Nếu muốn có một công việc, bạn chỉ cần làm đủ 8 giờ mỗi ngày và dễ dàng lên kế hoạch cho bữa ăn tối hay những chuyến picnic cuối tuần. Còn nếu muốn có một sự nghiệp phù hợp với đam mê, bạn luôn tập trung vào hiệu quả công việc và khả năng phát triển bản thân hơn là của cải, quyền lực và danh vọng. Bạn “trả giá” nhiều hơn về thời gian, tiền bạc và cả sự thất bại, nhưng thành quả lại cho niềm hạnh phúc lớn lao… Đây là một vài nét so sánh về sự khác nhau giữa công việc và sự nghiệp của Giáo sư Bill Barnett (Đại học Rice, bang Texas, Mỹ) trong cuốn sách Chiến lược cho nghề nghiệp: Hãy để các nguyên lý kinh doanh dẫn lối cho bạn”.
Sự nghiệp cần có đam mê
Thi Anh Đào từng khởi nghiệp năm 24 tuổi với Công ty quảng cáo trực tuyến Emerald Consulting. Năm năm sau, Emerald Consulting lọt vào Top ba công ty tư vấn hàng đầu ở lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, Anh Đào trở thành người Việt Nam đầu tiên được tạp chí Campaign Asia vinh danh là một trong 40 gương mặt nữ tiêu biểu trong ngành truyền thông quảng cáo châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 30 người có ảnh hưởng tích cực đối với giới trẻ do tạp chí Forbes bình chọn. Để có được thành quả này, cô làm việc đến 20 giờ mỗi ngày và nhiều năm “tạm gác” chuyện yêu đương, gia đình, bạn bè sang một bên… Cô nói đó là những thứ phải “hy sinh” khi theo đuổi một sự nghiệp. “Công việc thường chỉ mang lại giá trị về vật chất là chủ yếu, chúng ta đi làm ngày 8 tiếng và mong đợi được tăng lương nhờ sự chăm chỉ của mình. Còn sự nghiệp mang đến những giá trị to lớn nên cần sự cam kết lớn hơn và phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức”.
Còn theo TS Phan Thanh Hiếu, chuyên gia tuyển dụng nhân sự cấp cao, thì điều kiện để có một công việc nào đó thường chỉ xoay quanh trình độ chuyên môn và một số kỹ năng mềm cơ bản. Còn nếu muốn phát triển sự nghiệp, chúng ta cần phải nắm chắc chuyên môn, các kỹ năng được cập nhật và mở rộng các mối quan hệ của mình. Thành quả của công việc được tính bằng lương và phúc lợi, còn thành quả của sự nghiệp lại tính bằng sự hài lòng của chính bạn và sức ảnh hưởng của bạn trong xã hội. Người có sự nghiệp vững chắc sẽ được xã hội trân trọng, vì nó thể hiện vốn sống lẫn những kỹ năng, kinh nghiệm làm việc mà họ đã tích góp được trong suốt thời gian dài trước đó.
Như vậy, cao hơn cả một công việc, sự nghiệp là một mô hình dài hạn của công việc, thường là trải qua nhiều công việc. Sự nghiệp bao hàm sự phát triển nghề nghiệp để xây dựng những kỹ năng qua một khoảng thời gian, nơi mà một người chuyển dần từ người mới tập việc thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định. Mặt khác, theo TS Phan Thanh Hiếu, đam mê là yếu tố nhất định phải có để bạn không dễ dàng bỏ cuộc trên con đường gây dựng nên sự nghiệp của mình.
“Đam mê là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp, giống như tình yêu trong hôn nhân vậy. Hôn nhân không có tình yêu thì rất dễ tan vỡ vì nhiều bất đồng giữa vợ chồng. Sự nghiệp sẽ có lúc thăng, lúc trầm, có khi ẩn chứa những bước ngoặt mà bạn không thể lường trước, nếu không có đam mê thì chúng ta rất dễ chán nản, bỏ cuộc”, Thi Anh Đào nói. “Tuy nhiên, tôi không đề nghị các bạn trẻ xác định đam mê ở tuổi trung học, đại học. Điều này sẽ khiến các bạn cứ mải mê tìm kiếm đam mê trong vô vọng, đôi khi chẳng làm được gì. Vì đam mê thay đổi theo từng thời điểm trong cuộc đời, đôi khi mơ hồ bất định. Theo tôi, cứ bắt tay vào làm, đam mê sẽ xuất hiện”.
Như vậy, rất nhiều người trong chúng ta phải lựa chọn một sự nghiệp nào đó mà chưa nhận biết được đam mê. Lúc này, theo TS Phan Thanh Hiếu, chúng ta nên làm công việc mình giỏi hơn là công việc yêu thích. Vì đam mê thường đến sau khi bạn gặt hái được những thành công nhất định trong nghề nghiệp. Sự phấn khích và niềm hạnh phúc càng tăng thì càng củng cố thêm niềm đam mê của chúng ta, điều này thúc đẩy chúng ta cố gắng học hỏi, làm việc và phát triển nhiều hơn trong sự nghiệp.
