Minh bạch phải được áp dụng chung, phổ cập rộng rãi tới cả người dân chứ không phải chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp dù doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, nếu không sẽ dẫn đến sự xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Minh họa cho nhận định này, chuyên gia Phạm Chi Lan lấy ví dụ trong lĩnh vực đất đai. Tình trạng phổ biến là khi doanh nghiệp được cấp đất làm dự án nhưng sau đó lại bỏ hoang. Người dân mất đất sẽ là những người đầu tiên không đồng tình và khiếu kiện. Chính quyền địa phương sẽ là người đầu tiên phải hứng chịu, sau đó người ta không kiện được ở địa phương thì sẽ kiện vượt cấp lên trung ương, thế là khiếu kiện kéo dài.
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn thường than phiền về tính minh bạch và công khai trong hoạt động kinh doanh tại nước ta dù Chính phủ trong hai năm qua đã ban hành nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng này.
Suy cho cùng đây là vấn đề sâu xa mang tính “thể chế” mà biểu hiện cụ thể là ngay cả số liệu thống kê, báo cáo của các cơ quan chức năng cũng không rõ ràng, thiếu tính nhất quán trong nhiều lĩnh vực từ xuất nhập khẩu, chuyện nợ nần trong bất động sản đến thu ngân sách, tới mức người đứng đầu của một Bộ phải than rằng “không hiểu được”!
Chẳng hạn như trong báo cáo về thu ngân sách năm 2012, Bộ Kế hoạch – Đầu tư xác nhận là 741.500 tỉ đồng, chi ngân sách là 904.300 tỉ đồng. Cả hai số liệu này đều vượt dự toán và mức thực hiện của năm trước.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tài chính thì 10 tháng đầu năm 2012 chỉ mới thu được 564.000 tỉ đồng. Vậy là hai tháng cuối năm, ngân sách phải thu hơn 177.000 tỉ đồng nữa, tức bằng 31% số đã thu. Giải thích thế nào về con số này nếu không phải là công việc thống kê, báo cáo của chúng ta thiếu minh bạch và không nhất quán.
Hoàng Long