Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh còn cho biết nguyên nhân lãng phí là do chúng ta bắt trẻ em ăn quá mức cần thiết và chuẩn bị quá nhiều thức ăn trong mỗi bữa ăn. Hệ quả là thức ăn thừa khó giữ lại lâu, nhất là đối với khí hậu nóng ẩm như TP. Hồ Chí Minh. Hơn nữa, rất nhiều gia đình chú trọng bữa ăn tối, gây lãng phí trong khi mức năng lượng cần thiết cho bữa ăn tối chỉ từ 20 – 30% năng lượng cả ngày. Cũng theo bà Diệp, một quan niệm khá sai lầm nữa là người từ 60 tuổi trở lên nên ăn nhiều để khỏe mạnh. Thực tế, người lớn tuổi chỉ cần mức năng lượng bằng 70% so với người trẻ. Ăn nhiều ở người lớn tuổi chỉ làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như: đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Ông Vũ Ngọc Tiến, đại diện Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bổ sung: “Cách ăn uống không gây lãng phí là ăn đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh và tốt nhất là ăn theo mùa”. Theo ông, ăn rau quả theo mùa sẽ đảm bảo tươi ngon và giá rẻ hơn. Để hướng dẫn người dân ăn uống tốt hơn, tránh lãng phí, FAO và các chuyên gia lương thực cũng đang trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành Sổ tay hướng dẫn dinh dưỡng cho các hộ gia đình. Ngoài ra, FAO cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để những người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa biết các kiến thức về cách ăn uống đảm bảo vệ sinh, hạn chế lãng phí để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xuân Lộc