Ở Bạc Liêu, bún nước lèo được bán khắp nơi từ những gánh hàng rong cho đến những quán ăn gia truyền nổi tiếng; và có thể thưởng thức món ăn này vào nhiều thời điểm trong ngày: ăn sáng, ăn xế, ăn tối hay ăn khuya, nhưng không gì bằng vào buổi chiều trời mát, sau khi xong việc bè bạn rủ nhau đi ăn tô bún nước lèo.
Bước chân chưa tới quán bún, đã nghe hương thơm ngào ngạt của nước lèo chứa trong nồi đất. Để có nồi nước lèo thơm ngon ấy, phải chọn con mắm sặt trộn nhiều thính đem nấu cho rã chỉ còn xương rồi lọc lấy nước. Nguyên liệu đi kèm là cá, tôm – phải là cá lóc đồng tươi sống làm sạch luộc nguyên con, bỏ xương lấy nạc, tôm đất tươi còn nhảy cũng luộc rồi lột vỏ. Hỗn hợp nước luộc cá, luộc tôm được cho vào nồi mắm, thêm nước dừa xiêm và sả nguyên cây đập dập nấu tiếp. Tuy nhiên, nước lèo có hương vị đậm đà hơn khi có thêm củ ngải bún đâm nhuyễn vắt lấy nước, trước khi nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Nước lèo ngon nhờ chất ngọt của tôm cá, nước dừa, nhưng không được quá mặn dù phải dậy mùi mắm. Ăn kèm với bún nước lèo phải có bắp chuối, giá, húng cây và hẹ xắt khúc vừa ăn. Bún sợi to, trụng nước sôi cho vào tô bên trên lớp rau giá, thêm cá và vài con tôm lên rồi chan nước lèo đang sôi trên bếp. Và đừng quên hẹ, húng cây, chút bì thính, ớt bằm, lát chanh trước khi thưởng thức tô bún nước lèo tuyệt hảo! Ở nơi này nơi khác, có khi chủ quán cho thêm mực tươi, heo quay, chả lụa… vào tô bún, nhưng đúng vị và ngon nhất vẫn là tô bún với cá lóc, tôm và bì thính.
Vào ngày lễ lớn, nhất là những ngày tết ở Bạc Liêu quê tôi, tại các hội chợ, các sân khấu cải lương, hát đình…, nói chung ở những nơi mọi người tập trung vui chơi luôn có mấy gánh bún nước lèo để khách du xuân sau khi mỏi chân ghé lại xì xụp một tô mà thấy đời sao đẹp quá! Nhớ hồi cuộc sống còn nhiều khó khăn, buổi sáng cô giáo tôi phải giữ nghề giáo bằng gánh bún nước lèo bán ngoài chợ Bạc Liêu, mỗi lần ghé gánh hàng của cô lần nào tôi cũng được ăn bún nước lèo đến no căng. Chòm xóm láng giềng nhà này nấu nồi bún hay nồi chè cũng mang biếu mấy nhà bên cạnh, cuộc sống tuy nghèo nhưng thơm thảo.
“Về Bạc Liêu đừng quên món bún nước lèo” – tôi luôn dặn bạn bè thế khi họ có dịp về với vùng đất của Bạch Công tử; nơi nghệ sĩ Cao Văn Lầu đã khai sinh bài Dạ cổ hoài lang bất hủ…