Khởi nghiệp là sự nghiệp lâu dài
Nhà thiết kế Chương Đặng, một doanh nhân thành công trong cả lĩnh vực thời trang, ẩm thực cho rằng người khởi nghiệp không có nghĩa là tự mình kinh doanh. Bất kể làm thuê hay làm riêng, làm nhà nước hay công ty nước ngoài, nếu xác định nó là sự nghiệp, là công việc mà mình theo đuổi lâu dài đều có thể là khởi nghiệp. “Ý tưởng không thôi thì không đủ để khởi nghiệp, tài chính và nhân sự cũng chỉ là những bước rất cơ bản. Người khởi nghiệp phải là những con người có khả năng đưa tập thể đi qua những thời điểm khó khăn, vượt khỏi thử thách, và cống hiến những giá trị sâu sắc nhất. Họ phải là người từng trưởng thành qua những khó khăn và từng đối mặt với thất vọng, sự hiểu lầm, mất phương hướng và hồi sinh từ những lần tưởng đã cạn sinh lực”, Chương Đặng nói.
Còn theo Thi Anh Đào, những người trẻ quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp vì nghĩ rằng khởi nghiệp sẽ an nhàn, thảnh thơi hơn đi làm thuê thì phần lớn sẽ thất bại nhanh chóng. Thực tế, không có nhà khởi nghiệp nào chỉ làm 8 giờ mỗi ngày, họ cũng thường làm việc không lương ở những tháng đầu tiên, thậm chí phải bù lỗ. Nếu có ý thức trong việc lựa chọn sự nghiệp, chúng ta sẽ nhận ra rằng những thành quả quan trọng nhất đối với một sự nghiệp là hạnh phúc, sự mãn nguyện và sống có mục đích. Tất cả những thứ như tiền bạc, thành công sẽ tự động đến sau.
“Vì khởi nghiệp là sự nghiệp lâu dài nên bạn trẻ cần có tầm nhìn xa và thật rộng, lấy điểm đến của khu vực hoặc thế giới làm điểm khởi đầu. Có như thế, doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu mới được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản và bền vững. Nhìn thật xa, mơ thật to, nhưng bạn trẻ cần bắt đầu thật nhỏ, làm thật xuất sắc những công việc không tên, khiêm tốn trước những thành công bước đầu và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân, chuẩn bị sẵn sàng cho chính bản thân mình trước khi bước ra biển lớn”, bà Nguyễn Phi Vân, người sáng lập Công ty World Franchise Associates, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia nói.
Mặt khác, nếu xem khởi nghiệp là sự nghiệp thì chúng ta cũng cần xác định mình sẽ phải vượt qua một hành trình dài và nhiều chông gai. Từ kinh nghiệm tư vấn khởi nghiệp lâu năm, chị Nguyễn Nhã Quyên, Trưởng bộ phận phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp Startup Vietnam Foundation (SVF) đã giúp vạch ra hành trình 10 năm đầu tiên của một doanh nghiệp. Theo chị, năm đầu tiên dành cho việc thử nghiệm, xây rồi phá. Điểm quan trọng nhất trong giai đoạn này là hiểu được nhu cầu thật sự của thị trường, nắm chắc tâm lý chung của khách hàng cũng như tâm lý của ngành hàng bạn kinh doanh cũng như hiểu rõ được khả năng và nguồn lực của bản thân để điều chỉnh ý tưởng – sản phẩm – chiến lược – tầm nhìn. Hai năm tiếp theo là giai đoạn đi đến tận cùng với công thức đã tìm được. Sau khi tìm ra công thức món ăn đạt các quy chuẩn và được đón nhận bởi một nhóm khách hàng nhỏ, đây là giai đoạn chúng ta đưa món ăn tiếp cận một nhóm khách hàng lớn. Việc xây dựng bộ máy – năng lực sản xuất – cơ sở hạ tầng để đảm bảo nguồn cung cấp và chất lượng dịch vụ sẽ tạo nên gánh nặng tài chính, đôi khi nguồn doanh thu ngắn hạn hoạt động kinh doanh không kham nổi nên dẫn đến nhu cầu huy động tài chính.
Từ ba đến năm năm là bài toán mở rộng và tái đầu tư. Và ở giai đoạn từ sáu đến mười năm là mở rộng ngành nghề kinh doanh và hình thành tập đoàn. Lúc này không còn là giai đoạn lo về sống còn của doanh nghiệp mà đây là lúc các mẹ quyết định chơi tới hay là thôi cứ để làng nhàng sống vui khỏe cùng con cháu. Một số doanh nghiệp sẽ bắt đầu tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi để mở sang các ngành nghề kinh doanh khác, hình thành tập đoàn và các công ty con. Lúc này sẽ có các hoạt động M&A, ta mua mình ít, mình mua lại đứa khác ít, nhằm mở rộng thị trường, có thể vượt biên giới hoặc vượt châu lục…
Có thể thấy, sự nghiệp khởi nghiệp có thể kéo dài nhiều năm, cũng có thể kết thúc rất nhanh. Nhưng khi chấp nhận dấn thân vào con đường này, các bạn trẻ đã phải tự đặt ra những cam kết và trách nhiệm cho cuộc chơi của mình. Nếu người khởi nghiệp có sự cân bằng giữa đam mê và trách nhiệm, giữa chuẩn bị kỹ lưỡng và mạo hiểm đúng lúc đồng thời tận dụng tốt những nguồn lực con người thì khởi nghiệp sẽ là hành trình tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp nhất của người kinh doanh.