Trong hơn nửa thế kỷ qua, chính phủ của tất cả các nước trên thế giới đều giao cho một công ty duy nhất tại Thụy Sĩ nắm giữ mọi thông tin về bí mật tình báo, quân sự, ngoại giao của mình bằng cách mua thiết bị mã hóa thông tin nhãn hiệu Cripto. Về thực chất, nó là tài sản của CIA và tình báo Đức! Kết quả là nước Mỹ đã nghe lén được tất cả, ngoại trừ Liên Xô, Trung Quốc và khối xã hội chủ nghĩa.
Công ty Cripto AG có được hợp đồng đầu tiên cung cấp máy mã hóa thông tin cho quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai. Tiền bạc phủ phê, nó trở thành nhà chế tạo thiết bị mã hóa hàng đầu suốt mấy chục năm, trôi theo làn sóng kỹ thuật từ cơ khí cho đến mạch điện tử, sau cùng là với con chip silicon và phần mềm.
Công ty Thụy Sĩ này kiếm được hàng triệu đô la tiền bán thiết bị cho hơn 120 quốc gia ngay trong thế kỷ 21. Khách hàng của nó bao gồm cả Iran, các tập đoàn quân phiệt tại các nước Mỹ La tinh, hai đối thủ hạt nhân Ấn Độ – Pakistan và cả Vatican. Nhưng điều mà chẳng có khách hàng nào biết: nó là sở hữu của CIA hợp tác với tình báo Tây Đức.
Những cơ quan tình báo này chen vào thiết bị của công ty để dễ dàng bẻ khóa mật mã mà các quốc gia chuyển gởi thông tin. Trò chơi kéo dài suốt mấy chục năm, được giấu kín tuyệt đối trong Chiến tranh lạnh, đã bị báo The Washington Post và cơ quan truyền thông Đức ZDF đưa ra ánh sáng. Họ phát hiện ra các sĩ quan CIA điều hành chương trình cùng với các quan chức công ty tín cẩn. Họ tìm về nguồn gốc câu chuyện cũng như những xung đột nội bộ suýt làm cho chiến dịch bị bại lộ.
Bằng cách nào Hoa Kỳ và đồng minh có thể khai thác sự cả tin của các nước khác để vừa lấy tiền, vừa đánh cắp được những bí mật của họ? Chiến dịch ban đầu được đặt tên là Thesaurus, về sau đổi tên là Rubicon, thuộc loại liều mạng nhất trong lịch sử CIA.
Từ năm 1970 trở đi, CIA và “đồng nghiệp” chuyên bẻ khóa của nó là Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) kiểm soát gần như toàn bộ các chiến dịch của Cripto. Cùng với đối tác Đức, họ chủ trì các quyết định, thiết kế kỹ thuật, bẻ khóa mật mã, xác định các mục tiêu khách hàng.
Họ giám sát các giáo chủ Iran trong cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, cung cấp tin tức của quân đội Argentina cho nước Anh trong cuộc chiến giành quần đảo Falklands, theo dõi các chiến dịch ám sát các nhà độc tài Nam Mỹ và bắt các sĩ quan tình báo Libya dưới thời Gaddafi tham gia đánh bom một hộp đêm tại Berlin năm 1986.
Chương trình này cũng có giới hạn. Các đối thủ chính của nước Mỹ lúc đó là Liên Xô và Trung Quốc chẳng bao giờ là khách hàng của Crypto. Mối nghi ngờ công ty này có liên quan với phương Tây khiến cho Liên Xô và Trung Quốc được miễn trừ, dù rằng các điệp viên Mỹ vẫn theo dõi chặt chẽ các nước có quan hệ với Moscow và Bắc Kinh.
Có một số tiết lộ khiến cho Cripton bị nghi ngờ như một số thư từ qua lại giữa các quan chức của NSA và Cripto, nhưng không đủ để kết tội họ. Những câu nói hớ hênh của các quan chức, kể cả Tổng thống Ronald Reagan, cũng làm cho công luận chú ý, nhất là sau vụ bắt giữ một nhân viên Cripto vào năm 1992 tại Iran đã gây ra một trận bão thông tin không nhỏ.
