Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta hầu hết là sản xuất nhỏ lẻ nên việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cá nhân người sản xuất có thể chủ động và mạnh dạn hơn trong đầu tư thông qua chính sách hỗ trợ nông sản, thủy sản (Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg tháng 10-2010). Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân sẽ được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa với lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong khung lãi suất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ.
Ngoài ra, người nông dân cũng cần chủ động học hỏi cách sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và các kinh nghiệm làm nông nghiệp bền vững, cập nhật những kiến thức mới. Với các kỹ thuật tiên tiến về cây trồng, bà con nông dân có khả năng làm tăng năng suất sản xuất và tăng mức sống của họ ở các khu vực nông thôn. Điển hình là giống lai của DuPont Pioneer, có khả năng sống ở vùng nước ngập mặn, đã góp phần giúp nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng năng suất vụ mùa. Trong quá trình nuôi tôm, nước ruộng lúa bị nhiễm mặn, làm tăng độ mặn trong đất và làm cho môi trường đất canh tác khó hơn. Bằng cách luân phiên giữa ruộng lúa và ruộng tôm, nông dân có thêm thu nhập và có thể giúp gia đình và cộng đồng có cuộc sống ổn định hơn.
Lãng phí lương thực do hành vi người tiêu dùng
Tình trạng lãng phí lương thực thực phẩm chủ yếu do các nhà phân phối và người tiêu dùng gây ra khi họ vứt bỏ các loại lương thực vẫn còn có khả năng sử dụng. Còn lãng phí rau, củ, quả là do yêu cầu quá cao về mẫu mã. Chẳng hạn chúng ta chỉ chọn sử dụng những trái dưa leo thẳng, khoai tây không quá to cũng không quá nhỏ, cà rốt da láng, một đầu… Hậu quả là những trái dưa bị cong, khai tây nhỏ, cà rốt sần sùi, hai đầu… bị vứt bỏ dù không bị hư hại. Tình trạng này xảy ra rất nhiều ở các siêu thị, nhà hàng lớn. Lương thực không đủ tiêu chuẩn mẫu mã bị thải ra rất nhiều.
Các đại biểu tại hội thảo
Như vậy, việc thay đổi suy nghĩ của các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng là rất cần thiết. Chúng ta không nên quá chú trọng về hình thức bên ngoài của lương thực và thực phẩm đồng thời không nên mua lương thực, thực phẩm quá mức cần thiết.