của chàng thanh niên mới 22 tuổi, tôi quyết làm thay đổi cách nhìn của mọi người. Tôi đã kiên trì suốt thời gian dài để chứng minh rằng quan điểm của mình đúng.
Năm 2001, Phố Xinh đã khởi sắc, tạo thành trào lưu hấp dẫn. Từ năm 2002 đến 2009 là thời hoàng kim của ngành nội thất, Phố Xinh bán hàng rất tốt. Nhưng từ năm 2010 đến nay, thị trường bất động sản bị đóng băng kéo theo sự ra đi của hàng loạt thương hiệu tên tuổi, những cửa hàng trên đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai cũng đi xuống nhưng Phố Xinh vẫn tiếp tục phát triển.
Có được điều đó là do tôi kiên trì xây dựng thương hiệu, giữ gìn uy tín, cập nhật liên tục các xu hướng thời trang nội thất mới nhất.
Người ta nói ăn mặc thay đổi thế nào thì nội thất cũng thay đổi theo như vậy. Làm thế nào một chàng trai với “mớ kiến thức hè phố” như anh có thể biến giấc mơấy thành hiện thực?
Tôi có ý thức tích lũy kiến thức kinh doanh từ nhỏ. Còn nhớ ngày nào mẹ tôi đặt cho tôi câu hỏi: “Cũng bán hủ tiếu, sao tiệm đông tiệm vắng? Con hãy tự suy nghĩ đi!”.
Thời kỳ đầu tôi bán cái gì mình có, bán cái gì khách hàng cần, sau này mới là tạo ra những phong cách sống phù hợp với đời sống của từng người. Ngoài việc tích lũy kiến thức hè phố, chợ nhỏ, tôi học thêm các lớp về thiết kế, kiến trúc để nâng dần kiến thức về kinh doanh nội thất. Rồi tôi học xây dựng dịch vụ tư vấn hàng hóa, bảo hành, bảo trì vì đó chính là nền tảng lâu dài nhất duy trì thương hiệu.
Ngoài việc định hướng phát triển, kế hoạch bán hàng, chương trình marketing để thu hút khách hàng, tôi còn phải tiếp cận những phần mềm để giúp khách hàng ở nhà mà vẫn xem được sản phẩm trong không gian 3D, chưa kể việc đào tạo nhân viên bán hàng, nhân viên thiết kế, kỹ thuật viên. Muốn giữ vững thị trường thì phải chuyên nghiệp.
Đối với tôi, khó nhất là kiểm soát tài chính. Phải tính toán được dòng vốn, giữ lại bao nhiêu lợi nhuận khi thị trường ảm đạm để duy trì đội ngũ. Chu kỳ phát triển lúc nào cũng đi theo hình sin và 20 năm qua, Phố Xinh tồn tại được là nhờ luôn giữ lại 20% lợi nhuận để phòng khi thị trường đi xuống và tái đầu tư cho sản phẩm mới.
Trong thời kỳ thịnh của bất động sản, chứng khoán, anh vẫn kiên định với nghề nội thất, dù lúc ấy đã có tiềm lực tài chính?
Tôi không đầu tư sang bất động sản hay chứng khoán vì biết mình chỉ có thế mạnh của bán lẻ. Tôi cũng không vay vốn ngân hàng quá nhiều vì có kế hoạch rõ ràng, đầu tư vào ngành mà mình có thể kiểm soát được. Tôi có đầu tư vào chuỗi nhà hàng Con Gà Trống. Sự thành công của Con Gà Trống là có kế hoạch, không phải nghĩ đâu làm đó.
Làm thế nào để anh giữ được hệ thống siêu thị bán lẻ của mình trước làn sóng M&A đang nuốt trọn các thương hiệu Việt?
Hệ thống siêu thị Việt Nam đều bị mua hết rồi. M&A sẽ làm cho các siêu thị Việt Nam chết dần nếu chúng ta không có định hướng chiến lược để duy trì thị phần ở sân chơi của mình trước khi phát triển qua các thị trường khu vực. Tôi đang dự định lấn sân sang thị trường khu vực với Con Gà Trống sang Trung Quốc lục địa, Hongkong, Đài Loan… Phố Xinh cũng đang khó khăn, đang chuẩn bị trả mặt bằng ở đường Ba Tháng Hai để chuyển qua Sala.
