Theo như định nghĩa của Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy các kỹ năng của thế kỷ XXI, gọi tắt là AT21CS (Assessment and Teaching of 21 Century Skills), kỹ năng của thế kỷ XXI bao gồm bốn nhóm kỹ năng mềm (soft skills) chính, trong đó nhóm thứ nhất có kỹ năng tự học suốt đời và nhóm thứ ba là nhóm kỹ năng sử dụng các công cụ làm việc như sự hiểu biết các kiến thức chung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một kỹ năng thiết yếu trong thế kỷ này và sẽ được triển khai mạnh mẽ trong những năm sắp tới cùng với sự phổ biến của internet, smartphone và dịch vụ 4G được triển khai vào năm 2017, tạo cơ hội thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực giáo dục. Giáo dục không chỉ ở phạm vi trường lớp mà sẽ diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi và mọi lứa tuổi. Điều đó sẽ dẫn đến một xã hội học tập trong tương lai, học tập là việc suốt đời của một công dân thế kỷ XXI.
Sự tiến bộ của CNTT sẽ ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta học và truy cầu tri thức. Một vấn đề quan trọng là kỹ năng học cách học (learn how to learn) sẽ cần được dạy cho học sinh để họ có thể tự học trong suốt cuộc đời mình. Cùng với các học liệu mở (open courseware) được các trường đại học lớn như MIT, Stanford, Harvard,… các website như edx, Coursera, Khan Academy,… học sinh và sinh viên Việt Nam sẽ được tiếp cận những kiến thức ở tầm quốc tế với những giáo sư hàng đầu thế giới.
Từ năm 2000, CNTT đã được đưa vào chương trình nghị sự như là một đối tượng của giáo dục và là một công cụ sư phạm quan trọng trong việc đổi mới giảng dạy. Hơn nữa, theo chỉ số phát triển CNTT (Liên đoàn Viễn thông Quốc tế ITU, 2009-2011), những tiến bộ vượt bậc về cải thiện khả năng tiếp cận CNTT đã được thực hiện tại Việt Nam. Một báo cáo của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục của các nước Đông Nam Á (SEAMEO, 2010) đã chỉ ra rằng những hướng dẫn chính sách, cơ sở hạ tầng CNTT và các nguồn lực trong các trường học tại Việt Nam có thể cung cấp những điều kiện cần và đủ cho một số trường học để chuyển đổi quá trình học tập và giảng dạy có ứng dụng CNTT. Nói chung, có một cái nhìn lạc quan về bức tranh CNTT trong giáo dục ở Việt Nam mặc dù hiện tại thì còn khá nhiều vấn đề.
Trong một báo cáo về thực trạng của CNTT trong giáo dục ở các nước Đông Nam Á, Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục của các nước Đông Nam Á đã xác định những lĩnh vực tích hợp CNTT trong giáo dục Việt Nam (2012) gồm: Cơ sở hạ tầng và nguồn lực trong trường học; phương pháp dạy và học; phát triển chuyên môn cho giáo viên và lãnh đạo trường học; CNTT trong chương trình quốc gia; cộng đồng/đối tác; đánh giá; đánh giá và nghiên cứu.
Phần tiếp theo trình bày sơ lược về thị trường giáo dục trực tuyến (E-Learning) ở Việt Nam thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng phục vụ CNTT trong giáo dục.
Thị trường E-Learning ở Việt Nam
Trong năm 2013, năm thị trường tự học trực tuyến (Self-paced E-Learning) lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ và Úc (Ambient Insight 2014).Về tốc độ tăng trưởng, Myanmar là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 50,2%/năm giai đoạn 2013-2018.Việt Nam đứng thứ tư về tốc độ tăng trưởng, khoảng 40%/năm giai đoạn 2013-2018.
Tại Việt Nam, giáo dục là một trong những ngành được ưu tiên cao nhất và được hưởng các nguồn đầu tư cao nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm tới. Với định hướng đó, Việt Nam đã quyết định đưa công nghệ thông tin vào tất cả mọi cấp độ giáo dục nhằm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng học tập trong tất cả các môn học và trang bị cho lớp trẻ đầy đủ các công cụ và kỹ năng cho kỷ nguyên thông tin. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp triển khai E-Learning và thi trực tuyến. Chẳng hạn như cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-Learning” năm học 2009-2010; hay cuộc thi giải toán qua mạng tại website Violympic.vn; hay cuộc thi Olympic tiếng Anh (IOE) trên mạng xã hội Go – ioe.go.vn.
