Nhắc đến mì ăn liền, người Việt Nam hầu như không ai xa lạ với cái tên mì Hảo Hảo và sự gắn bó lâu năm của một doanh nghiệp Nhật Bản với thị trường này: Công ty Acecook. Nhân kỷ niệm 23 năm ngày bán hàng sản phẩm đầu tiên, Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi bước đường thành công của thương hiệu đến từ đất nước mặt trời mọc này.
Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, có thể nói Acecook đã tạo được dấu ấn riêng biệt khi đến từ Nhật Bản nhưng lại thành công trong việc chinh phục khẩu vị của phần lớn người dân Việt Nam và có số lượng hàng bán ra lên đến gần 3 tỉ sản phẩm mì ăn liền mỗi năm. Theo ông, cách thức nào đã giúp Acecook đạt được điều đó?
Khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi xác định yếu tố quyết định thành công của một sản phẩm thực phẩm là khẩu vị phải phù hợp với người địa phương. Vì vậy, Acecook không áp đặt công thức, hương vị của Nhật để sản xuất mì gói tại Việt Nam mà hoàn toàn trao quyền cho bộ phận Nghiên cứu và phát triển sản phẩm là người Việt quyết định. Song song đó, chúng tôi yêu cầu sản phẩm của mình phải đạt mức an toàn, chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Toàn bộ kỹ thuật sản xuất, máy móc dây chuyền ở Acecook Việt Nam đều là công nghệ tiên tiến nhất của đất nước Nhật Bản.
Công tác quản trị chất lượng luôn được chú trọng ở mức tối đa tại Acecook nhằm mang lại sự an toàn, an tâm cho người tiêu dùng. Trong số đó có thể kể đến như nhà cung cấp nguyên vật liệu của chúng tôi luôn được đánh giá trước khi mua hàng và định kỳ hằng năm, dựa trên tiêu chí đạt chứng nhận ATVSTP trong nước và các tiêu chí cơ bản của các tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, thực phẩm quốc tế như BRC, IFS Food, HACCP và ISO 9001. Ngoài ra, họ còn được yêu cầu cam kết không sử dụng phụ gia ngoài danh mục, không chiếu xạ, NON GMO… và thân thiện môi trường.
Trong 23 năm phát triển tại Việt Nam, đối với ông đâu là cột mốc quan trọng nhất của Acecook?
Khi mới thành lập, do ứng dụng công nghệ và sử dụng toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản nên giá thành sản phẩm Acecook khá cao. Dù được người tiêu dùng khen ngợi chất lượng và hương vị nhưng với mức giá cao gấp đôi, gấp ba các loại mì gói khác, mì của chúng tôi tiêu thụ khá chậm với số lượng hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, trong suốt khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2000, chúng tôi phải liên tục huấn luyện, đào tạo cho các nhà cung ứng nguyên vật liệu Việt Nam nhằm tạo nguồn nguyên liệu thay thế có chất lượng không đổi nhưng giảm được giá thành.
Ngày đó, chúng tôi đã tìm đến từng nhà cung cấp nguyên liệu tại Nhật Bản, nhờ họ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, nâng cấp một số thiết bị, máy móc, hệ thống nhà máy cho các nhà cung cấp Việt Nam theo chuẩn của Acecook. Nhờ vậy đến năm 2000, chúng tôi có được những nhà cung cấp nguyên liệu trong nước chất lượng, đáp ứng nhu cầu và bắt đầu cân bằng về giá với thị trường. Lúc này Acecook cũng đã xây dựng được thương hiệu vững vàng và đội ngũ cán bộ nhân viên năng động, hiệu quả. Với tất cả những nỗ lực đó, mì Hảo Hảo ra đời, nhanh chóng được đón nhận và trở thành sản phẩm chủ lực của chúng tôi.
Hiện nay, thị trường mì ăn liền đã thay đổi khá nhiều so với 20 năm về trước, đặc biệt là sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Vậy theo ông, chiến lược của Acecook ban đầu có còn phù hợp ở thời điểm này và đâu là hướng đi mới của doanh nghiệp?
