Có nhiều cách giải thích về tên gọi “Ivy League”, đó là tên giải đấu thể thao của các trường đại học khu vực Bờ Đông của Hoa Kỳ, cũng là tên các dây thường xuân mọc trên tường những tòa nhà cổ trong khuôn viên sân trường…
Nhưng ngày nay, nhắc đến Ivy League là sự trầm trồ, ngưỡng mộ tám trường đại học nằm ở Bờ Đông nhưng danh tiếng đã vang khắp thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo, triệu phú Hoa Kỳ từng theo học tại Ivy League khiến tên tuổi các trường càng nổi như cồn.
Một khởi đầu vững chắc
Tám trường trong nhóm Ivy League đều là trường đại học tư có tuổi đời hàng trăm năm, thu hút nhiều sinh viên ưu tú.
Tỉ phú Bill Gates tuy dang dở học hành tại Harvard nhưng đã nhiều lần quay lại trường xưa trong vai trò diễn giả.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton cũng vừa mới nhận bằng tiến sĩ danh dự tại Yale sau 36 năm bà tốt nghiệp. Đương kim tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng học tại ĐH Colombia, ĐH Harvard.
Tổng thống Donald Trump đã học Trường Kinh doanh Wharton – thuộc đại học bang Pennsylvania; phóng viên, ký giả truyền hình nổi tiếng Anderson Cooper (Yale)…
Brown University: thành lập năm 1764, với tên gọi ban đầu là College of Rhode Island. Hiện ngôi trường tư này có hơn 8.000 sinh viên theo học. Trường đào tạo hơn 120 chuyên ngành, trong đó nổi tiếng ở các lĩnh vực khoa học xã hội, kiến trúc, sức khỏe cộng đồng, quản trị kinh doanh, hóa học và địa chất học…
Columbia University: nằm ngay trung tâm New York sầm uất, thành lập năm 1754 với tên gọi Kings College. Cơ sở của trường rộng lớn với hai campus chính ở ngoại ô Morningside Heights và Washington Heights.
Trường nổi tiếng đào tạo trong các lĩnh vực y khoa, khoa học, nghệ thuật, khoa học nhân văn, kinh tế, báo chí, y tá, sức khỏe cộng đồng, luật…
Cornell University: cũng là một trường tư, thành lập vào năm 1865, tọa lạc tại Ithaca, New York. Trường hiện có hơn 20.000 sinh viên ghi danh theo học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Dartmouth College: được thành lập vào năm 1769 ở vùng Hanover, New Hampshire, là một trong chín trường đại học thuộc địa được thành lập trước khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập. Hiện trường có quy mô nhỏ nhất nhóm Ivy với 5.700 sinh viên theo học các chuyên ngành nghệ thuật và khoa học, y khoa, kỹ sư, kinh tế…
- Xem thêm: Xin học bổng thể thao để học… ngành khác
Harvard University: là trường cổ xưa nhất trong nhóm Ivy, thành lập vào năm 1636. Trường có cơ sở vật chất rộng lớn đặt tại vùng Cambridge, Boston, nổi tiếng với các khoa nghệ thuật, khoa học, thiết kế, luật, y khoa, sức khỏe cộng đồng… Harvard cũng nổi tiếng vì có viện bảo tàng và thư viện rộng lớn, phong phú các loại sách…
The University of Pennsylvania: ra đời vào năm 1740 tại Philadelphia. Người có công xây dựng Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin cũng là một trong những người có công sáng lập nên trường đại học danh tiếng này.
Với hơn 24.000 sinh viên đăng ký ghi danh, trường có nhiều ngành tiếng tăm cho sinh viên chọn lựa như truyền thông, giáo dục, luật, nghệ thuật và khoa học, nha khoa, y khoa, thiết kế, điện tử, công nghệ thông tin, kinh tế, thú y, chính sách và thực tiễn…
Princeton University: tọa lạc tại Princeton, New Jersey được thành lập vào năm 1746 với tiền thân là College of New Jersey.
Đây là trường đại học đầu tiên của Mỹ áp dụng chính sách “không nợ” học phí cho sinh viên, trường có chính sách tài trợ học bổng hay các hỗ trợ khác cho những sinh viên cần giúp đỡ để trang trải tiền học phí.
Ngày nay, trường có hơn 7.000 sinh viên đang theo học nhiều chuyên ngành thuộc khoa học xã hội nhân văn, khoa học cơ bản, điện tử. Trường có thế mạnh về nghiên cứu ở lĩnh vực toán học, địa chất học, ngôn ngữ, tôn giáo, vật lý, âm nhạc, tâm lý học…
Yale University: hình thành vào năm 1701, đặt tại New Haven, Connecticut. Sinh viên có nhiều chọn lựa trong 12 ký túc xá thuộc trường, đảm bảo môi trường sống và học tập tiện nghi.
