Trong tổ chức dạy học trực từ xa, tránh tập trung quá nhiều vào việc bê nguyên bài giảng trên lớp lên trên mạng hay truyền hình. Ngay cả ở các nước phát triển trên thế giới, cả hạ tầng công nghệ và trình độ giáo dục cao hơn Việt Nam rất nhiều, không nơi nào biến sóng truyền hình cả nước thành các lớp học từ xa hàng ngày hàng giờ như chúng ta đang làm…
Từ những góc nhìn đã nêu trong các kỳ trước, có thể gợi ý một số hướng tiếp cận để giải quyết hài hoà giữa các nhu cầu ngắn hạn và dài hạn như sau:
1Cần đề cao nguyên tắc chung là mọi hoạt động dạy – học từ xa khi trường học đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 chỉ nên tập trung vào những mục tiêu và nội dung thiết yếu trong chương trình thiết kế của môn học.
Các mục tiêu và nội dung thiết yếu này đồng thời phải phù hợp với tính chất tổ chức dạy và học từ xa, và người dạy hoàn toàn có quyền chủ động kết hợp, điều chỉnh sao cho đạt hiệu quả cao nhất, chứ không bắt buộc phải dạy theo đúng trình tự thiết kế trong chương trình dạy học tập trung.
Điều đó có nghĩa là hoạt động dạy học từ xa không nhằm thay thế hoàn toàn hoạt động dạy học tập trung, mà là một mặt nhằm duy trì mối liên lạc giữa người dạy với người học để giữ nhịp điệu học tập, mặt khác có thể cho phép rút ngắn thời gian hoàn tất chương trình sau khi trường học mở cửa trở lại.
Các nỗ lực điều chỉnh khung thời gian năm học, tinh giản chương trình, v.v. của Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT rất đáng ghi nhận, nhưng các văn bản chỉ đạo đã ban hành dường như đã quá vội vã trong các phương án công nhận kết quả dạy học từ xa. Điều nên làm là, thay vì quy định chung chung theo kiểu “kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng các hình thức phù hợp” mà không có cách hiểu đồng nhất như thế nào là phù hợp, thì hãy cho phép giảm bớt các cột điểm thành phần vốn có trong tiến trình dạy học tập trung. Lí do chính là chúng ta bị buộc phải chuyển từ dạy học tập trung sang dạy học từ xa trong gấp rút, thiếu chuẩn bị chu đáo, các yếu tố công bằng và đảm bảo chất lượng không rõ ràng.
• Xem thêm: Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19: Đi tìm sự đồng bộ
Trên tinh thần là trường học sẽ mở cửa trở lại, người dạy sẽ đánh giá tình hình cụ thể kiến thức và kĩ năng mà người học đã lĩnh hội trong quá trình học tập từ xa, từ đó xác định những nội dung và thời gian cần thiết để bổ túc, bù đắp cho đồng đều. Và chỉ ưu tiên sử dụng bài kiểm tra cuối kì, tổ chức tập trung như thông thường, để làm cơ sở công nhận kết quả.
Thậm chí, nếu cần thiết có thể tổ chức hai lượt kiểm tra cuối kì (mà không phải thi lại), để tạo cơ hội cho những trường hợp người học không có điều kiện thuận lợi để học từ xa và bị quá tải khi phải học dồn gấp rút trong thời gian tập trung ngắn ngủi còn lại.
2Trong tổ chức dạy học trực từ xa, tránh tập trung quá nhiều vào việc bê nguyên bài giảng trên lớp lên trên mạng hay truyền hình. Ngay cả ở các nước phát triển trên thế giới, cả hạ tầng công nghệ và trình độ giáo dục cao hơn Việt Nam rất nhiều, không nơi nào biến sóng truyền hình cả nước thành các lớp học từ xa hàng ngày hàng giờ như chúng ta đang làm.
Có thể, các nhà giáo dục nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mình, cần phải thực hiện tới cùng rồi nếu hiệu quả không đạt thì cũng có thể nói rằng mình đã làm hết sức. Nhưng thay vì tốn rất nhiều chi phí và công sức quay phim ghi hình bài giảng rồi chiếm trọn sóng truyền hình để phát lại với hiệu quả rất thấp, thì hoàn toàn có thể đầu tư cho những việc khác có ý nghĩa và hiệu quả hơn.
Thay cho các bài giảng truyền hình đồng thời, nên ưu tiên đầu tư và khuyến khích các thầy cô giáo biên soạn các bài viết hướng dẫn đọc – hiểu, hoặc kết hợp vừa trình chiếu vừa ghi âm lời giảng.
Nội dung trong các tài nguyên dạy học dạng này không phải là toàn bộ bài giảng của từng tiết học, mà cần tập trung vào các vấn đề quan trọng, dễ đọc/nghe và hiểu, cô đọng trong những khoảng thời gian ngắn, bình quân 5-10 phút.
Các tài nguyên dạng này có thể cung cấp cho người học dưới nhiều hình thức khác nhau (e-mail, website, mạng xã hội, ứng dụng di động…) Do không bắt buộc người học phải tập trung cùng lúc để theo dõi cũng như không quá lệ thuộc vào một phương tiện duy nhất, cách làm này sẽ góp phần giảm bớt bất công xã hội trong khả năng tiếp cận nội dung giáo dục.
