Bà xã ngày nào cũng đọc phần quảng cáo nhà đất trước. Ai lỡ cầm cả xấp quảng cáo bỏ ra để chỉ đọc tin tức là cô ấy vặn vẹo truy tìm. Vừa là đi tìm căn nhà hợp túi tiền, vừa là thú vui mua bán của cô ấy từ xưa.
Tôi nhìn vào phần quảng cáo nhà, nhiều lúc đánh vần không ra, không hiểu, vì họ viết tắt quá nhiều. Những chữ dễ như MT (mặt tiền), hướng ĐN (Đông Nam), TTTM (trung tâm thương mại) hay XLHN (xa lộ Hà Nội) thì còn đoán ra, chứ nhiều chỗ tôi chịu, thí dụ “Nhà đường Cao Thắng, có sổ hồng HXH…” là tôi chịu.
Cô ấy nói, là “hẻm xe hơi”, có vậy mà cũng không suy ra được. Vì săn tìm nhà trên quảng cáo, cô ấy đưa ra kết luận: “Nói bất động sản vỡ mộng ở đâu ấy chứ, cứ tìm trên quảng cáo thì còn cao ngất ngưởng. Có cả căn nhà rao mấy trăm tỉ đồng. Đố ai tìm ra nhà tàm tạm ở được trong mấy quận nội thành với giá ba tỉ đồng”.
- Xem thêm: Nhà vườn… chết giấc
Tôi liếc vào tờ quảng cáo trên tay cô ấy, nhanh mắt tìm ngay ra: “Nhà nát, cần đáo nợ ngân hàng bán cực rẻ, chỉ một tỉ rưỡi đây này”. Cô ấy “xì” một tiếng dài: “Xin lỗi, đến nơi mà xem, chẳng như quảng cáo đâu. Nhà như cái ống, nhỏ xíu, không ở được, mà còn tiền xây mới nữa, không tính sao?”. Tôi nói, “Có cả những nền nhà chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng, em không nghe à?”. Cô ấy trả lời: “Có, có đấy, nhưng ở mãi trên…Bình Dương kia, bỏ hết buôn bán làm ăn học hành, chui lên cái chung cư hoặc căn hộ nhỏ xíu ấy giữa cánh đồng chỉ vì nó hợp túi tiền, rồi… cạp đất mà ăn à?”. Bây giờ cả xã hội đua nhau ăn nói thẳng tưng như cô người mẫu. Biến hóa rất ghê. Ngay quảng cáo nhà cũng vậy. “Căn hộ ven sông Sài Gòn, cách quận 1 chỉ 5km, mặt tiền sông, tiếp nối Tân Sơn Nhất, Bình Lợi”. Nhà ở gần Q.1 mà tiếp nối với Tân Sơn Nhất, bên sông Sài Gòn thì làm sao hình dung ra?
Với dân chỉ loanh quanh trung tâm thì chẳng khác nào nói “căn hộ ở ngay trung tâm quận 3 nhưng sát bên Hóc Môn và Nhà Bè. Không hiểu cái bản đồ địa lý vẽ kiểu gì nữa. Trận địa đất đai là rối mù nhất. Nhưng nếu không, chẳng lẽ báo chí và các chuyên gia kinh tế, địa ốc nói sai? Rõ ràng chung cư cao cấp đang chết cứng, người ta còn đưa ra con số bao nhiêu căn hộ ế không bán được, đến hạn đáo nợ ngân hàng.
Một quan chức trả lời phỏng vấn báo chí đã khẳng định: “Nếu có tiền thì tôi sẽ mua nhà…”. Bà xã tôi cười: “Đó, các nhà lãnh đạo ăn nói sao mà mỗi khi họ nói, dân cười ồ. Nào là để quên câu hỏi ở nhà khi đăng đàn Quốc hội. Nào là đập thủy điện chưa chắc đã sập. Nay lại đến ông nếu có tiền sẽ mua nhà. Vấn đề là bây giờ làm gì có ai còn tiền nữa mà mua. Giống như đứt vốn chết hàng loạt. Người nào còn tiền thì họ cũng không dại gì đi mua nhà trong lúc ế ẩm. Như lúc trẻ tuổi đói khổ ăn cái gì cũng được thì nghèo xác xơ không có mà ăn, đến khi làm lụng suốt đời có chút tiền muốn ăn gì cũng có thể mua, thì không ăn được nữa.
Bây giờ không biết tiền đi đâu hết. Nhà băng là người giữ tiền cho dân thì nói có cho vay cũng không đòi được, bị nợ xấu, nói thẳng ra là còn lâu mới nói chuyện trả nợ. Doanh nghiệp không có vốn chết hàng loạt. Không biết tiền đi đâu ấy nhỉ? Có ông hậm hực lên án: “Dân giữ 500 tấn vàng, không chịu đưa ra sản xuất lưu thông”. Tội dân to thật.
- Xem thêm: Tôi sẽ… dời đô
Nói một hồi, cô ấy than: “Nhà cửa đô thị ngày càng hoành tráng, mà như mình đây, trí thức trong giới tinh hoa chứ gì? Lương không mua nổi cái nhà mà ở”. Tôi vặn: “Thế em đang ở ngoài đường, gầm cầu à? Chẳng thấy ai chết đói, chẳng thấy ai vô gia cư. Ai cũng có xe đi. Dân Việt du học Mỹ ngày càng tăng, đứng loại đông nhất nhì chứ kém sao? Những người rao bán nhà đó, họ rao thế này: “Vỡ nợ cần bán gấp rẻ căn nhà… giá 80 tỉ”! Cả 100 tỉ cũng có. Đó, vỡ nợ, đáo nợ, bán gấp, bán rẻ đó…”. Cuối cùng thì rút ra thế này: Cuộc đời vẫn thế. Cái gì đắt cứ đắt, cái gì rẻ thì không rẻ nữa. Nói làm gì đóng băng với lại chảy băng, chẳng bao giờ có.