Khó khăn là bình thường, thành công chính là giá trị về sự kiên nhẫn, bản lĩnh kinh doanh. Với tôi, khó khăn chính là cơ hội và thách thức để quyết định thành bại của doanh nghiệp. Tôi kinh doanh nội thất là vì yêu, vì đam mê. Ngành này làm giàu khó lắm, đồng tiền kiếm được cực khổ vô cùng, phải lượm lặt cất giữ cả một quá trình, nên quyết định sẽ không bán thương hiệu đâu.
Chiến lược dùng người của anh có gì khác biệt để giữ được “chất xám” cho Phố Xinh?
Khi tuyển người, tôi có hai tiêu chí: một là được đào tạo bài bản chuyên môn, nếu không chúng tôi sẽ đào tạo. Thứ hai, phải có tình yêu với công việc, có vậy mới gắn bó được lâu dài. Nói đi phải nói lại, khi cái bụng người ta no thì cái đầu mới chịu nghĩ khác. Với những người chủ chốt, tôi dành cho ưu đãi về cổ phần.
Phố Xinh cũng từng đối diện với những trường hợp bị đối thủ “mua” nhân tài. Thế nhưng tôi vẫn để cửa mở để đón họ trở về vì tôi biết họ bị sử dụng theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Khi trở về, họ sẽ làm việc tốt hơn, thậm chí làm gương cho người khác. Đương nhiên, cuộc sống vật chất là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tình cảm, cách cư xử giữa người với người.
Làm thế nào để anh có thể chinh phục được Todd Waneck – CEO của Ahsley Furniture Homestore, thương hiệu nội thất với lịch sử 70 năm của nước Mỹ, để họ đồng ý nhượng quyền thương hiệu, tạo sức bật mới cho Phố Xinh?
Tôi là người rất thực tế, luôn biết mình cần gì, muốn gì, chừng mực trong cuộc sống. Tôi có thể ăn bữa ăn của đầu bếp năm sao trong không gian đẹp nhất, nhưng cũng có lúc ăn cá kho nhà nấu. Quan trọng nhất khi gặp đối tác là cho họ thấy được phong cách sống của mình.
Việc thuyết phục Ahsley đồng ý nhượng quyền thương hiệu và mở thêm nhà máy ở Bình Dương, nâng số lao động của Ahsley tại Việt Nam từ 4.000 lên 12.000 người không hề dễ.
Tôi đón ông Todd Waneck bằng chiếc xe Rolls-Royce đắt tiền, mở nhạc Beethoven nhẹ nhàng để ông có được ngay những phút thư giãn đầu tiên. Sau đó tôi đưa ông về nhà, cho ông cảm nhận được không khí đầm ấm của bữa ăn gia đình, cách của mình cư xử với vợ con, với cha mẹ.
Buổi tối, cả gia đình cùng ông ấy lên du thuyền đi dạo trên sông, các con tôi nói chuyện bằng tiếng Anh rất thoải mái với ông ấy. Cách bài trí sắp xếp đồ đạc từ toilet đến phòng khách đều ngăn nắp sạch sẽ, có gu, để ông cảm nhận được nếp sống đàng hoàng…
Tôi hiểu rằng có tin tưởng vào đời sống của mình thì đối tác mới tin tưởng giao cho mình quản lý thương hiệu của họ. Sắp tới tôi còn dự định đem thêm nhiều thương hiệu nội thất cao cấp của Pháp, Ý, Malaysia vào Việt Nam.
Trong phòng làm việc của anh có rất nhiều tượng Phật. Tinh thần của đạo Phật đã giúp anh giàu có như thế nào về tâm linh để luôn giữ cho mình niềm đam mê và khát vọng?
Tôi có quan điểm rõ ràng, không bao giờ xem bói, nhưng luôn coi trọng đời sống tâm linh, con cái cũng hướng về tâm linh. Đời sống tâm linh giúp mình làm nhiều việc thiện hơn và không làm điều xấu. Mình không cầu xin vật chất, mà coi đạo Phật là chỗ dựa tinh thần để tiếp thêm nghị lực, lòng kiên nhẫn, có sức khỏe tốt để tiếp tục cống hiến.