• Xem thêm: Những chi phí ngầm của học online
Điều quan trọng là giải thích cho người học biết vì sao phải đọc/nghe tài liệu được giao (tức xác định rõ mục tiêu bài học), cần làm gì để đọc/nghe cho tốt (tức hướng dẫn cách tương tác với nội dung học tập), và sau khi đọc/nghe xong thì thế nào (tức hướng dẫn cách tự làm bài tập hoặc thực hành). Như thế, từ chỗ bắt buộc phải học từ xa, người học lại có cơ hội được đặt vào tâm thế rèn luyện dần dần khả năng tự học có hướng dẫn của thầy cô từ xa. Nếu ai làm tốt thì hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội để thành công.
Trong thực tế, ít nhiều nơi đã có những thầy cô có sáng kiến tương tự, và rất cần được nhân rộng ra.
3Bên cạnh đó, người dạy nên tăng cường biên soạn các bài tập trắc nghiệm tương tác (hoặc sử dụng các nguồn sẵn có), giúp người học có thể tự kiểm tra mức độ hiểu bài của mình ngay sau mỗi bài đọc-hiểu hoặc nghe-hiểu. Các bài tập này có thể biên soạn bằng các phần mềm chuyên biệt hoặc bằng chính các ứng dụng văn phòng thường dùng. Thực tế giáo dục cho thấy phần lớn giáo viên đều có bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan, và đây chính là lúc để phát huy tác dụng của các bộ câu hỏi này.
Với những môn hay những bậc học chỉ áp dụng phương pháp kiểm tra tự luận, người dạy cũng có thể có nhiều cách để giao bài tập cho người học (cùng với tài nguyên đã nêu trên). Dĩ nhiên sẽ mất thêm thời gian để nhận bài và chấm bài, nhưng ở đây chủ yếu để có phản hồi giúp người học biết được mình đúng sai chỗ nào nhằm tự khắc phục.
Kết quả bài làm từ xa trong hoàn cảnh này không thể cho phép dùng để tính điểm chính thức, vì khó có cách nào xác định được rằng có phải đúng người mang tên đó đã làm bài tập đó trong quãng thời gian yêu cầu mà không có ai khác trợ giúp hay không.
4Để tăng cường động cơ học tập của người học, đặc biệt từ cấp II trở lên, nên kết hợp bổ sung các hoạt động thảo luận nhóm từ xa có hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời, khuyến khích người dạy tổ chức các bài tập nhóm, giao nhiệm vụ phối hợp để cùng vận dụng các kiến thức đã học qua các bài đọc-hiểu và nghe-hiểu.
Các hoạt động nhóm này có thể khai thác mọi công cụ cá nhân trong tầm tay người dạy và người học (e-mail, hệ thống chia sẻ tài liệu, mạng xã hội, ứng dụng di động…), nhưng đặc biệt ưu tiên các gói giải pháp chuyên dụng ưu đãi cho ngành giáo dục như G Suite for Education, Office 365 Education…
5Từ những thay đổi hướng tiếp cận như trên, các buổi hội thoại trực tuyến có hình sẽ không còn phục vụ mục đích bê nguyên bài giảng trên lớp lên mạng nữa. Nhiệm vụ ưu tiên ở đây sẽ là nhằm giải đáp thắc mắc, thảo luận hoặc hướng dẫn trực tiếp những nội dung, vấn đề quan trọng mà người học không thể giải quyết được bằng cách tự học hay làm việc nhóm từ xa. Số lượng cuộc họp cũng như thời lượng mỗi cuộc họp sẽ giảm đi đáng kể.
Đồng thời, do đã trải qua các hoạt động tự học và làm việc nhóm mà không giải quyết được nhu cầu, động lực tham gia cũng như mức độ hứng thú tập trung của người học trong buổi hội thoại với người dạy sẽ cao hơn nhiều.
Nếu kết hợp được hài hoà các hướng tiếp cận trên, chúng ta có thể tin rằng những giải pháp tức thời trước mắt sẽ không bị phung phí, dàn trải. Ngược lại, đó sẽ là một phần chuẩn bị đáng kể các năng lực học tập cơ bản của người học trong thời đại công nghệ số: tự học, đọc-hiểu, nghe-hiểu, phối hợp nhóm, sử dụng thành thục các công cụ làm việc cá nhân và hợp tác trực tuyến… Bản thân người dạy qua quá trình này cũng có thể tích luỹ kinh nghiệm và cải thiện khả năng sử dụng các công cụ dạy học từ xa, nâng cao tay nghề sư phạm của mình.
• Xem thêm: Thị trường giáo dục trực tuyến (E-Learning) ở Việt Nam
6Về lâu dài, mỗi trường cần chủ động nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kĩ thuật của mình sao cho đủ năng lực truyền tải và tích hợp đầy đủ các công cụ cần thiết phục vụ các hoạt động dạy và học đa dạng khác nhau, hạn chế việc sử dụng phân tán các công cụ cá nhân riêng lẻ. Bên cạnh đó cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ người học kết nối, sử dụng CNTT-TT phục vụ học tập.
7Cuối cùng, mỗi đơn vị đều cần xây dựng một chương trình hoàn chỉnh về đào tạo và bồi dưỡng năng lực sử dụng công nghệ số trong dạy và học dành cho cán bộ, giáo viên và sinh viên, học sinh.
Hơn thế nữa, chương trình bồi dưỡng này phải được thực hiện thường xuyên nhằm giúp họ sử dụng thành thục các phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến tích hợp trong hệ thống của nhà trường trong hoạt động dạy học hàng ngày. Khi đó, việc dạy học từ xa sẽ trở thành hoạt động bình thường, diễn ra liên tục trong năm, bổ trợ cho dạy học tập trung trên lớp. Đó sẽ là nền tảng cần thiết để hệ thống giáo dục có khả năng ứng phó cao hơn và hiệu quả hơn trong các tình huống khẩn cấp (nếu có) tương tự về sau.