- Xem thêm: Điệp viên trong đời thực
Nhưng mối quan hệ thực sự giữa Cripto và CIA cùng cơ quan tình báo Đức chưa bao giờ bị công khai hóa. Tình báo Đức (BND) lo sợ nguy cơ bị lộ tẩy là quá lớn nên đã từ chối tham gia từ đầu thập niên 1990. Nhưng CIA đã mua lại cỗ phần của người Đức và tiếp tục khai thác Crypto cho các điệp vụ của mình đến năm 2018. Lúc đó, thị trường an ninh toàn cầu của công ty bị sụt giảm nghiêm trọng do kỹ thuật mã hóa online bùng phát, khi điện thoại thông minh có mặt khắp nơi.
Mặc dù vậy, công việc của Cripto vẫn còn thích hợp với tình báo hiện đại. Chứng cớ là những tiết lộ của Edward Snowden vào năm 2013 về sự tham lam vô độ muốn kiểm soát toàn cầu của Chính phủ Hoa Kỳ. Cripto cũng có những quan hệ đáng ngờ với các công ty nước ngoài như Kaspersky của Nga, quan hệ mật thiết với Liên đoàn Ả Rập Thống nhất và tập đoàn truyền thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.
Câu chuyện này dựa vào lịch sử của CIA, BND và những cuộc phỏng vấn các cựu quan chức tình báo phương Tây và nhân viên Cripto. Nhiều người đã tiết lộ với điều kiện không được nêu danh tính, chứng tỏ vấn đề rất nhạy cảm.
Công ty Crypto AG do nhà phát minh kiêm doanh nghiệp gốc Nga Boris Hagelin (1892- 1983) sáng lập. Cách Mạng Tháng Mười nổ ra, ông bỏ chạy sang Thụy Điển. Năm 1940, ông lại chạy tiếp sang Hoa Kỳ khi phát xít Đức chiếm đóng Na Uy, mang theo một chiếc máy mã hóa thông tin to bằng quyển tự điển bách khoa dày. Không an toàn và tiến bộ như chiếc máy Enigma mà phát xít Đức sử dụng trong Thế chiến thứ hai, nhưng chiếc máy M-209 của Hagelin nhỏ gọn, có thể xách tay, vận hành bằng cách quay tay và rất thích hợp với quân đội khi di chuyển.
Trong suốt Thế chiến thứ hai, công ty đã bán được 140.000 chiếc máy M-209 cho quân đội Mỹ với giá 8,6 triệu USD thông qua công ty sản xuất máy đánh chữ Smith Corona tại Syracuse, bang New York. Sau Thế chiến thứ hai, Hagelin quay trở về Thụy Điển, mở lại công ty khi mang theo một số tiền không nhỏ và lòng biết ơn vô hạn với nước Mỹ.
Trong một bữa ăn tối tại câu lạc bộ Cosmos ở Washington năm 1951, Hagelin và giới tình báo Mỹ bắt tay nhau. Lúc này ông đã chuyển công ty của mình sang Thụy Sĩ và chỉ bán hàng cho những người khách được CIA chỉ định! Hàng là những chiếc máy mã hóa thông tin hiện đại nhất. Bù lại, ông được ứng trước 700.000 USD. Mối quan hệ này được giữ kín tuyệt đối.
Năm 1967, Cripto cho ra đời phiên bản máy mới tên là H-460 hoàn toàn điện tử do NSA thiết kế. Khi đó, công ty sản xuất ra 2 dòng sản phẩm: loại “an toàn” để bán cho các chính phủ thân hữu và loại có “gài bẫy” để bán cho các nước khác! Các chính phủ nước ngoài khen ngợi kiểu máy mới này tốt hơn hẳn loại cơ khí cũ, nhưng thực ra là để cho NSA đọc lén thông tin dễ dàng hơn!
Liên minh hợp tác Mỹ-Tây Đức
Đến cuối những năm 1960, Hagelin đã gần 80 tuổi, ông lo lắng cho tương lai của công ty, vốn đã tăng lên và có đến hơn 180 nhân viên. Các quan chức CIA cũng lo lắng nếu ông chết bất ngờ hay bán lại công ty cho người khác.
Hagelin đã có lúc muốn giao quyền thừa kế cho con trai tên Bo Hagelin. Nhưng tình báo Mỹ lại xem anh ta như một người xấu, không muốn cộng tác. Bo Hagelin chết trong một tai nạn giao thông tại Beltway, thành phố Washington năm 1970. Không có chứng cớ gì để kết luận đó là một trò bẩn thỉu!
