Sự đồng bộ chúng ta cần tìm kiếm ở đây, một mặt đó là giữa những biện pháp cá nhân với các giải pháp hệ thống. Mặt khác, cũng cần sự đồng bộ giữa đáp ứng nhu cầu khẩn cấp ngắn hạn với chuẩn bị các điều kiện cả cần lẫn đủ trong trung hạn và dài hạn. Cuối cùng, có một khía cạnh rất đáng quan tâm, đó là tính chất công bằng của các giải pháp được áp dụng.
1Hãy nói trước tiên về sự công bằng. Trong môi trường dạy học tập trung, bất kể người học sống ở đâu, ăn mặc thế nào, đi lại ra sao, những phương tiện cần thiết nhất cho việc học đều được nhà trường đảm bảo và với mức đầu tư ngang bằng cho toàn bộ người học.
Các phương tiện thiết yếu đó bao gồm phòng ốc, bàn ghế, sách giáo khoa hay giáo trình, máy móc thực hành, đồ dùng thí nghiệm, v.v. Khi học trực tuyến, người học buộc phải có thêm phương tiện làm việc cá nhân từ xa (tối thiểu là máy tính, tai nghe hoặc loa, webcam, kết nối Internet), với khả năng đầu tư hoàn toàn khác biệt, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng gia đình.
Cá nhân người viết làm ban đại diện cha mẹ học sinh của một lớp 8 tại một trường thuộc một quận trung tâm của thành phố đông dân nhất nước. Trong số 46 học sinh, 10 em (trên 20 %) có cả cha lẫn mẹ chỉ dùng điện thoại di động để liên lạc mà không dùng bất cứ phương tiện điện tử hay công nghệ nào khác (kể cả e-mail, mạng xã hội hay các ứng dụng thảo luận nhóm).
Con số nhỏ này tuy không đủ tính đại diện, nhưng cũng có thể giúp chúng ta suy nghĩ cẩn trọng hơn, tránh nhận định mặc nhiên rằng tất cả các gia đình học sinh, sinh viên đều có thể dễ dàng trang bị máy móc phương tiện cho con em mình học tập từ xa.
2Tiếp theo, đó là xu hướng sử dụng các bài giảng video trực tuyến thay thế bài giảng trên lớp. Về mặt kĩ thuật, dung lượng tối thiểu của một đoạn video dài 5 phút thường dùng trực tuyến hiện nay dao động trong khoảng 50-100 MB. Một bài giảng video dài 40 phút (trực tiếp hoặc phát lại) sẽ tốn ít nhất 400-800 MB; chất lượng video càng cao dung lượng càng lớn. Các gói thuê bao Internet cố định cho máy tính với băng thông tiêu chuẩn hiện nay dao động khoảng từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi tháng.
Nếu dùng dữ liệu Internet di động, một trong các gói cước ưu đãi nhất hiện giờ cũng tốn 200.000 đồng/tháng để có 2 GB mỗi ngày, chỉ trong một buổi học là đã “hết vốn”. Nhà nào càng có nhiều tiền để mua băng thông và lưu lượng dữ liệu cao hơn thì nghe và nhìn càng “sướng”. Còn ít tiền, dùng các gói truy cập tiêu chuẩn thì âm thanh hình ảnh lúc rõ nét lúc mờ nhoè rột rẹt tuỳ ý, không thể đảm bảo ổn định.
Các hoạt động tự học và làm việc hợp tác hiệu quả trong học tập từ xa chính là yếu tố quyết định giúp phá vỡ tình trạng người học bị “cô lập” khỏi một môi trường thuần tuý dành cho giáo dục.
Bởi vậy, nếu chỉ tập trung vào các bài giảng video (truyền hình hoặc trực tuyến), không chỉ hiệu quả sư phạm rất hạn chế như đã nêu, mà còn dễ dẫn tới bất công về mặt xã hội. Tức là, các biện pháp áp dụng chỉ khuyến khích những gia đình có điều kiện thuận lợi về kinh tế, phương tiện, thiết bị kết nối, truy cập nội dung giáo dục.
Còn các gia đình khó khăn hơn thì hoặc là phải chấp nhận thiệt thòi trong việc tiếp cận nội dung giáo dục, hoặc là phải chấp nhận tốn kém thêm chi phí để con em mình không thua thiệt so với bạn học.
Trong khi đó, có một nguyên tắc công bằng cần đảm bảo trong giáo dục, đó là nhà giáo dục phải tạo đủ các điều kiện tối thiểu để mọi người học đều có khả năng tiếp cận như nhau đến những dịch vụ giáo dục thiết yếu nhất. Giống như trong một thùng nước làm từ các thanh gỗ ghép, mực nước chỉ dâng cao đến sát mép của thanh gỗ thấp nhất.
Thay vào đó, vẫn có những cách dạy học khác đạt hiệu quả mà giảm bớt bất công xã hội. Điểm cốt lõi nằm ở chỗ, người dạy cần quan niệm khác về việc học từ xa. Đó không phải là một bản sao máy móc của lớp học tập trung, nơi các mục tiêu của một bài học gói gọn trong một bài giảng, với sự tương tác đồng thời mặt đối mặt giữa người dạy và người học.