Trường có rất nhiều chương trình và đề tài nghiên cứu cho sinh viên, đặc biệt nổi tiếng ở các khoa nghệ thuật và khoa học, thần học, lâm nghiệp và môi trường, luật, quản trọ, y khoa, y tá, kiến trúc, kịch nghệ, âm nhạc…
Điều kiện đầu vào
Ở Việt Nam, nhiều học sinh khao khát gọi các trường thuộc Ivy League là “dream school”, diện trường “mơ ước” với đầu vào cao ngất ngưởng. Những trường này có nguồn lực tài chính mạnh nên cấp khá nhiều học bổng cho sinh viên quốc tế.
Nếu “biết mình biết ta”, sau khi tham khảo những tiêu chuẩn đầu vào, nếu thấy đáp ứng được, bạn đừng từ bỏ mơ ước của mình, hãy thử nộp hồ sơ vào trường, biết đâu may mắn sẽ mỉm cười.
Mỗi trường có một yêu cầu tuyển sinh riêng. Nguyên tắc đầu tiên không có gì khác so với những trường đại học khác, bạn cần dò tìm thông tin của trường trên internet, để biết yêu cầu tuyển sinh cụ thể của từng trường: cần mức điểm trung bình SAT bao nhiêu, điểm trung bình môn học GPA ra sao, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng đơn trúng tuyển/ số lượng đơn rớt, chính sách học bổng, các chính sách khác cho SV quốc tế…
Thông trường, các trường yêu cầu SAT 2000 hoặc cao hơn, GPA 3,75 điểm trung bình tối thiểu (thường các ứng viên đều có số điểm 4,0).
Các trường yêu cầu mức điểm rất cao và đòi hỏi ứng viên phải là người xông xáo trong các hoạt động xã hội, có những đóng góp cho cộng đồng, có khát vọng thăng tiến.
Các trường cũng đánh giá cao những ứng viên có kinh nghiệm lãnh đạo, thủ lĩnh các phong trào trường học nổi bật, các vận động viên suất sắc…
Nếu có ước mơ vào học một trong các trường thuộc Ivy League, các học sinh cần hăng hái hoạt động phong trào, công tác xã hội ngay từ bậc phổ thông để “ghi điểm”.
Bên cạnh đó, thư giới thiệu từ giáo viên, nhân viên tư vấn hoặc những người biết về bạn và có thể đánh giá tiềm năng của ứng viên là điều bắt buộc khi nộp hồ sơ vào các trường.
Các em cũng cần kiểm tra thời hạn chót nhận hồ sơ, bởi những trường tăm tiếng thường kết thúc việc tuyển sinh sớm hơn.
Ước tính chỉ có khoảng 8 – 15% ứng viên được Ivy League chấp nhận cho nhập học, khá thấp so với tỷ lệ 70 – 75% được “đồng ý” ở nhiều trường thường thường bậc trung khác.
Chưa có một con số thống kê chính thức nhưng phần đông các nhà tuyển dụng đều ưu tiên nhận sinh viên tốt nghiệp từ Ivy League, dù rằng các sinh viên này thường đòi hỏi mức lương cao hơn mặt bằng chung. Vì để có được một suất học ở trường, họ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngàn hồ sơ xin học khác.
Mặt khác, các trường tư Ivy League, học phí cao hơn hẳn nhiều trường tư khác (trung bình từ 37.000 USD đến hơn 50.000 USD/năm học).
Tuy nhiên, chưa có sinh viên nào trúng tuyển vào Ivy League mà bỏ học vì “con nhà nghèo”, bởi lẽ để thu hút nhân tài, các trường đều có nhiều học bổng cho sinh viên.
Trường ĐH Harvard có chính sách hỗ trợ toàn phần tài chính cho sinh viên có thu nhập gia đình ít hơn 41.000 USD/năm, ĐH Yale cũng có chính sách tương tự cho sinh viên có thu nhập gia đình ít hơn 45.000 USD/năm.
ĐH Princeton cung cấp các khoản học bổng cho sinh viên ở các gia đình thu nhập thấp và trung bình, thay vì các khoản cho vay.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng tài trợ nhiều suất học bổng cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Như vậy, khi được nhận vào một trường thuộc Ivy League, cơ hội để sinh viên xin học bổng là rất cao.