Nhiều người nói buôn thì gian, bán thì lận, nhưng tôi luôn cầu xin tính thiện nhiều hơn, nhất định không làm hại người khác. Tôi coi kinh doanh như một thách thức để tiếp tục phấn đấu tốt hơn và đó cũng là giá trị sống. Một cuộc sống càng khó khăn thì giá trị sẽ càng lớn hơn.
Trong những điểm rơi thấp nhất của cuộc đời, điều gì sẽ giúp anh vượt lên?
Tôi thường quỳ trước Phật để cầu xin có sự kiên nhẫn hơn người khác, có sức chịu đựng hơn người khác, biết san sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn. Những gì bề trên cho mình quá nhiều, mình phải san sẻ lại một phần cho xã hội. Sẽ không thể thành công nếu sống không có đạo đức. Đó là kim chỉ nam trong hành động của tôi.
Là chủ chuỗi nhà hàng Con Gà Trống, thú vui ẩm thực của anh có gì khác biệt?
Tôi rất yêu thích ẩm thực. Ăn thế nào cho khỏe là điều tôi quan tâm nhất. Món thích nhất của tôi là canh chua, cá kho. Hai món ấy, tôi thấy không ai nấu ngon bằng mẹ tôi.
Sống giàu với anh là gì?
Là cuộc sống rất bình thường. “Bình thường” là chữ đẹp nhất, đừng khác thường là được rồi. Tôi không giàu tiền, nhưng giàu khát vọng (Desire), động lực (Drive), kỷ luật (Discipline), quyết tâm (Determination). Tôi chọn bốn chữ D đó để gắn chặt với Phố Xinh.
Để giữ cho mình sự bình thường có khó không?
Cảm thấy hài lòng với cuộc sống, không làm hại ai, biết san sẻ với mọi người, không nợ nần (cười). Nhiều đại gia siêu giàu nhưng số nợ cao hơn tài sản có được thì bất bình thường lắm.
Buổi sáng tôi thức dậy rất sớm, có một giờ để tịnh tâm, với ly cà phê, ăn củ khoai, rải gạo cho chim ăn, nghe một bản nhạc của Trịnh Công Sơn rồi đi làm tới 12 giờ khuya. Mấy chục năm nay tôi sống như thế, đi chơi cũng là đi làm. Mỗi ngày đi làm là niềm vui. Biết nhìn xuống, cảm thấy vui trong công việc là tốt nhất. Đi ngủ không phải đau đầu lo ngày mai phải trả nợ ra sao…
Tôi thấy hài lòng với những niềm vui giản dị nhất. Giải trí cuối tuần của tôi đơn giản chỉ là cùng các con xem phim, nghe nhạc với chiếc TV SUHD. Chỉ cần những khoảnh khắc vui vẻấm cúng như vậy đã là hạnh phúc.
Nhìn rộng ra hơn với những người bạn doanh nhân đã thành đạt, anh có băn khoăn nhiều không về lối sống, về sự hưởng thụ của họ?
Khi trở nên giàu có, nổi tiếng, người ta rất khó giữ được sự bình thường vì nói gì cũng được tung hô, rất dễ mắc bệnh chủ quan, dẫn tới thất bại. Tôi luôn “kéo” những người bạn doanh nhân của mình xuống, có thể dùng lời thật khó nghe, nhưng có lúc cũng phải “mượn gió bẻ măng”.
Câu hỏi cuối cùng: Anh làm thế nào để sống đúng với chính mình?
Biết chừng mực thì đời sống đỡ khổ, đỡ mệt, nhưng rất khó để làm được điều đó. Trước đây tôi cũng có tính hơn thua, háo thắng lắm, nhưng sau những thất bại và thành công, tôi biết ngồi lại để giữ được chừng mực, sống bình tĩnh hơn.
Mười năm về trước, tôi không nói được câu này đâu. Thất bại cũng như thành công đều cho mình biết nhìn lại những giá trị sống. Nền tảng thành công của tôi chính là tình bạn. Tình bạn quan trọng lắm đối với sự thành công. Bạn bè yêu mến ta sẽ luôn ủng hộ ta và còn mang lại cho ta những người bạn tốt khác.