Đa số chúng ta thích xem những phim về điệp viên đầy sức cuốn hút và mê đọc những tiểu thuyết về những nhân vật bí ẩn này. Nhưng chúng ta thật sự biết gì về hoạt động gián điệp? Trong đời thật, các điệp viên cũng hành động “xuất quỉ nhập thần” như trong phim và sách?
Hòa mình vào khung cảnh xung quanh
“Vỏ bọc” của một điệp viên, hay căn cước giả, được xác định trong từng chi tiết. Cựu nhân viên CIA Amarylis Fox, với vỏ bọc như nhà buôn nghệ thuật ở Pakistan, phải trải qua vài trăm giờ làm việc nhằm thử thách khả năng ứng biến, từ bị nhét nhầm giấy thông hành hội nghị đã hết hạn vào túi đeo lưng cho đến một năm vùi đầu vào văn khố báo điện tử với những người liên quan không hiện hữu. Một điệp viên kỳ cựu thuộc Mossad (Cơ quan Tình báo Israel) có đến 6 vỏ bọc khác nhau trong đời nghề.
Điệp viên phải tránh gây sự chú ý nên các cuộc truy đuổi ngoạn mục bằng xe hơi rất hiếm khi xảy ra. Các điệp viên được đào tạo để thoát thân trong trường hợp bị theo đuổi hay bị xe khác va phải hoặc đâm ngã, nên họ là những tay lái giỏi. Khía cạnh này mang phần nào “tính chất James Bond”, nhưng các cuộc rượt đuổi với tốc độ cao lại rất hiếm, chỉ xảy ra khi nhiệm vụ diễn biến xấu. Nếu mọi sự suôn sẻ, điệp viên lái xe với tốc độ cho phép trong suốt thời gian làm nhiệm vụ để không ai nhận ra sự hiện diện của họ. Một cựu điệp viên nhấn mạnh: “Chỉ một lần phóng xe như bay và vỏ bọc của tôi đi đứt”.
Các điệp viên cũng là bậc thầy về cải trang. Tại trụ sở CIA, có một xưởng hóa trang, chứa đầy trang phục, mặt nạ và tóc giả. Sự thay đổi vẻ ngoài cũng rất quan trọng: tóc thẳng biến thành tóc xoăn, trẻ trở nên già nhờ màu tóc muối tiêu. Có thể thay đổi dáng đi bằng cách đeo thanh chêm vào một chân hay đổi giọng nói nhờ một vòm nhân tạo nhét trong miệng. Xe và trang phục của điệp viên phải được chọn cẩn thận để phù hợp với vỏ bọc và giúp họ không bị chú ý. Một điệp viên có thể có một tủ áo vĩ đại, nếu vỏ bọc của anh ta là một chàng bảnh trai, hào hoa, hay một doanh nhân toàn cầu.
Một số khía cạnh đời thường
Sinh hoạt thường ngày của một điệp viên không phải lúc nào cũng sôi động như trên màn ảnh. Phần lớn thời gian trong ngày của họ trôi qua thật buồn chán. Thường là phải chờ đợi và ấp ủ các toan tính trước khi tìm ra một thông tin nền tảng đáng giá. Trong thời gian ấy, họ đi thơ thẩn chỗ này chỗ kia, hoặc tham dự các cuộc họp vô bổ chẳng đi đến đâu… Họ phải có sự kiên nhẫn cần thiết để vượt qua các giai đoạn trì trệ này.
Dù công việc nghiêm túc và nguy hiểm, nơi làm việc của nhân viên mật vụ Anh không vì thế mà thiếu sự hài hước. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC, một nhân viên MI6 cho biết cơ quan thường tổ chức một nhạc kịch truyền thống mỗi năm vào dịp Giáng sinh. Cả MI5, MI6 và GCHQ đều mở những cuộc thi về ẩm thực.
Các điệp viên cũng thích lui tới các nhà hàng, nhưng không vì thức ăn. Các quán cà phê và nhà hàng là những nơi mà hoạt động gián điệp diễn ra một cách đa dạng. Học đánh giá một nhà hàng như một chỗ họp tiềm ẩn là một yếu tố then chốt trong đào tạo. Tất cả đều có thể hữu ích. Kẻ vào, người ra liên tục, những chỗ ngồi khuất, những góc riêng là một ưu thế.
