Vào những tháng cuối năm, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp thường bận rộn với biết bao báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh phục vụ cho công tác thống kê và tổng kết. Thế nhưng các số liệu tài chính doanh nghiệp có thực sự minh bạch như các bản báo cáo hay không là băn khoăn không chỉ với các nhà đầu tư mà còn có tác động hơn nữa trong những nhà làm chính sách.
Tính minh bạch, công khai trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp có khả năng vực dậy thị trường chứng khoán
Câu hỏi đặt ra là cho đến nay liệu doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng minh bạch tài chính chưa?
Tài chính doanh nghiệp hiểu đơn giản nhất là tình hình tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp được thể hiện, lượng hóa qua những chỉ số khô khan về tài sản, vốn lưu động, các khoản phải thu, phải trả, nợ, nguồn vốn chủ sở hữu, các khoản lợi nhuận của công ty tại một thời điểm nào đó. Các số liệu này thường không chính xác và nếu đạt mức độ chính xác nào đó thì việc tiếp cận thông tin số liệu cũng không dễ dàng với người bên ngoài.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay khá nhiều doanh nghiệp trong nước dường như vẫn còn xa lạ với khái niệm minh bạch, nhất quán, trong khi các công ty đa quốc gia đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, khái niệm trên lại khá phổ biến. Tại sao? Là vì các doanh nghiệp này coi tính minh bạch, nhất quán là một đặc trưng trong phương thức kinh doanh, thậm chí xác định nó là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường.
Tại một hội nghị đối thoại về chính sách tổ chức vào giữa tháng 12 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, chính sách nhất quán, minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh, duy trì sự tin cậy của các đối tác, khách hàng, cổ đông cải thiện năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và môi trường kinh doanh nói chung.
Biết vậy nhưng tại sao các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa sẵn sàng cho việc minh bạch tài chính doanh nghiệp của mình. Theo nhận định của nhiều người, có ít nhất hai nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng phổ biến này. Một là tâm lý “phòng thủ” của các doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước như thuế vụ, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường… Hai là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp khiến các chủ doanh nghiệp phải dè chừng đối thủ, quyết không khai báo “nội tình” của doanh nghiệp cho công chúng đầu tư, nhằm tránh bất lợi về thông tin.
Một cách khách quan, hệ thống khai báo thuế và chính sách thu thuế của chúng ta còn nhiều bất cập. Việc các cơ quan thuế thường bị giao chỉ tiêu thu thuế cao là áp lực chính dẫn đến tình trạng “tận thu” mà không chia sẻ được với doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn.
Về chính sách thu thuế là không sai, nhưng trong thực tế điều này khiến doanh nghiệp luôn trong tình trạng khai thấp doanh thu, tăng chi phí để hòng giảm lợi nhuận, từ đó giảm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách Nhà nước.
Từ đó nảy sinh chuyện thường gặp là cảnh thỏa hiệp vào mùa tính thuế làm môi trường kinh doanh không minh bạch, hình ảnh tài chính doanh nghiệp bị bóp méo, cổ đông không được thông tin đầy đủ về giá trị, khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong điều kiện hoạt động èo uột của thị trường chứng khoán hiện nay, tình trạng không minh bạch thông tin khó có khả năng phục hồi kênh đầu tư dài hạn này.
Trên một phạm vi rộng hơn, tính công khai và minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp còn chịu tác động bởi việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin từ các nguồn chính thống.
Để chứng minh cho sự kém cỏi về tính minh bạch, chúng ta có thể dẫn chứng từ các số liệu của VCCI. Các con số điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gần đây thì 61,26% doanh nghiệp cho rằng cần phải có mối quan hệ mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh. Có 41% doanh nghiệp cho rằng thương lượng về mức thuế phải nộp với cơ quan thuế là công việc phổ biến.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng cần phân biệt rõ hai khái niệm công khai và minh bạch. Nhiều khi chúng ta công khai nhưng không có minh bạch. Chúng ta công bố rõ các tiêu chí nhưng đằng sau vẫn có chuyện đi đêm, chuyện mặc cả, đấu thầu lúc nào cũng có chuyện quân xanh, quân đỏ…
Bà cho rằng minh bạch là cả một quá trình, từ lúc thiết kế chính sách, văn bản pháp quy, lấy ý kiến tham vấn doanh nghiệp, người dân đến quá trình thực hiện và sự giám sát của người dân vào quá trình đó. Theo tiêu chí chung như vậy thì sự minh bạch của chúng ta mới dừng ở mức độ công khai hơn là minh bạch thực sự, chính vì vậy mà môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn bị đánh giá ở vị trí thấp so với các nước khác.