“Bán bà con xa, mua láng giềng gần”, người xưa đã đúc kết. Từ mức độ gần ấy, sự quan tâm lẫn nhau của hàng xóm láng giềng là không tránh khỏi.
Ngày nọ, một chị tình cờ “nghe qua cửa sổ” hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau về gia đình chị. Cả hai bà đều cho rằng trong gia đình chị, vai trò vợ – chồng bị đảo ngược, vợ như đàn ông, chồng như đàn bà! Chị giật mình, vậy mà bao năm nay chị không chú ý đến điều này.
Do đặc thù công việc, chị là doanh nhân, chồng chị là công chức, tất nhiên việc của chị bận bịu hơn chồng. Vợ chồng chia sẻ quan tâm là đây, bao nhiêu năm chị phó mặc hết cho anh từ đưa đón con cái đến việc nhà.
Chủ nhật, anh chở chị đi siêu thị, tống hết các thứ vào tủ lạnh rồi hằng ngày anh tự xử. Chẳng thấy anh kêu ca hay than thở. Con cái lớn rồi mà anh vẫn giành việc giặt, xếp quần áo cho cả nhà.
- Xem thêm: Đồng hành
Nói chung, anh thuộc người dễ chịu, hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm chăm sóc vợ con. Thỉnh thoảng anh cũng ngồi đâu đó với bạn bè, những lúc như vậy anh chu toàn hết việc nhà rồi mới đi.
Chị và các con điềm nhiên hưởng “đặc ân trời cho” này và họ cũng không thấy anh “thất thế” trong gia đình mà ngược lại, mọi thứ không có ý kiến của bố thì đừng hòng.
Nhưng giờ đây, nghe hai người hàng xóm thân thiết bàn tán như vậy, chị cũng phải suy nghĩ. Thật ra, có suy nghĩ cũng không giải quyết được gì vì lâu nay đã thế, có anh chu toàn việc nhà, có chị lo lắng việc xã hội.
Tất nhiên mức thu nhập của chị cao hơn, nhưng đâu phải anh không có phần đóng góp? Lương công chức còn có thêm khoản bổng, anh không có nhu cầu bạn bè nhiều nên ít tốn kém. Số dư khoản này đâu ít?
Rồi chị lại nghĩ, đàn ông làm việc nhà có gì xấu mà sao xã hội định kiến thế? Tại sao người ta không nghĩ ngược lại rằng, chính đàn ông làm việc nhà giúp vợ mới khẳng định được “bản lĩnh đàn ông” văn minh?
Biết bao bạn bè của chị mở miệng là kêu rêu chồng, các chị vừa hoàn tất việc cơ quan lại phải trần lưng việc nhà, chồng rảnh rỗi đi nhậu, ngồi nói chuyện thiên văn địa lý, chính trị, kinh tế… toàn thứ vĩ mô mà không hề biết con cái mình ở nhà làm gì, vợ đầu tắt mặt tối ra sao. Chưa kể chồng nhàn cư vi quá, sinh chuyện nọ chuyện kia…
Tư duy theo kiểu hai bà hàng xóm ấy thì biết bao giờ nam nữ mới bình quyền và phụ nữ mới được bước ra ngoài xã hội, được giao tiếp, thể hiện tài năng, bên cạnh đấng phu quân lúc nào cũng tươi cười ủng hộ vợ? Vậy mới là xã hội văn minh, khẳng định phụ nữ cần phải được tôn trọng và bảo vệ.
Trên Facebook của một người có kể câu chuyện như sau: “Trong siêu thị thấy có hai cha con. Đứa bé khoảng ba tuổi đang khóc, còn ông bố thì quát qua điện thoại: “Đi đâu la cà lâu dữ, con ị tri trét tùm lum đây nè”.
Nhìn lại quả đúng vậy. Be bét quanh chân nó. Nghe bố la mẹ, con bé càng khóc to hơn. Có lẽ ông bố tức lắm nhưng ông không dám đét đít con (vì sợ… dơ tay). Nếu là ông bố ở trường hợp này, bạn có chờ vợ đến giải quyết hậu quả không?”.
Đa phần các bình luận là nam giới, họ cho rằng dù có sợ dơ đi chăng nữa thì người bố cũng phải làm, chứ như ông bố này thì bẽ mặt đàn ông quá. Có người lớn tiếng khẳng định: “Tay này không xứng đáng làm bố, việc nhỏ như thế không làm được phải gọi vợ thì sao làm việc lớn?”.
- Xem thêm: Chọn chồng, không học theo bà Tú
Có chị lời lẽ gay gắt hơn, “mới thấy, mẹ muôn đời là mẹ, bố chỉ là người dưng. Chạm con sợ bẩn tay sao gọi là bố? Chồng kiểu này thì vợ khổ suốt đời!”.
Mẫu người như ông bố trẻ trên đây chắc không hiếm, họ có thể cũng làm được việc vệ sinh cho con nhưng chỉ cực chẳng đã khi không có vợ. Nếu có vợ, đấy là việc của vợ! Cho dù vợ có bận bịu đến đâu, làm đến chức to cỡ nào thì vợ vẫn phải là người lo cho con từ A đến Z.
Nhiều cô bây giờ ngán ngẩm không muốn lập gia đình vì sợ khổ, phải hầu chồng, mất tự do… Nhưng, thiên chức phụ nữ đã khiến ít ai thoát khỏi cái “vòng kim cô” đó. Thôi thì, đã quyết lập gia đình, có con cái thì hai người phải xúm vào mà lo cho con, lo cho nhau tùy theo điều kiện của mỗi người, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện được lối cư xử của con người văn minh.