Với một quốc gia có dân số đông và nguồn lao động dồi dào như ViệtNamthì xuất khẩu lao động thực sự là một lĩnh vực có nhiều lợi thế. Hơn thế nữa, nó còn là một yêu cầu bức bách khi mà tình trạng thiếu việc làm ở nước ta hiện nay vẫn đang là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách. Xuất khẩu lao động thực sự đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và giải quyết các nhu cầu xã hội ở nước ta.
Đông và Đông Nam Á là khu vực thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu của nước ta hiện nay. Khu vực này hằng năm tiếp nhận khoảng trên 40.000 lao động Việt Nam, chiếm gần 80% số lao động đi làm việc tại nước ngoài của chúng ta. Hiện tại khu vực này gồm có năm thị trường đã mở cửa tiếp nhận lao động của ta là Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và dự báo trong tương lai số lượng thị trường của ta tại khu vực này chắc chắn không dừng lại ở con số năm như trên.
Người lao động đang làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Nội Bài
Việc đưa lao động ra làm việc ở nước ngoài lâu nay đã góp phần giải quyết không chỉ bài toán thất nghiệp mà còn thu hút nguồn ngoại tệ qua các hợp đồng và cả những khoản tiền của gần 400.000 lao động Việt Nam từ các nước gửi về.
Thế nhưng năm nay tình hình được dự báo sẽ không nhiều thuận lợi do thị trường có thể bị thu hẹp trong điều kiện chúng ta vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 90.000 lao động.
Đứng trước những thách thức từ các thị trường lâu nay tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…, đồng thời góp phần đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động, nhiều giải pháp tăng cường chất lượng lao động đã và đang được chú trọng.
Tại một hội thảo giữa Tổ chức Hợp tác Đào tạo Quốc tế Nhật Bản (JITCO) và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) diễn ra hai tháng trước đây, JITCO cho biết Nhật Bản đang có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận thực tập sinh ngành này. Lý do là sau thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật năm 2011, tỷ lệ lao động nông nghiệp của Nhật Bản bị giảm mạnh và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của JITCO, đây là ngành khá phù hợp với lao động ViệtNam. Một triển vọng mở ra khi Nhật cho biết số lượng lao động được tuyển sẽ không bị giới hạn mà tùy vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp phái cử lao động.
Năm 2011, Việt Nam đã đưa được 6.985 thực tập sinh kỹ thuật sang Nhật Bản, bằng 142% so với năm 2010. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lượng hợp đồng đăng ký phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản vẫn được duy trì ở mức độ khá cao, với nhiều ngành nghề đa dạng và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.
Ở châu Á, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại bốn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia là trên 200.000 người, chiếm gần 40% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trọng tâm năm 2012 là tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực hiện các giải pháp để khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường đang phục hồi. Đặc biệt là đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề trước đây chưa quan tâm do thiếu nguồn lao động như các nghề đòi hỏi trình độ cao, các nghề trong lĩnh vực dịch vụ, chăm sóc sức khỏe…