Ở đây, người học phải tự mình chủ động đạt được các mục tiêu đó trong một môi trường không phù hợp cho việc học thuần tuý, do đó cần một quãng thời gian dài hơn (có thể rải ra trong nhiều buổi, nhiều ngày) và sự hợp tác nhóm mạnh mẽ hơn với các bạn cùng học.
3Từ nguyên tắc đó, có thể chia ra các hoạt động tự học (kết hợp nghe – hiểu, đọc – hiểu, tự kiểm tra đánh giá) và hợp tác nhóm (thảo luận, phối hợp làm bài tập nhóm).
Với một môn học được thiết kế mỗi tuần 2-3 tiết, người học sẽ có thể chia thành nhiều lượt làm việc vào các thời điểm khác nhau trong tuần, để đảm bảo vẫn có thể hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc được giao mà không nhất thiết phải ngồi tập trung trước màn hình nghe giảng liên tục mỗi lần 90-135 phút. Các hoạt động tự học và làm việc hợp tác hiệu quả trong học tập từ xa chính là yếu tố quyết định giúp phá vỡ tình trạng người học bị “cô lập” khỏi một môi trường thuần tuý dành cho giáo dục.
Sự thay đổi này có vẻ đơn giản, nhưng thực ra đòi hỏi một sự nỗ lực vô cùng lớn của cá nhân người giáo viên. Trước tiên là ở cách trình bày tài nguyên học tập dành cho người học. Trong dạy học tập trung, sách hay giáo trình thường quá dài hoặc khô khan (dẫn đến khó đọc khó nhớ), trong khi đó các bài giảng tóm tắt dưới dạng trình chiếu thường quá cô đọng (dẫn đến khó hiểu) vì chỉ dùng để dẫn dắt ý tưởng để giáo viên giảng giải trong buổi dạy.
Trong dạy học từ xa, người dạy phải dành nhiều thời gian biên soạn các bài hướng dẫn đọc – hiểu sao cho vừa đủ chi tiết để dễ hiểu (thay cho lời giảng được nghe trên lớp), vừa đủ ngắn để không gây cảm giác uể oải và tâm lí ngán ngẩm.
Không dừng lại ở đó, hoạt động cá nhân đọc – hiểu này sẽ dễ rơi vào bế tắc, do trình độ người học trong một lớp luôn có sự chênh lệch, nên rất cần sự hỗ trợ thông qua các bài tập tự kiểm tra đánh giá (để đo lường mức độ hiểu bài của mình), cũng như các hoạt động thảo luận, hợp tác nhóm. Tục ngữ có câu “học thầy không tày học bạn”, sẽ nghiệm rất đúng trong trường hợp này.
Thế là, người dạy lại phải dày công thiết kế các bài tập trắc nghiệm (với những công cụ, phần mềm riêng), cũng như đầu tư suy nghĩ công phu cho việc tổ chức các diễn đàn thảo luận nhóm và giao nhiệm vụ trong các bài tập nhóm. Mỗi một việc trong số đó lại đòi hỏi thêm kinh nghiệm và thời gian để tìm kiếm, học hỏi các công cụ và phương pháp tổ chức phù hợp.
Tất cả những thay đổi nói trên, lí tưởng nhất là phải được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, toàn diện ngay từ đầu trong chính sách và kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT-TT trong dạy học của từng trường. Nếu chưa có, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đang cần những biện pháp gấp rút ngắn hạn, thì bắt đầu quan tâm đến việc đó vẫn chưa muộn. Điều đáng mừng là ở các cấp độ khác nhau đã có không ít sáng kiến và nỗ lực khắc phục những rào cản hiện thời, tích cực áp dụng nhiều cách làm khác nhau, dù hiệu quả có thể chưa cao hoặc chưa đồng bộ.
- Xem thêm: Những chi phí ngầm của học online
Trước tiên, Bộ GD&ĐT đã liên tục có những chủ trương, chỉ đạo sát sao trong việc điều chỉnh khung thời gian năm học, tinh giản chương trình. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) cũng nhanh chóng huy động các doanh nghiệp và đơn vị trong lĩnh vực TT&TT cam kết hỗ trợ miễn phí phát sóng truyền hình hoặc cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên (dù chưa rõ cách thức thực hiện như thế nào).
Các Sở GD&ĐT nhiều địa phương đã nỗ lực bắt tay vào việc quay phim, ghi hình, ghi âm bài giảng để phát trên truyền hình hay cho truy cập trên Internet… Các trường đại học cũng chủ động tìm các cách khác nhau để khuyến khích thầy cô tham gia giảng bài trên mạng. Giáo viên nhiều nơi dù không có nhiều kinh nghiệm vẫn hăng hái vào cuộc, vừa làm vừa học, dù muôn vàn sự cố nảy sinh dẫn đến lắm chuyện cười ra nước mắt.
Dĩ nhiên, trong thực tế luôn có những đơn vị, cá nhân có sự chuẩn bị bài bản hơn hoặc tích luỹ nhiều kinh nghiệm hơn từ trước. Nhưng nhìn chung trong bức tranh tổng thể, có thể thấy rằng một số nguyên tắc cơ bản trong dạy học từ xa chưa được hiểu rõ. Trong khi đó, chỉ cần lưu tâm một chút thì những biện pháp “chữa cháy” tức thời hoàn toàn có thể có tác dụng đều khắp hơn, giúp tập trung sức lực và chi phí cho những khoản đầu tư thực sự thích đáng.
Còn tiếp…