Đầu tiên, chúng tôi chủ trương phát triển không phải bằng cách cạnh tranh thị phần, mà bằng cách gia tăng nhu cầu của cả thị trường. Thông qua định hướng tạo ra nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, miếng bánh thị trường theo đó lớn lên, các doanh nghiệp trong ngành đều có thêm cơ hội tăng trưởng. Tuy nhiên, những năm vừa rồi tại Việt Nam có rất nhiều thông tin không đúng về mì ăn liền, khiến cho mức tiêu thụ của ngành hàng bị giảm sút. Vì vậy, chúng tôi đặt ra chiến lược trọng điểm trong giai đoạn từ đó đến nay là phải làm cho người tiêu dùng hiểu rõ và yên tâm về mì ăn liền cùng sản phẩm Acecook. Bởi với thực phẩm, nếu không tin tưởng mà vẫn phải ăn thì sẽ không cảm nhận được trọn vẹn vị ngon. Khi người dùng không cảm thấy loại thực phẩm nào đó ngon thì nhà sản xuất dù có tâm huyết cũng sẽ mất đi nguồn cảm hứng sáng tạo và niềm hạnh phúc.
Tiềm năng từ thị trường tiêu dùng Việt Nam còn lớn, chiến lược hiện nay và sắp tới của chúng tôi là tập trung khai thác những dòng sản phẩm mới, hương vị mới, phương pháp kinh doanh mới. Chẳng hạn như mì ly, một sản phẩm rất phổ biến ở Nhật Bản lại mới chỉ chiếm 2% thị trường mì ăn liền Việt Nam. Bên cạnh việc giữ vững phân khúc mì gói, chúng tôi đang đẩy mạnh phân khúc mì ly như một cách nâng tổng mức tiêu thụ mì của cả thị trường. Tại Thái Lan, Trung Quốc, mì ly hiện chiếm 20% tổng mức tiêu thụ mì ăn liền và ngày càng chiếm tỷ trọng cao so với mì gói. Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng này với sự xuất hiện của hàng ngàn siêu thị và cửa hàng tiện lợi và nhịp sống công nghiệp hóa ngày càng lan rộng khiến người tiêu dùng ngày càng muốn tiết kiệm thời gian.
Bên cạnh đó, hiện chúng tôi cũng đang đầu tư mạnh vào các sản phẩm làm từ gạo như bún, phở, hủ tíu. Đây chính là thế mạnh và niềm tự hào của ẩm thực Việt Nam, được đón nhận không chỉ ở trong nước mà còn ở châu Âu, Mỹ… Khi xuất khẩu gạo, giá trị là 1, nhưng khi xuất khẩu một sản phẩm chế biến từ gạo thì giá trị có thể tăng lên từ 3-5 lần. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là tiếp tục mang những sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam có chất lượng cao ra thị trường thế giới, mang niềm tự hào Việt Nam vào sản phẩm và triển khai ra toàn cầu.
Ông có thể chia sẻ thêm về triết lý hoạt động “Cống hiến cho sự phát triển của xã hội thông qua con đường “Thực” của Acecook?
Triết lý trên được đúc kết bởi nhà sáng lập Acecook và được tuyệt đối tuân thủ ở cả Acecook Nhật Bản, Acecook Việt Nam, Acecook Myanmar. Ứng với triết lý trên chúng tôi có slogan “Cook happiness” với ý nghĩa: Ưu tiên số một của tập đoàn không phải là lợi nhuận, mà là sự hài lòng, hạnh phúc của người dùng. Chỉ khi được người tiêu dùng tin tưởng, chúng tôi mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Chúng tôi tự tin phát biểu điều này như chúng tôi đã tự tin tổ chức các chuyến tham quan nhà máy, cho người tiêu dùng được chứng kiến tận mắt công nghệ sản xuất, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Acecook Việt Nam.
- Acecook nằm trong Top 10 công ty uy tín của ngành thực phẩm – đồ uống năm 2017
- Acecook ở vị trí 27 trong “Top 100 nơi làm việc tốt nhất VN”
- Học bổng Acecook VN 2018 tiếp tục đồng hành cùng sinh viên vượt khó của chín trường đại học
Cuối cùng, ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu của Acecook Việt Nam trong giai đoạn sắp tới?
Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ gia tăng tiêu thụ mì ly đến 15 – 20% toàn ngành mì của Acecook, so với mức 5% hiện nay. Công ty cũng tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, với các sản phẩm mới như phở ly, miến tô… Ngoài ra, Acecook Việt Nam vừa ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại với Ringer Hut để kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực tại Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 8-2018. Đây là nhà hàng chính gốc Nhật, với nguyên liệu từ sợi mì đến nước xúp… đều sản xuất theo chuẩn Nhật, còn thực đơn sẽ gồm các món ăn được chế biến với kỹ thuật đặc thù, thơm ngon và mang đậm hương vị truyền thống, nguyên bản.
Xin cảm ơn ông!