Công nghệ sẽ thay đổi phân khúc du lịch nội địa như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh nhiều start-up lớn trên thế giới như RedDoorz hay OYO mở rộng và khai thác cơ hội tại Việt Nam, một thị trường nghỉ dưỡng đang phát triển?
Trong kỷ nguyên của công nghệ bất động sản (proptech) và công nghiệp 4.0, các trang đặt phòng, truyền miệng và mạng xã hội, có thể làm gián đoạn nhưng cũng mang lại những nhiều lợi ích cho ngành khách sạn.
Trong khi AirBnB đã hoàn toàn thay đổi cuộc chơi và chiếm được thị phần, thì các nền tảng như Booking hay Agoda và các trang khác đang cho phép nhiều người dùng hơn tiếp cận với các khách sạn.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng, ngành khách sạn nghỉ dưỡng đã và đang chịu áp lực từ việc vận hành các mô hình kinh doanh lỗi thời, do đó buộc phải thích nghi và thay đổi nhiều hơn so với các loại hình bất động sản khác.
Theo báo cáo của Travelport Digital, một nền tảng tương tác di động dành cho các thương hiệu du lịch, 35% tổng số người dùng đã tải ứng dụng về máy điện thoại để tìm kiếm các chuyến bay/ khách sạn, 27% tải ứng dụng về máy để đặt các chuyến bay/ khách sạn, và 19% bật thông báo từ các ứng dụng du lịch để nhận tin tức.
RedDoorz hay OYO, những startup nước ngoài, khi gia nhập vào thị trường Việt Nam đã tạo ra tiềm năng lớn cho sở hữu trí tuệ và chuyển giao giá trị cho Việt Nam. Một số startup Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch nội địa cũng nhận được sự ủng hộ, có thể kể đến: Luxstay, Vntrip, Ivivu, Vietnambooking.
Việt Nam đang ở trong một vị thế rất thuận lợi và dự kiến sẽ dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về du lịch với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 14% tính đến 2023, theo số liệu của Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương PATA 2019.
Phó tổng giám đốc của Savills Việt Nam cho rằng phân khúc khách sạn bình dân đang đứng trước nhiều cơ hội để nắm bắt lợi thế từ sự bùng nổ của du lịch trong tương lai ngắn hạn và trung hạn, nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi chi phí đầu tư thấp, do đó nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận.
Du lịch nội địa tại Việt Nam đang ở thời hoàng kim khi trung bình mỗi năm có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa so với con số 4 triệu của mười năm trước, cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập niên trước.
Việc du lịch phát triển bùng nổ trong thời gian gần đây được xem là một tin tốt. Nhưng ông Troy Griffiths nói chính điều này đã dẫn đến “tăng trưởng nhanh” và chủ yếu tập trung vào các phân khúc giá trị thấp và kéo theo một số lượng dịch vụ kèm theo.
Du lịch có đóng góp đáng ghi nhận vào GDP, năm 2018 khoảng 27 tỉ USD vào chiếm 8% GDP cả nước. Cấp số nhân GDP của du lịch Việt Nam là 1,6, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2019, trong khi con số này tại các nước Đông Nam Á khác là 2,4 và trung bình toàn cầu là 3,3.
Du lịch Việt Nam đã thu hút thành công khách du lịch bình dân. Nhưng Troy Griffiths vẫn nói cần chú ý hơn đến phát triển bền vững và có sự lưu tâm đặc biệt cho môi trường. Cạnh đó, du lịch cũng bao gồm nhiều nhân lực và dịch vụ khác, từ đó có ảnh hưởng đến một bộ phận dân số không nhỏ.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), tổng giá trị đóng góp của ngành du lịch cho GDP Việt Nam dự kiến sẽ đạt 9,8% trong 10 năm tới, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 10 trên 185 quốc gia toàn cầu. Dự kiến tổng lượt du khách sẽ tăng trưởng ở mức 13,5% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023 và đạt 29,1 triệu khách vào năm 2023.
“Phát triển du lịch cần được dịch chuyển lên trên chuỗi giá trị”, Troy Griffiths cho đó là phương thức để có được lợi nhuận cao hơn và thu hút một nguồn cầu lớn hơn với các dịch vụ kèm theo. Nhưng để đạt được điều này, ông nói cần có sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn lực và cũng cần có các đối tác hợp tác có năng lực và kinh nghiệm.
Việt Nam đã có “Đề án tổng thể Ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực Du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, các ứng dụng di động sẽ được đầu tư nhằm cải thiện chất lượng thông tin và trải nghiệm du lịch, ví dụ như hướng dẫn viên ảo hay ứng dụng phiên dịch.