Nhiều năm trước, các quan chức tình báo Mỹ đã bàn đến chuyện mua lại Cripto, nhưng tranh cãi giữa CIA và NSA khiến họ không thực hiện được cho đến khi hai cơ quan tình báo khác nhảy vào cuộc. Các cơ quan tình báo Pháp, Tây Đức và nhiều nước châu Âu khác đánh hơi biết được sự thông đồng giữa Hoa Kỳ và Cripto, hay tưởng tượng theo cách thức của mình. Một số ghen tức và tìm mọi cách để cũng được hợp tác như họ.
Năm 1967, Hagelin được tình báo Pháp tiếp cận với đề nghị cùng hợp tác với Tây Đức mua lại công ty. Hagelin từ chối và mách lại với các quan chức Mỹ. Nhưng 2 năm sau, Đức đi “cửa hậu” và được sự đồng ý của Hoa Kỳ!
Trong một cuộc họp vào đầu năm 1969, tại Tòa đại sứ Tây Đức ở Washington, Wilheim Goeing, người lãnh đạo dịch vụ mã hóa, đưa ra đề nghị mua lại và mời Mỹ tham gia. Mấy tháng sau, Giám đốc CIA Richard Helms chấp thuận ý kiến mua lại Crypto và đặt một chi nhánh tại Bonn, thủ đô Tây Đức, để thương lượng. Một quan chức CIA lúc đó nói với Goeing: “Pháp phải bị loại ra ngoài!”
Hai cơ quan tình báo đồng ý góp vốn bằng nhau, mua Crypto với giá 5,75 triệu USD và giao cho người Đức tìm mọi cách che mắt công luận. Một công ty luật tại Liechtenstein tên Marxer & Goop che giấu lý lịch của các ông chủ mới bằng một loạt tên giả khi đăng ký hoạt động.
Họ được trả lương hàng năm để câm miệng lại. Chỉ có người quản gia của Hagelin tên Sture Nyberg còn ở trong ban giám đốc biết rõ CIA và BND là chủ thật sự của Cripto. Ông này rời bỏ công ty vào năm 1976, không ai biết còn sống hay đã chết và đang ở đâu.
CIA sử dụng một căn cứ bí mật tại Munich, thoạt đầu là doanh trại quân đội Mỹ và sau này là một tòa nhà sát vách lãnh sự quán Hoa kỳ để làm tổng hành dinh điều hành công việc. Họ sử dụng bí danh để làm việc. Cripto được gọi là Minerva; chiến dịch này có tên Thesaurus, đến thập niên 1980 chuyển thành Rubicon.
- Xem thêm: Lịch sử đối đầu giữa CIA và FBI
Ngay từ đầu, sự hợp tác đã gặp trở ngại vì những tranh chấp nhỏ mọn và càng lúc càng căng thẳng. Với CIA, BND quá chú tâm đến phân chia lợi nhuận và luôn nhắc nhở họ rằng đây là một cơ quan tình báo, không phải một cỗ máy in tiền! Người Đức mắng lại là Mỹ chỉ muốn rình rập tất cả, không tha cho cả những đồng minh thân thích nhất của mình trong NATO như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý.
Do khả năng giới hạn khi phải điều hành một công ty kỹ thuật cao, cả hai phải thuê người ngoài trợ giúp. Đức thuê Siemens, một tập đoàn điện tử có trụ sở tại Munich, cố vấn về kinh doanh và kỹ thuật, để được chia lợi nhuận 5%.
Hoa Kỳ thuê công ty Motorola thiết kế những sản phẩm mới. Với sự hỗ trợ tích cực của hai cơ quan tình báo hàng đầu thế giới và hai công ty điện tử lớn nhất, doanh thu của Cripto tăng vọt, số lượng nhân viên đến 250 người. Suốt 20 năm, nó chiếm lĩnh hầu hết thị trường thông tin nội bộ của các chính phủ nước ngoài.
Nghi vân Iran
“Đế chế nghe lén” của NSA được tổ chức xoay quanh 3 mục tiêu địa chính mang bí danh như sau: A là Liên Xô, B là châu Á và G là dành cho các nước khác. Nhưng đến đầu thập niên 1980, hơn phân nửa hoạt động tình báo của nhóm G đều phải thông qua các máy mã hóa của Crypto. Lý do là hết cuộc khủng hoảng này nối tiếp cuộc khủng hoảng khác.
