Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), lượng lương thực, thực phẩm thất thoát và lãng phí hằng năm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là 630 triệu tấn (không kém nhiều so với nước công nghiệp là 670 triệu tấn), nhiều nhất là lúa gạo, rau, củ, quả. Với tỷ lệ dân số không ngừng gia tăng như hiện nay (dự kiến sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2020) thì làm sao để giảm thiểu thất thoát, lãng phí lương thực luôn là vấn đề cần giải quyết cấp bách. Vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận tại “Diễn đàn An ninh lương thực Việt Nam”, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 21-9-2012.
Thất thoát do sản xuất, bảo quản chưa tốt
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, thất thoát lương thực thường xảy ra trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Thất thoát chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển do cơ sở hạ tầng kém, công nghệ lạc hậu và đầu tư cho hệ thống sản xuất lương thực thấp. Đơn cử như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa hiện nay rất cao (khoảng 13,7%), nhất là khâu phơi sấy, tổn thất lên đến 4,2%. Nguyên nhân là do cách làm khô lúa bằng ánh sáng mặt trời vẫn là phương pháp phổ biến ở khu vực này. Lúa được trải ra phơi trên tấm bạc, sân xi măng hay bê tông. Vào những ngày nắng gắt, nhiệt độ sân phơi có thể vượt quá 50oC, gây rạn nứt hạt lúa. Khi đưa vào xay xát, gạo sẽ tiếp tục bị thất thoát và chất lượng hạt gạo cũng bị ảnh hưởng.
Tại hội thảo, ông Đào Quốc Luận, Vụ phó Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra giải pháp cho vấn đề này là trang bị các loại máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển hệ thống nhà máy chế biến lương thực, xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo, cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, tăng cường các phương tiện vận chuyển, kho lạnh… Với việc thu hoạch lúa gạo thì cần đầu tư phát triển hệ thống sấy công nghiệp tập trung, không chỉ giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng lúa gạo mà còn tăng khả năng thu mua lúa số lượng lớn khi vào mùa thu hoạch đồng loạt.