Các điệp viên cũng thích xem phim nói về nghề của họ, ngay cả khi các phim này đầy dẫy những tình tiết thiếu chính xác. Một nữ điệp viên Anh thừa nhận cô thường xem phim truyền hình nhiều tập của Mỹ với nữ diễn viên Sandra Oh của Canada thủ vai điệp viên Eve Polastri, làm việc cho MI6. Cô nói thêm các diễn viên diễn rất tuyệt, nhưng cũng có lúc cô muốn đập màn hình TV và gào lên: “Giả quá!”. Các cựu điệp viên CIA cũng thường được tham vấn cho một số phim gián điệp, chẳng hạn Zero Dark Thirty, ra mắt năm 2012.
Dựa trên tâm lý hơn dụng cụ công nghệ
Qua phim, chúng ta tưởng rằng điệp viên sử dụng công nghệ cao, vũ khí hay những màn rượt đuổi ly kỳ bằng xe hơi. Nhưng thực tế không phải vậy. Các kỹ thuật thường dùng bao gồm tâm lý học cơ bản và sự hiểu biết nền tảng về động cơ hành động. Ngay cả những nhân viên tình báo kiểu như James Bond cũng làm việc nơi văn phòng và phân tích những cách lấy tin (nếu phim như thật thì không thể tạo nên những bộ phim hấp dẫn). Tuy vậy, MI6 sở hữu những công nghệ hàng đầu, cung cấp đủ loại “hàng mới”, hiệu quả không kém hàng của James Bond.
Những điệp viên giỏi phải biết tự vệ. Võ thuật, kỹ thuật cận chiến, sử dụng súng nằm trong chương trình huấn luyẹân căn bản của các điệp viên. Cơ thể không cần cơ bắp cuồn cuộn như lực sĩ, nhưng cần sức khỏe dồi dào. Vì công việc gây stress tương đối cao, không thể tương hợp với một tỷ lệ cholesterol cao.
Theo Emily Brandwin, cựu nhân viên CIA, các nhân viên của cơ quan này bị cấm không được quan hệ tình ái để moi tin hay củng cố sự hợp tác. “Tôi luôn bị đặt những câu hỏi kiểu như “Bạn đã ngủ với bao nhiêu người do công việc?”. Nhưng không phải cơ quan tình báo nào cũng tôn trọng nguyên tắc này”.
Một số nguyên tắc hành động
Phải biết giữ bí mật. Đa số các điệp viên phải giữ kín công việc của bản thân, không được hé môi với các thành viên trong gia đình trong một thời hạn nào đó. Suốt 10 năm, cha mẹ của một cựu nhân viên mật vụ Mỹ cứ tưởng anh là một người bán hàng, trong khi anh là nhân viên CIA ở Afghanistan. Nữ điệp viên Nga Elena Vavilova mang vỏ bọc là nhân viên môi giới bất động sản ở Canada trong vòng 2 năm, và con trai của cô chỉ biết công việc thật của mẹ sau khi cô bị bắt vào năm 2010.
Các điệp viên hiếm khi hạ sát đối thủ. Vince Houghton, chuyên viên về gián điệp, giải thích các quốc gia thiết lập cơ quan tình báo hầu như không bao giờ giết điệp viên của các nước đối đầu. Họ có thể bắt giữ hay thẩm vấn, trong đa số trường hợp họ chỉ muốn trục xuất kẻ ấy. Điệp viên kình dịch có thể bị giam giữ, nhưng rốt cuộc sẽ được thả ra vì ngay lúc họ hạ sát điệp viên quốc gia khác, quốc gia ấy cũng có thể đáp trả tương tự với điệp viên của họ hay cuộc sống của người ấy trở nên “không chịu đựng nổi”. Ngược lại, các nhóm khủng bố không theo qui luật này của các quốc gia, nên điều tối tệ nhất có thể xảy ra.
- Xem thêm: Mata Hari là nạn nhân hay gián điệp?
Viên cyanure là huyền thoại hay thực tế? Theo Atlas Obscura, hình ảnh một điệp viên mang theo bí mật xuống mồ bằng cách nuốt cyanure dấu trong một răng giả là chuyện bắt nguồn từ Chiến tranh lạnh. Còn các cựu điệp viên CIA Amaryllis Fox và Lindsay Moran kể rằng họ đã được chỉ dẫn cách tự tử trong chương trình đào tạo, và các viên độc chất gây chết được cung cấp cho một số phi công và điệp viên Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh lạnh. Theo Vince Houghton, những tình huống tự tử không xảy ra trong đời thật.