Năm 1978, khi các lãnh tụ Ai Cập, Israel và Hoa Kỳ họp tại Trại David để bàn về hiệp ước hòa bình, NSA đã bí mật nghe lén những cuộc điện đàm của Tổng thống Ai cập Anwar Sadat gọi về Cairo. Một năm sau, khi các chiến binh Iran tràn vào Tòa đại sứ Hoa Kỳ, bắt 52 người Mỹ làm con tin, Chính phủ Jimmy Carter tìm cách giải thoát cho họ thông qua Algeria. Inman, giám đốc NSA lúc đó, nói ông thường xuyên được Tổng thống Carter gọi điện hỏi chế độ của Giáo chủ Khomenei phản ứng ra sao với các thông tin mới nhất.
Ông kể: “Chúng tôi có thể trả lời cho những câu hỏi này đến 85%!” Bởi vì người Iran và người Algérie đang sử dụng máy móc liên lạc của Cripto. Inman còn nắm được những thông tin quỷ quái nhất khi nghe lén chính phủ Libya.
Đó là Billy Carter, em trai của Tổng thống, nhận tiền hối lộ của đại tá Gaddafi để bảo kê quyền lợi của Libya tại Washington. Inman đã chuyển hồ sơ vụ này sang Bộ Tư pháp. FBI bắt đầu điều tra về gia đình Tổng thống Jimmy Carter vốn đang chối phăng tất cả! Cuối cùng, Billy Carter không bị truy tố, nhưng đồng ý đăng ký là một nhân viên làm việc cho nước ngoài.
Trong suốt thập niên 1980, danh sách khách hàng dẫn đầu của Cripto giống hệt như danh sách các điểm nóng trên thế giới. Năm 1981, Ả Rập Saudi là khách hàng lớn nhất của Cripto, tiếp theo là Iran, Ý, Indonesia, Iraq, Libya, Jordan va âHàn Quốc.
Để bảo vệ thị trường của mình, Cripto và những ông chủ bí ẩn của nó tung ra những chiến dịch với các đối thủ và hối lộ các quan chức chính phủ. Cripto gởi một nhân viên đến thủ đô Ryadh của Ả Rập Saudi với 10 chiếc đồng hồ Rolex trong hành lý. Rồi sắp xếp một khóa huấn luyện cho người Ả Rập tại Thụy Sĩ. Nơi đây các học viên được bao bọc cả tiền ăn, ở và “vào nhà thổ” bằng tiền của công ty.
Năm 1982, Chính quyền Reagan lợi dụng sự tín nhiệm của Argentina vào thiết bị của Cripto để cung cấp tin tức cho nước Anh trong trận hải chiến tranh giành quần đảo Falklands. Hồ sơ không nói rõ đó là tin tức tối mật gì.
Tổng thống Reagan cũng lợi dụng thiết bị Cripto để trả đũa vụ đánh bom hộp đêm disco tại Tây Berlin năm 1986 giết chết 2 binh sĩ Mỹ và một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. 10 ngày sau, ông ta ra lệnh đánh bom Libya, làm chết một đứa cháu gái của Đại tá Gaddafi.
Trong cuộc nói chuyện với quốc dân, Tổng thống Reagan cho biết chứng cớ Lybia ra tay là trực tiếp, chính xác và không thể chối cãi được! Chứng cớ đó là Tòa đại sứ Lybia tại Đông Berlin đã nhận được lệnh tiến hành tấn công một tuần trước khi sự việc xảy ra. Rồi sau khi nổ bom, họ lại báo cáo cho Tripoli là nhận nhiệm vụ cự kỳ thành công.
Lời của Tổng thống Ronald Reagan cho thấy rõ những cuộc điện đàm giữa Tripoli với trạm của mình ở Đông Berlin đã bị nghe lén và giải mã! Nhưng Libya không phải là quốc gia duy nhất bị Tổng thống Reagan nắm lấy chứng cớ quả tang. Iran vốn biết Libya đang sử dụng thiết bị truyền tin do Crypto cung cấp, đã bắt đầu nghi ngờ. Nhưng vẫn Chính phủ nước này không phản ứng gì cả cho đến 6 năm sau.