Những năm trước đây, số lượng website E-Learning ở Việt Nam rất ít và chưa thực sự phải là những giải pháp E-Learning tổng thể cũng như chưa tuân theo các chuẩn cho E-Learning trên thế giới. Từ năm 2006, việc triển khai ứng dụng E-Learning đã có nhiều khởi sắc, một phần là được sự quan tâm của chính phủ, một phần là sự nỗ lực của các doanh nghiệp CNTT nghiên cứu, triển khai E-Learning.
Một số website E-Learning ở Việt Nam:
- 2007: Trung tâm Học Mãi ra mắt website luyện thi đại học, bồi dưỡng văn hóa trực tuyến Hocmai.vn.
- 8-2012: Website E-Learning dành cho tiểu học đầu tiên ra mắt: Chamhoc.vn.
- Cuối năm 2012: VNG ra mắt website E-Learning Zuni.vn, cung cấp bài học và luyện thi các cấp, ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm.
- 5-2013: Viettel ra mắt trang E-Learning viettelstudy.vn, cung cấp các bài học ngoại ngữ, luyện thi các cấp và kỹ năng mềm.
- 6-2014: Báo Tuổi Trẻ cùng IIG ra mắt website E-Learning.tuoitre.vn, cung cấp các bài học ngoại ngữ.
- 6-2014: MobiFone ra mắt website mStudy.vn, cung cấp các bài học luyện thi các cấp và ngoại ngữ.
Như vậy về mặt Mobile Learning thì các nhà mạng lớn ở Việt Nam cung cấp sản phẩm này có Viettel với sản phẩm viettelstudy.vn và MobiFone với sản phẩm mStudy.vn
Theo khảo sát hơn 30 website E-Learning tiêu biểu của Công ty More (www.idgvv.com.vn) cho thấy, bốn nhóm dịch vụ giáo dục trực tuyến phổ biến hiện nay là cung cấp khóa học ngoại ngữ, các chương trình ôn thi/bài giảng kiến thức phổ thông (cấp 2, cấp 3) và khóa học kỹ năng. Tương ứng với bốn nhóm dịch vụ là các nhóm người dùng:
– Kiến thức phổ thông: người đang học tại các trường cấp 2 hoặc cấp 3 khắp mọi miền, có nhu cầu học bồi dưỡng song song với chương trình tại trường để nâng cao kết quả học tập hoặc chuẩn bị cho kỳ thi. Họ tìm kiếm các video bài giảng, đề luyện thi, tham gia thi thử và cả học ngoại ngữ.Họ có tinh thần học tập tốt và khả năng, ý thức tự học cao. Tuy nhiên, hạn chế của nhóm này là khả năng chi trả cho các khóa học thấp và điều kiện truy cập internet hạn chế.
– Ngoại ngữ và kỹ năng: đối tượng học phổ biến là sinh viên và người đã đi làm. Họ tham gia học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, và các kỹ năng với mong muốn phát triển bản thân và đạt mục tiêu nghề nghiệp. So với đối tượng học sinh, nhóm sinh viên – người đi làm có điều kiện truy cập internet dễ dàng hơn, khả năng chi trả cho các khóa học cao hơn, và tự chủ hơn khi quyết định tham gia khóa học.
– Trong nhóm các kỹ năng, kỹ năng phát triển bản thân (giao tiếp, tư duy, quản lý cảm xúc,…) và kỹ năng khoa học nghệ thuật (photoshop, trang điểm,…) nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Kế đến là các kỹ năng chuyên môn/kinh doanh (xin việc, xây dựng thương hiệu, quảng cáo Facebook,…).
– Bên cạnh khóa học ngoại ngữ hay kỹ năng, nhóm người trung niên, đã có gia đình, còn quan tâm đến các khóa học đời sống gia đình như kỹ năng nuôi con, học với con.
Những vấn đề người học quan tâm, theo kết quả khảo sát của Quỹ từ thiện Cộng đồng người sử dụng internet Việt Nam và Công ty cổ phần VNG với 839 người tham gia trả lời, thì ba rào cản đối với những người ôn thi/học trực tuyến là: việc thu phí (35%); phải kết nối internet thường xuyên (24%) và khó tìm kiếm đề thi/bài giảng cần thiết (16%). Còn theo khảo sát của DeltaViet (2014), “nội dung bài giảng hấp dẫn” và “được học với giảng viên uy tín” là yếu tố rất quan trọng để thu hút người học trực tuyến.